Chuyển đến phần nội dung
center-gradient-cover-bg
right-gradient-cover-bg
background gradient desk
Bài viết

Lược sử FPT

Tháng Tám 10, 2023

Chia sẻ với:

LỜI GIỚI THIỆU

***

FPT là một công ty tin học lớn nhất Việt Nam.

Mặc dù vậy, sự đánh giá của công chúng về FPT rất khác nhau. Những người yêu mến FPT coi công ty này như IBM, như Microsoft, trong khi những người ghét FPT thì cho rằng công ty này chỉ có hư danh, thực chất chẳng tạo ra giá trị gì đáng kể cho xã hội.

Là người hoạt động lâu năm trong ngành công nghệ thông tin và viễn thông, có nhiều cơ hội tiếp xúc với FPT từ những ngày đầu tiên, chứng kiến sự trưởng thành của nó trong hơn hai mươi năm qua, tôi có thể nói rằng, mặc dù FPT chưa thể sánh được với những biểu tượng công nghệ thế giới như IBM hay Microsoft, nhưng FPT vẫn là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu nhất của Việt Nam từ khi có chính sách Đổi mới.

Những con số không biết nói dối: FPT tạo ra gần 15.000 công ăn việc làm cho xã hội, đóng góp hàng ngàn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Kết quả này còn ấn tượng hơn khi chúng ta biết rằng, FPT đã gây dựng sự nghiệp to lớn này hoàn toàn từ hai bàn tay trắng: công ty không được nhà nước cấp một đồng vốn, dù là bằng tiền mặt hay bằng cơ sở vật chất như nhà xưởng, đất đai, đồn điền,…

Sự thành công của FPT không đến từ may mắn. Nó là kết quả tất yếu của một mô hình doanh nghiệp năng động, được vận hành bởi những lãnh đạo có trách nhiệm và nhiệt tâm, cùng với sự lao động sáng tạo của hàng nghìn cán bộ nhân viên nhiều thế hệ, vì một mục tiêu chung.

Đúc kết có thể chỉ ngắn gọn trong một vài câu như thế, nhưng con đường đi đến thành công hôm nay của FPT dài hơn rất nhiều. Cuốn sách này cho chúng ta một phác họa chân thực về con đường gian nan một phần tư thế kỷ mà FPT đã đi qua.

Lê Đình Lộc, tác giả cuốn FPT Lược sử, tham gia FPT từ năm 1996, là lãnh đạo FPT thế hệ hai. Anh có vị trí rất thuận lợi cho công việc chép sử: không quá thấp để có thể tiếp cận mọi nguồn thông tin và không quá cao để quá xa rời thực tiễn.

Giá trị của lịch sử là những bài học mà nó mang lại.

Có lẽ tác giả Lê Đình Lộc viết FPT Lược sử với dụng tâm này.  Bạn có thể tìm thấy trong cuốn sách nhiều bài học thực tiễn về định hướng chiến lược, công tác lập kế hoạch, công tác tuyển dụng và đào tạo, công tác tiếp thị và bán hàng, công tác nghiên cứu và phát triển, công tác xây dựng môi trường văn hoá doanh nghiệp… Và giá trị của những bài học này vượt ra ngoài phạm vi FPT.

Đọc cuốn sách này, tôi có nhiều suy ngẫm.

Công tác cán bộ phải chú trọng hai chữ “đội ngũ”. Chủ tịch FPT có thể là người xuất chúng, nhưng cái làm tôi ấn tượng hơn chính là đội ngũ cán bộ tài năng mà ông đã tập hợp được. “Nhân tài là nguyên khí Quốc Gia”. Điều đó hiển nhiên cũng đúng cho các tổ chức. Một tổ chức có khả năng thu hút nhiều nhân tài như FPT, chắc chắn đó là một tổ chức có nhiều nguyên khí, có sức vươn lên mạnh mẽ.

Mô hình hoạt động của FPT cũng rất đáng tham khảo.

Trong khi các mô hình khác ở Việt Nam chú trọng đến kiểm soát thì mô hình FPT lại khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Người FPT luôn đưa ra những cách nhìn mới cho các vấn đề cũ. Rất nhiều giải pháp của FPT mang tính đột phá. Công chúng nhận xét về FPT không sai: “Bọn này” đã không làm thì thôi, nếu làm, “chúng” sẽ làm khác.

