ChatGPT là công nghệ mang tính cách mạng do Open AI phát triển đang làm “xôn xao” cộng đồng công nghệ thế giới, có khả năng đọc hiểu, tóm tắt, dịch văn bản, mô phỏng từ ngữ tiếp theo trong một câu văn… bằng ngôn ngữ tự nhiên trôi chảy giống như người thật.
Cùng tìm hiểu về ChatGPT với FPT.AI nhé!
ChatGPT là gì?
ChatGPT (Generative Pre-training Transformer) là một ứng dụng mới của công nghệ Trí tuệ Nhân tạo, đã đạt 1 triệu người dùng chỉ sau 1 tuần đầu ra mắt và đang là một xu hướng nội dung trên khắp các kênh mạng xã hội. Nó được phát triển trên nền tảng Mô hình Ngôn ngữ Lớn (Large Language Model – LLM) – mô hình có khả năng đọc, tóm tắt và dịch văn bản, giúp phỏng đoán từ ngữ tiếp theo trong một câu văn, tự nhiên như cách con người giao tiếp.
Để xác định được liệu ChatGPT có thể ứng dụng được cho doanh nghiệp như nào, cần nắm rõ đầy đủ điểm mạnh và điểm hạn chế của nó.
Ưu điểm của ChatGPT
Độ tự nhiên
Câu văn sinh ra bởi ChatGPT nói riêng, và các Mô hình Ngôn ngữ Lớn nói chung, đều rất tự nhiên, tạo ra cảm giác người dùng đang được giao tiếp với người thật, do đó tạo ra sức thuyết phục, hấp dẫn, đủ lôi kéo người dùng thích thú giao tiếp lâu dài với máy tính.
Đây vốn là tính năng chủ đạo trong thiết kế của tất cả các Mô hình Ngôn ngữ lớn hay nhỏ, tuy nhiên, với lượng dữ liệu ngôn ngữ tự nhiên ngày càng lớn, các Mô hình Ngôn ngữ Lớn ngày càng học được cách diễn đạt đa dạng và tự nhiên, theo ngữ cảnh.
Tính sáng tạo
Một trong các yếu tố được đưa vào xây dựng nhiều Mô hình Ngôn ngữ Lớn là ứng dụng, một phần hay tất cả, các mô hình xác suất thống kê, dựa vào đó kết quả đưa ra có mức độ ngẫu nhiên nhất định. Tính ngẫu nhiên này, cùng với khả năng xác định ngữ cảnh và lịch sử trò chuyện, khiến cho kết quả đưa ra bởi ChatGPT có thay đổi qua mỗi lần giao tiếp, dù có nhận được yêu cầu giống nhau. Đây là một yếu tố làm nên khả năng sáng tạo về mặt ngôn từ của các mô hình tạo sinh ngôn ngữ như ChatGPT.
Nhược điểm của ChatGPT
Tính chính xác
Nhược điểm lớn nhất của ChatGPT là những kết quả, những câu văn mà nó tạo ra, tuy nhiều khi rất tự nhiên như cách con người giao tiếp, nhưng lại có độ chính xác không được đảm bảo.
ChatGPT nói riêng và các Mô hình Ngôn ngữ (cả nhỏ và lớn) nói chung là các mô hình tạo sinh ngôn ngữ tự nhiên, được thiết kế để sản sinh các nội dung phỏng theo cách con người nói hoặc viết, dựa trên các thông tin đầu vào và ngữ cảnh. Mặc dù các mô hình này đưa ra phản hồi phù hợp trong một vài ngữ cảnh, không có cách nào để đảm bảo các phản hồi này là chính xác trên thực tế.
