Nhảy đến nội dung

Công nghệ AI sẽ là trung tâm của nền kinh tế số tại Việt Nam

by content 31.10.2023

Nhân sự kiện FPT Techday 2023, phóng viên VietNamNet đã có dịp trò chuyện với ông Lê Hồng Việt, Tổng Giám đốc FPT Smart Cloud, nghe những chia sẻ của ông về sự phát triển và tác động của công nghệ AI đối với các lĩnh vực trong nền kinh tế số của Việt Nam.  

Ông đánh giá thế nào về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam thời gian qua?

Việt Nam được ghi nhận là quốc gia có nhiều người tiếp xúc và tham gia vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) khá sớm, nhờ đó, nhận thức về trí tuệ nhân tạo của người dân rất cao. Đặc biệt, trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ ngày nay, trí tuệ nhân tạo được tiếp cận một cách dễ dàng hơn. 

Hiện tại, Việt Nam cũng đã tạo ra được những dịch vụ khá tốt sử dụng trí tuệ nhân tạo và đang ngày một nhân rộng trên nhiều lĩnh vực. Vì vậy, tôi đánh giá Việt Nam không bị lạc hậu ở lĩnh vực trí tuệ nhân tạo mà chỉ đi sau một chút so với các quốc gia khác. Nếu so sánh khoảng cách về sự phát triển kinh tế với lĩnh vực AI thì khoảng cách ở lĩnh vực AI được đánh giá là ngắn hơn rất nhiều.

 

ong le hong viet tong giam doc fpt smart cloud 1.jpg

Ông Lê Hồng Việt, Tổng Giám đốc FPT Smart Cloud. (Ảnh: FPT)

Công nghệ AI ứng dụng ở những lĩnh vực nào ở Việt Nam đạt hiệu quả nhất?

Như tôi đã đề cập ở trên, công nghệ AI đang được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực nhưng được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian gần đây là lĩnh vực thương mại điện tử, đây là lĩnh vực truyền thống đã được ứng dụng trí tuệ nhân tạo khá sớm. 

Tiếp theo là lĩnh vực  tài chính ngân hàng. Hầu hết các ngân hàng đều đã ứng dụng công nghệ AI cho quy trình quan trọng như tiếp nhận và xác định danh tính eKYC.. các công ty tài chính sử dụng AI để tìm ra các sản phẩm mang tính cá nhân hóa cho khách hàng, dịch vụ chăm sóc khách hàng, hỗ trợ khách hàng ở nhiều kênh thông tin khác nhau. 

Gần đây, các ngành vận chuyển (logistics) cũng đã bắt đầu ứng dụng AI và cho thấy sự hiệu quả nhất định. Tóm lại, có 3 lĩnh vực mà Việt Nam có thể ứng dụng AI một cách hiệu quả gồm có thương mại điện tử, tài chính ngân hàng và ngành dịch vụ vận chuyển hàng hóa. 

Việt nam có những thuận lợi và khó khăn gì trong quá trình ứng dụng AI?

Thuận lợi lớn nhất của Việt Nam chính là nhận thức của người dùng, họ sẵn sàng chấp nhận những thứ do AI cung cấp, thậm chí còn tò mò và thích thú với các công nghệ đó. Từ đó, doanh nghiệp cũng sẽ tò mò và nhận thức được việc ứng dụng AI sẽ tốt cho doanh nghiệp của họ. Điều đó cho thấy nhận thức là yếu tố quan trọng nhất, khi có nhận thức sẽ tạo ra nhu cầu. 

Thứ 2 là nền tảng AI tại Việt Nam, hiện tại cũng đã có một số nền tảng ví dụ như FPT.AI cũng như một số công ty khác đã sẵn sàng tạo nên sự khác biệt dựa trên ngôn ngữ tiếng Việt và môi trường tại Việt Nam.

Ngược lại, khó khăn lớn nhất là công nghệ AI không thể đứng một mình mà phải tích hợp vào một ứng dụng nào đó nhằm triển khai dịch vụ và tương tác được với khách hàng để tạo ra kết quả. Điều này đòi hỏi phải có sự trưởng thành nhất định về hệ thống thông tin của doanh nghiệp để có thể tiếp cận với khách hàng một cách hiệu quả. 

Về mặt này, Việt Nam chưa được tốt, tuy nhiên, mọi thứ đang thay đổi khá nhanh. Việt Nam cũng chưa có những cơ sở hạ tầng tính toán mạnh. Dữ liệu còn phân mảnh và chưa có được nguồn dữ liệu chất lượng để AI học một cách chính xác hơn.

Việc ứng dụng AI có làm tăng chi phí doanh nghiệp, đặc biệt sau Covid-19 một số doanh nghiệp đã suy yếu?

Việc ứng dụng AI không những không làm tăng chi phí mà ngược lại còn làm giảm chi phí cho doanh nghiệp. Một số khách hàng của FPT đã rất thành công trong việc chuyển đổi trung tâm chăm sóc khách hàng của họ khi tăng gấp 3-4 lần năng suất nhờ ứng dụng công nghệ AI. Thay vì con người phải làm tất cả các khâu thì giờ đây con người sẽ chỉ làm một số khâu quan trọng và để máy xử lý các khâu còn lại. 

Với FPT, khách hàng hoàn toàn có thể thuê theo nhu cầu, khi bắt đầu sử dụng doanh nghiệp sẽ thấy được việc ứng dụng các công nghệ rất đơn giản và chi phí rất thấp nhờ các đầu tư hạ tầng đã được FPT thực hiện từ trước đó.

Không chỉ người dân và doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước cũng đang mong muốn ứng dụng AI, trợ lý ảo để hỗ trợ hoạt động của bộ máy công chức, ông đánh giá thế nào về xu hướng này?

ong le hong viet tong giam doc fpt smart cloud.jpg

Công nghệ AI sẽ rất hiệu quả khi ứng dụng vào các hoạt động quản lý của bộ máy công chức nhà nước.

Trong khối nhà nước có rất nhiều các quy định thủ tục phải tuân theo, một nhân viên công chức nhà nước để nắm vững hết các điều đó là rất khó. Thay vì phải đọc hết các tài liệu, họ có thể sử dụng trợ lý ảo AI để hỗ trợ. Nên nhớ, công nghệ AI sẽ rất hiệu quả khi hỗ trợ cho các đơn vị tiếp xúc với nhiều khách hàng. 

Nếu ví cơ quan nhà nước là doanh nghiệp và coi công dân là khách hàng thì rõ ràng đây là tổ chức có nhiều khách hàng nhất Việt Nam. Vì vậy, khi ứng dụng công nghệ AI vào các hoạt động quản lý của bộ máy công chức, hỗ trợ các quy trình vận hành của Chính phủ thì sẽ rất hiệu quả. 

Theo ông, công nghệ AI sẽ tác động thế nào đến tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam trong tương lai gần?

AI được coi là trái tim và bộ não của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, AI cũng sẽ là trung tâm của lĩnh vực kinh tế số. Trong xu thế AI phát triển mạnh mẽ, FPT vừa ra mắt sản phẩm FPT GenAI mang đến sự thay đổi toàn diện cho các doanh nghiêp, giúp gia tăng hiệu quả kinh tế. 

Ở Việt Nam hiện chưa có con số cụ thể, nhưng đối với Trung Quốc, dự tính công nghệ AI sẽ ảnh hưởng khoảng 22% GDP của nước này và 15-20% GDP của các nước trong khu vực châu Á - TBD (APAC), tôi nghĩ đó là con số lớn mà công nghệ AI có thể tác động đến nền kinh tế.

Xin cảm ơn ông!