Sự uỷ quyền trong mô hình FPT cũng rất cao. Trên thực tế, các quản lý của FPT được trao rất nhiều quyền, nhiều hơn hẳn các quản lý đồng cấp trong các doanh nghiệp nhà nước. Vì thế, họ rất chủ động trong công việc. Nhưng khi thất bại, trách nhiệm cá nhân cũng rõ ràng. Trong các doanh nghiệp nhà nước, chúng ta quen với khái niệm “lãnh đạo tập thể”, và khi thất bại, ai cũng cảm thấy cá nhân mình vô can.

Khuyến khích sáng tạo, nhưng FPT không hề bỏ quên tính chuyên nghiệp.

FPT là một trong những công ty tiên phong ở Việt Nam về Hệ thống quản trị. Hệ thống này không những đảm bảo cho FPT không bị mất kiểm soát khi tăng trưởng với tốc độ cao, mà còn tạo ra môi trường giúp các sản phẩm và dịch vụ của FPT vươn tới các chuẩn mực quốc tế.

Tôi đã từng chia sẻ với các lãnh đạo ngành Bưu chính Viễn thông rằng, mô hình FPT là mô hình Tập đoàn mà chúng ta đang loay hoay tìm kiếm. Một tập đoàn đúng nghĩa phải thỏa mãn hai điều kiện: một là, nó phải được hình thành thông qua quá trình tích lũy từ nhỏ đến lớn; hai là, nó phải có đa chủ sở hữu. FPT thỏa mãn đầy đủ hai điều kiện này.

Môi trường văn hóa doanh nghiệp bên trong FPT cũng rất khác biệt. Đó là môi trường thu hút nhiều nhân tài. Đó cũng là môi trường tốt cho các tài năng phát triển. Giữ được môi trường văn hóa này, FPT sẽ phát triển và trường tồn.

Xin chúc mừng FPT với 25 năm liên tục thành công.

Xin chào đón một cuốn sách mới, cuốn sách bổ ích cho FPT và cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Tiến sỹ MAI LIÊM TRỰC

Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Thông tin và Truyền thông

CHƯƠNG 1: SỰ HÌNH THÀNH CỦA MỘT TỔ CHỨC

***

Nhóm Trao đổi Nhiệt và Chất (Viện Cơ học) – tiền thân của FPT, do Trương Gia Bình làm thủ lĩnh, đã hình thành 3 bộ phận trước ngày thành lập FPT:

  • Bộ phận Viện Cơ học: gồm các cán bộ của Viện cơ học như Lê Thế Hùng, Nguyễn Trung Hà, Phạm Hùng, Nguyễn Hồng Phan, Nguyễn Văn Thăng.
  • Bộ phận Cơ Điện Lạnh: được hình thành để triển khai các hợp đồng sấy thuốc lá tại Đồng Nai và Thanh Hóa gồm các cán bộ của Liên hiệp các xí nghiệp lắp máy (LILAMA) – Bộ Xây dựng chuyển sang như Trần Đức Nhuận, Nguyễn Văn Cư và Nguyễn Văn Ninh.
  • Bộ phận Tin học: đang dần hình thành với các thành viên do ông Trương Gia Bình thuyết phục về như Nguyễn Chí Công, Bùi Quang Ngọc, Đỗ Cao Bảo, Nguyễn Thành Nam và Võ Mai.

Sau khi FPT ra đời, có 4 đơn vị chính thức thành lập.

***

Xí nghiệp Cơ Điện Lạnh được thành lập ngày 12/10/1988, trực thuộc Công ty FPT, trên cơ sở bộ phận Cơ Điện Lạnh trong Nhóm Trao đổi Nhiệt và Chất (Nhóm TĐNC) trước đây. Ông Trương Gia Bình viết trong hồi ký rằng: “Hướng Cơ – Điện – Lạnh là sự phát triển logic của FPT vì trong nhóm chúng tôi ít nhất có ba người rất quan tâm và đại diện cho hướng phát triển này: anh Nguyễn Hồng Phan – say mê về cơ khí, anh Nguyễn Văn Thăng – chuyên gia về điện công trình và anh Trần Đức Nhuận – lão luyện trong ngành lạnh”.

Về mặt tổ chức, Xí nghiệp Cơ Điện Lạnh là đơn vị liên doanh được ký kết giữa Viện Cơ học, Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia và Liên hiệp Xí nghiệp lắp máy (LILAMA). Xí nghiệp có nhiệm vụ triển khai hướng công nghệ lạnh và điều hoà không khí. Ông Trần Đức Nhuận được bổ nhiệm làm Giám đốc Xí nghiệp. Ngoài ông Nhuận, Xí nghiệp chỉ có 2 công nhân là Nguyễn Văn Ninh và Nguyễn Văn Cư.