Sự không chính xác của thông tin sinh ra từ ChatGPT và các mô hình ngôn ngữ có thể đến từ một số nguyên nhân. Thứ nhất, mô hình tạo sinh văn bản có thể được học từ các bộ dữ liệu có chứa thông tin sai sót, hoặc đã cũ, thiếu cập nhật. Ví dụ với ChatGPT, một trong các nguồn thông tin đến từ Wikipedia, tuy nhiên nội dung Wikipedia có thể được bất kỳ ai chỉnh sửa và có thể chứa thông tin sai lệch. Thứ hai, mô hình tạo sinh văn bản có thể nhầm lẫn ngữ cảnh, đưa ra thông tin có thể chính xác với ngữ cảnh này, nhưng lại không phù hợp với ngữ cảnh khác. Thứ ba, mô hình tạo sinh văn bản có thể học từ các bộ dữ liệu không đầy đủ, khiến cho kết quả nó đưa ra, dù có chính xác một phần nhưng vẫn không đầy đủ.
Bản thân Open AI, đơn vị phát triển và phát hành ChatGPT, cũng khẳng định “ChatGPT đôi khi đưa ra những câu trả lời nghe có vẻ hợp lý, nhưng thực chất là không chính xác hoặc vô ý nghĩa”. Nguy hiểm hơn, bản thân ChatGPT không thể tự nhận thức được thông tin nó đưa ra là sai, và đôi khi còn quá tự tin khẳng định thông tin sai lệch với người dùng. Thông tin sai lệch chỉ có thể được phát hiện bởi người đã có được thông tin chính xác, tiềm ẩn rủi ro cho người dùng, nhất là những người chưa nắm được thông tin chính xác và tin hoàn toàn vào ChatGPT. Một khi rủi ro dẫn đến hậu quả thực sự, ngoài sự không hài lòng của khách hàng còn kéo theo vấn đề pháp lý và thiệt hại cho doanh nghiệp.
Khả năng lập luận
Các Mô hình Ngôn ngữ Lớn như ChatGPT đã đạt được khả năng nắm bắt các cấu trúc ngữ nghĩa, bóc tách được các thực thể và các giá trị của chúng trong câu từ, cũng như mối liên hệ giữa các thực thể. Tuy nhiên, hiện chúng vẫn còn gặp hạn chế trong lập luận lôgic phức tạp. Không thể đòi hỏi ChatGPT thực hiện giải các bài toán phức tạp, và ngay cả những câu hỏi cần sự suy luận đơn giản cũng có nguy cơ cao bị trả lời sai bởi ChatGPT.
Tích hợp luồng nghiệp vụ, triển khai on-premises & vấn đề bảo mật, quyền riêng tư
Mặc dù có thể trình diễn ấn tượng khả năng giao tiếp, các kết quả đưa từ ChatGPT đôi khi lại khó có thể tích hợp vào luồng nghiệp vụ của doan nghiệp. Kết quả này trong nhiều trường hợp là văn bản ngôn ngữ tự nhiên, ít cấu trúc, không thuận tiện để tự động chuyển đổi thành cấu trúc dành cho giao tiếp với các hệ thống máy tính, để thực thi các nghiệp vụ.
ChatGPT khó có thể đáp ứng ngay được các nhu cầu đặc thù của doanh nghiệp, vì nó chỉ là một thành phần trong cả chuỗi nghiệp vụ. Để thực sự vận hành được thành ứng dụng ở doanh nghiệp, ChatGPT có thể đòi hỏi đi cùng các ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ trí tuệ nhân tạo khác. Hiện tại ChatGPT còn thiếu nhiều khả năng tích hợp sâu vào với các lõi của hệ thống thông tin doanh nghiệp.
So với rất nhiều dịch vụ Trí tuệ Nhân tạo đang có sẵn, Dịch vụ ChatGPT hiện cũng rất đắt đỏ, phản hồi chậm, và đang không hỗ trợ cho thị trường nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam.