Ông Trương Gia Bình kể rằng: “Để lôi được anh Trần Đức Nhuận cùng các anh Ninh, anh Cư – những người đã cùng lăn lộn ở nhà máy thuốc lá Thanh Hóa về FPT, chúng tôi đã bàn một sơ đồ rất phức tạp: lập một liên doanh tay ba gồm Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia (cơ quan ngang Bộ), Viện Cơ học (thuộc Viện Khoa học Việt Nam) và Liên hiệp các xí nghiệp lắp máy (thuộc Bộ Xây dựng) đặt trực thuộc một liên doanh khác sắp thành lập giữa Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia và Viện Cơ học. Đó chính là Xí nghiệp cơ điện lạnh thuộc Công ty FPT”.

Trong thời gian hoạt động ngắn ngủi trực thuộc FPT, Xí nghiệp Cơ Điện Lạnh đã để lại một hợp đồng đáng nhớ đối với giới kinh doanh FPT khi đó. Đó là Hợp đồng thiết kế, lắp đặt hệ thống điều hoà trung tâm cho Đài Truyền hình Việt Nam trị giá khoảng 500.000 USD. Hợp đồng này là kết quả của cuộc đấu thầu đầu tiên của FPT.

Năm 1990, sau gần 2 năm hoạt động, ông Trần Đức Nhuận quyết định tách Xí nghiệp Cơ Điện  Lạnh ra khỏi FPT và lập thành Công ty EMECO, trực thuộc thẳng Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia.

***

Phòng Nghiên cứu Trao đổi Nhiệt và Chất trực thuộc FPT được thành lập ngày 01/11/1988 trên cơ sở tiếp nhận Phòng Thí nghiệm Hỗn hợp Việt Xô từ Viện Cơ học. Đây là liên doanh có từ trước giữa Viện Cơ học và Viện Trao đổi Nhiệt và Chất (Minsk, Liên Xô), thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Belorusia. Trưởng phòng là Tiến sỹ Ngô Huy Cẩn. Các cán bộ của phòng chủ yếu là các thành viên của Nhóm Trao đổi Nhiệt và Chất của Viện Cơ học: Phạm Hùng, Lê Thế Hùng, Nguyễn Hồng Phan, Nguyễn Văn Thăng. Ngoài ra có thêm một số cán bộ nghiên cứu của Viện Cơ học là Nguyễn Văn Xuân và Trần Thị Thu Hà (học trò Tiến sỹ Ngô Huy Cẩn).

Nhiệm vụ của Phòng Nghiên cứu Trao đổi Nhiệt và Chất là triển khai các hoạt động công nghệ thực phẩm, nghiên cứu, thiết kế các dây chuyền công nghệ sấy nông sản phẩm; phối hợp với xí nghiệp cơ điện lạnh để lắp đặt các dây chuyền trong thực hiện các hợp đồng công nghệ chế biến thực phẩm.

Theo đánh giá của ông Lê Thế Hùng thì hoạt động của Phòng Nghiên cứu Trao đổi Nhiệt và Chất “là một sự thất vọng đối với tất cả những ai quan tâm. Kết quả duy nhất đáng kể của nó là chuẩn bị đủ các điều kiện cho việc ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ và lắp đặt dây chuyền chế biến dứa bột với Tổng Công ty Rau quả Việt Nam (Vegetexco) và Viện Trao đổi Nhiệt – Chất”. Hợp đồng này đã không được hai bên thực hiện sau khi ký kết.

Đầu năm 1990, Phòng Nghiên cứu Trao đổi Nhiệt và Chất được chuyển giao lại cho Viện Cơ học với tất cả các thành viên của nó, trừ Lê Thế Hùng. Ông Hùng cho rằng: “Sự thất bại của Phòng Nghiên cứu Trao đổi Nhiệt và Chất trong khuôn khổ FPT bộc lộ những dấu hiệu báo động về tính không phù hợp của hướng công nghệ thực phẩm với mục tiêu của FPT lúc bấy giờ. Ngày nay, khi đã có một số kiến thức học lỏm về việc lựa chọn các hướng kinh doanh, tôi mới tìm được một số lý do giải thích tại sao lại như­ vậy”.

Sau khi phòng Phòng Nghiên cứu Trao đổi Nhiệt và Chất về lại Viện Cơ học, để duy trì hoạt động cho hướng công nghệ thực phẩm, trong FPT tồn tại một bộ phận gọi là phòng Thí nghiệm Công nghệ Thực phẩm do một nhân viên duy nhất phụ trách – Lê Thế Hùng. Đây là một đơn vị rất đặc biệt, không có quyết định thành lập, không có người phụ trách chính thức. Nó được hiểu ngầm trong FPT và được đăng ký với Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia thông qua 2 đề tài nghiên cứu khoa học: Nghiên cứu công nghệ chế biến bèo hoa dâu và công nghệ chế biến bột H.V.

Ông Lê Thế Hùng tâm sự trong bài hồi ký Một thời để nhớ: “Về phần mình, đây là thời kỳ khó khăn nhất của tôi tại FPT. Việc phải một mình làm việc trong một tập thể là điều chắc không ai muốn. Thế nhưng tìm đâu trong FPT người cùng chia sẻ công việc với mình? Mỗi lần nhìn các anh Tin học họp trao đổi, bàn bạc với nhau là tôi lại cảm thấy cô đơn. Tôi rất muốn được tham dự với các anh những dự án, những đơn thầu. Đã nhiều lần tôi định bỏ cuộc”.

Trong thời gian này, ông Hùng cho ra đời một sản phẩm nổi tiếng trong khắp FPT, đó là bột dinh dưỡng RIDIELAC H.V cùng các sản phẩm của nó như bánh bích quy, phồng tôm… Tuy nhiên, ông Hùng cũng đã buồn bã thú nhận: “Kết quả đó không đủ đặt nền móng cho một hướng kinh doanh lâu dài”.

Đầu năm 1994, FPT kết thúc sự nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm.

***

Cũng trong ngày 01/11/1988, Công ty FPT ra quyết định thành lập Phòng Tổng hợp do ông Đào Vinh, nguyên Chánh Văn phòng Viện Cơ học, phụ trách. Ông Đào Vinh cũng kiêm luôn cả chức danh Kế toán trưởng FPT khi đó sau khi tham gia một khóa học cấp tốc lấy bằng kế toán. Các nhân sự đầu tiên của phòng có: Lê Quang Tiến, Nguyễn Trung Hà (Trợ lý giám đốc), Trần Thị Thu Hà (thư ký).

Ông Lê Quang Tiến cho rằng, khi đó “Phòng tổng hợp là món lẩu thập cẩm, làm tất cả chức năng của Nhân sự, Tài chính, Kế toán, Xuất nhập khẩu… Ngoài Phòng Tổng hợp ra, khi đó FPT không có phòng ban nào khác cả”.

Trong thời kỳ đầu của FPT, Phòng Tổng hợp đã sát cánh bên cạnh Ban Giám đốc trong việc thực hiện các hợp đồng buôn bán với các nước Đông Âu, đổi máy tính lấy xe tải, sắt thép và Rúp chuyển nhượng (RCN) của Liên Xô, rồi dùng RCN mua xe tải của Đông Đức mang về Việt Nam bán.

Sau này, nhiều bộ phận được thành lập trên cơ sở tách ra từ Phòng Tổng hợp như: Tổ Dịch vụ vận chuyển (tiền thân của Trung tâm Dịch vụ XNK và Vận tải), Phòng Kinh doanh, Trung tâm Thiết bị kỹ thuật…

***

Khi 6 người làm tin học đầu tiên theo tiếng gọi của ông Trương Gia Bình về với Nhóm Trao đổi Nhiệt và Chất trong mùa hè năm 1988, thì có lẽ không ai trong số họ nghĩ rằng mình sẽ là nhân tố quan trọng để một công ty chế biến thực phẩm trở thành công ty tin học số 1 Việt Nam 10 năm sau. Sáu người này là: Nguyễn Chí Công, Bùi Quang Ngọc, Nguyễn Trung Hà, Đỗ Cao Bảo, Võ Mai và Nguyễn Thành Nam.

Tuy làm tin học, nhưng khi về FPT năm 1988, nhóm 6 ông này chỉ luôn được nghe về điều hòa không khí, công nghệ sấy thuốc lá, thực phẩm, bột dinh dưỡng, ô tô, sắt, thép, hợp tác xã may, thủy điện… Các hoạt động liên quan đến tin học quá hiếm hoi thời kỳ đó.