Đặc biệt nếu doanh nghiệp muốn triển khai on-premise, ChatGPT không thể đáp ứng, vì nó hiện chỉ đang vận hành trên hạ tầng đám mây của đơn vị phát hành. Với các Mô hình Ngôn ngữ Lớn khác mà có thể đưa vào hạ tầng của doanh nghiệp, việc triển khai on-premise cũng sẽ đòi hỏi hạ tầng lớn, chi phí cao. Kích thước và độ phức tạp của Mô hình Ngôn ngữ Lớn yêu cầu máy chủ cấu hình mạnh hoặc cụm máy chủ có kết nối mạng tốc độ cao, đủ bộ nhớ và dung lượng lưu trữ. Doanh nghiệp cũng cần kỹ thuật viên có chuyên môn và tài nguyên để thực hiện cài đặt, cấu hình và quản lý Mô hình Ngôn ngữ Lớn trong môi trường on-premise.
Open AI, đơn vị phát hành ChatGPT đang đưa ra điều khoản sử dụng yêu cầu người dùng cho phép Open AI gần như toàn quyền truy cập các giao tiếp giữa người dùng và ChatGPT. Điều này có thể là trở ngại lớn đối với những doanh nghiệp muốn đảm bảo chặt chẽ sự bảo mật thông tin cá nhân và quyền riêng tư của người dùng.
Khả năng ứng dụng ChatGPT vào các doanh nghiệp như thế nào?
Mọi chiến lược ứng dụng ChatGPT cho doanh nghiệp đều nên tận dụng được đúng thế mạnh của ChatGPT và tránh các vấn đề gây ra do hạn chế của nó.
ChatGPT thích hợp nhất với các tác vụ không đòi hỏi tính chính xác cao hoặc có người kiểm duyệt, không nghiêm ngặt về bảo mật thông tin & quyền riêng tư, như:
– Giao tiếp giải trí
– Hỗ trợ soạn thảo, tạo nội dung để người kiểm duyệt và biên tập lại
– Hỗ trợ tạo mã nguồn lập trình, để kỹ sư biên tập lại
– Hỗ trợ đọc, tóm tắt văn bản, dịch thuật văn bản, để người đọc biên tập lại.
Với ứng dụng Trợ lý ảo giúp người dùng có thể thực hiện các tác vụ như:
– Đặt & xử lý đơn hàng
– Kiểm tra trạng thái đơn hàng và giao hàng
– Báo cáo lỗi
– Báo cáo giả mạo
– Hỏi thông tin sự kiện, v.v.
Doanh nghiệp nên tận dụng các nền tảng Conversational AI đang có sẵn trên thị trường, bao gồm các sản phẩm mà FPT AI đã và đang cung cấp, để đảm bảo tính chính xác thông tin cao, khả năng tích hợp sâu và sẵn sàng ngay với các hệ thống thông tin doanh nghiệp. Do giao tiếp với khách hàng trên các nền tảng Conversational AI có sẵn đều thực hiện bằng ngôn ngữ tự nhiên, qua chat hoặc qua giọng nói, đôi khi chủ đề nói chuyện của người dùng đi ra ngoài luồng nghiệp vụ đã được thiết kế. Có thể tạo ra phản hồi tự nhiên hơn trong các tình huống người dùng không giao tiếp trong nghiệp vụ, bằng cách tận dụng ChatGPT đi kèm với một tầng xử lý thông tin bằng công nghệ Trí tuệ Nhân tạo bổ trợ, để kiểm soát độ chính xác và chất lượng thông tin.
Trong tương lai không xa, các nền tảng Conversational AI như FPT.AI có thể tích hợp với các Mô hình Ngôn ngữ Lớn, bổ sung thêm các tầng kiểm soát thông tin và các tầng xử lý thông tin khác – như giao tiếp bằng giọng nói tiếng Việt – để thực hiện hiệu quả hơn việc:
- Tự động trích xuất, tóm tắt, và dịch các nội dung văn bản đầu vào
- Hiểu ý nghĩa câu nói của người dùng mà không cần hoặc cần ít dữ liệu huấn luyện
- Hỗ trợ tạo nội dung để doanh nghiệp biên tập, ví dụ như kịch bản chăm sóc khách hàng mẫu, các bản nháp cho thông báo, tin tức nhắc nhở, …
——————————-
Liên hệ tư vấn Bộ giải pháp FPT.AI: https://fpt.ai/vi/lien-he
Hotline: 1900 638399
Email: [email protected]