Ông Đỗ Cao Bảo kể: “Vào thời điểm này (mùa hè năm 1988), anh Trương Gia Bình đã chuẩn bị được một hợp đồng cung cấp máy tính với Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô đổi lấy sắt thép, ô tô và bất cứ thứ gì mà phía Liên Xô có. Nhóm anh Trần Đức Nhuận thì đã có hướng làm các hệ thống điều hòa trung tâm. Nhóm Trao đổi Nhiệt và Chất thì đã có các đề tài hợp tác với Viện Trao đổi nhiệt và chất, thuộc Viện Hàn lâm khoa học Belarussia… Vậy nếu thành lập FPT, thì 6 người tin học chúng tôi sẽ làm gì? Sau rất nhiều cuộc họp, thường là kết thúc vào lúc 2 giờ sáng chúng tôi đi đến kết luận là nhóm tin học sẽ làm nhiệm vụ “test” máy tính trước khi xuất sang Liên Xô, còn tất cả các công việc khác sẽ tính sau, quan trọng nhất là 6 người từ 6 nơi khác nhau, cùng đứng trong một đội hình, sẵn sàng làm bất cứ công việc gì khi cơ hội đến”.

Tuy có rất ít việc để làm trong thời kỳ đầu, nhưng chỉ sau khi thành lập FPT chưa đầy 2 tháng, ngày 01/11/1988, Giám đốc FPT Trương Gia Bình ký quyết định thành lập Trung tâm Dịch vụ Tin học (ISC). Trung tâm có nhiệm vụ hoạt động trong lĩnh vực công nghệ hiện đại, tiên tiến và thực hiện hợp đồng trao đổi thiết bị với Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (Viện HLKHLX). Cả 6 người kể trên là những nhân sự đầu tiên của ISC. Ông Nguyễn Chí Công được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm.

Ông Đỗ Cao Bảo kể rằng, lúc đầu ông Nguyễn Trung Hà là thành viên của bộ phận tin học (ISC) kiêm trợ lý giám đốc. Sau này Giám đốc Trung tâm ISC Nguyễn Chí Công yêu cầu ông Hà chỉ được làm một việc, ông Hà quyết định chuyển hẳn sang làm trợ lý giám đốc và trở thành một trong những người quan trọng nhất, có nhiều đóng góp nhất cho FPT trong giai đoạn 1988 – 1990.

Ngay cả ngay sau khi được thành lập, Trung tâm Dịch vụ Tin học ISC cũng không có nhiều việc để làm. Toàn FPT thời gian này đang tập trung cho các thương vụ ít liên quan đến tin học.

Ông Nguyễn Thành Nam nhớ lại thời ISC mới thành lập và ngồi làm việc tại 224 Đội Cấn – Hà Nội: “Thời gian ở Đội Cấn, thực sự hầu như chúng tôi chẳng làm dịch vụ Tin học cho ai cả, ngoại trừ việc phục vụ anh Nhuận và thỉnh thoảng cho anh Đạo, anh Điệp (Viện Cơ). Đại đa số thời gian là đọc sách và làm tất cả những gì mà có ai đó cần. Thường xuyên nhất là soạn các văn bản cho anh Đào Vinh và chị Thu Hà”.

Ông Bùi Quang Ngọc kể trong bài viết Con đường tin học: “Chúng tôi chứng kiến các hoạt  động phi tin của FPT. Có những lúc cả tầng 2 đầy quần áo để chuẩn bị xuất đi Ba Lan, Liên Xô. Hoặc mỗi cán bộ ISC được anh Hùng Râu dúi cho mấy hộp bột H.V mà anh nghiên cứu và sản xuất”.

Ông Nguyễn Thành Nam kể về những ngày tháng “nông nhàn” của ISC như sau: “Thật tình mà nói buổi ban đầu chẳng ai giao cho chúng tôi việc gì ngoài việc chế tạo “siêu máy tính”, do đó tha hồ mà thử mà mày mò. Cả hội chỉ có một máy tính XT Foremost và một máy ổn áp Đức mỗi khi có khách tham quan lại bốc khói mù mịt. Ngồi chán, anh Bảo quyết định chuyển toàn bộ các mã nguồn của chương trình nhận dạng sang Turbo C, một quyết định mà bây giờ mới hiểu hết tính đúng đắn của nó. Như trên đã nói, tôi chỉ biết tiếng Việt và tiếng Nga, do đó thấy các đàn anh làm gì đều ra sức học hỏi… Sau một thời gian chẳng thấy siêu máy tính tiến triển gì cả, Trung Hà thường bỏ đi giúp các anh Kỳ, Tiến trong việc bán máy tính đổi hàng cho Viện Hàn lâm Nga..”.

Ông Đỗ Cao Bảo cũng kể: “Những ngày đầu ngoài việc test máy ra, chúng tôi không có việc gì làm chung cả, Võ Mai thấy vậy đã tìm cách kiếm việc bên Hungary về cho nhóm làm. Võ Mai, Nguyễn Thành Nam và tôi đã làm một chương trình giới thiệu và hướng dẫn sử dụng máy tính bằng tiếng Hungary, rất tiếc công việc đã không thành”.

Ông Thành Nam nói công việc nặng nhọc nhất của những người làm tin học FPT khi đó là khuân các máy tính lên xuống 3 tầng nhà, đi Hải Phòng áp tải sắt thép từ cảng về… Công việc liên quan đến tin học nhiều nhất của ISC trong thời kỳ này như ông Bảo nói ở trên, là test máy tính xuất sang Liên Xô. Ông Bảo cho biết: “Trong hợp đồng này, bộ phận tin học chúng tôi, chỉ tham gia quá trình test máy tính, đóng gói, vận chuyển lên sân bay Nội Bài và bảo hành máy tính”.

Năm 1990, sau nhiều đợt cung cấp máy tính cho Viện HLKHLX, nhiều máy tính hỏng hóc cần sửa chữa, ISC cử ông Nguyễn Ngọc Đức và sau đó là ông Võ Mai sang Liên Xô để sửa chữa hàng loạt máy hỏng trong vòng 2 năm qua.

Đánh giá công việc của ISC thời kỳ này, ông Bùi Quang Ngọc trăn trở: “Xét cho cùng, mặt trận Liên Xô mang tính thương mại thuần túy. Anh em tin học tham gia rất ít vì khả năng chuyên môn không biết dùng vào đâu, ngoại trừ Đức “béo” (Nguyễn Ngọc Đức), Võ Mai đã thi thố bảo hành tại Liên Xô. Thị trường Liên Xô có ổn định lâu dài hay không là một câu hỏi không dễ trả lời. Còn Việt Nam, nơi cuộc sống đang nhúc nhích sau vài năm đổi mới, liệu có là mảnh đất kinh doanh màu mỡ hay không cho tin học? Trong linh cảm nhiều người FPT lúc đó, nhất là cánh tin học, đều hiểu rằng Việt Nam sẽ có phần cho chúng tôi…”.

Những năm 1990, các công ty tin học trong nước như 3C, Gen Pacific, Appinfo… ào ạt xuất máy tính sang thị trường Liên Xô vì lúc này Liên Xô vẫn đang bị cấm vận kỹ thuật cao. Giữa cao trào đó, ông Trương Gia Bình đã âm thầm chuẩn bị cho việc kinh doanh tin học cho thị trường trong nước.

Ông Nam viết trong Mềm mãi mà không cứng: “Sau khi chuyển sang Giảng Võ, bắt đầu có cảm giác không ổn trong việc phát triển tin học ở FPT. Có lẽ tiên đoán ra điều đó sớm nhất là anh Bình. Anh đã nhận ra rằng việc bán máy tính sang Liên xô tuy rất có lời nhưng chỉ là tạm thời. Thị trường trong nước mới thực sự là nơi FPT có thể phát triển những tham vọng công nghệ của mình”.

Ông Phan Ngô Tống Hưng viết trong Sử ký 10 năm FPT: “Thời gian này, Công ty đã chủ trương xây dựng ISC lớn mạnh cả về đội ngũ cả về năng lực công nghệ và kinh doanh, rồi thành lập Phòng Marketing do anh Phan Quốc Việt làm trưởng phòng, anh Trương Gia Bình trực tiếp chỉ đạo. Các loại ý tưởng được đưa ra nghiên cứu và thảo luận để tổ chức kinh doanh máy tính tại thị trường Việt Nam. Tôi nhớ một trong số đó là ý tưởng tổ chức các OA Center mà anh Trương Gia Bình quan sát được khi qua Thái Lan, tiếp thị trực tiếp các cơ quan lớn”.

Người khởi xướng cho ISC – bộ phận tin học của FPT khi đó – mạnh dạn đi kiếm tiền lại chính là nhà giáo – tiến sỹ Bùi Quang Ngọc. Sau một thời gian nặng về nghiên cứu sản xuất “siêu máy tính”, nghiên cứu các chương trình gõ tiếng Việt, nghiên cứu chương trình truyền tin trên UNIX chỉ để demo, ông Bùi Quang Ngọc cảm thấy sốt ruột và đã cương quyết đưa ra quan điểm: ISC phải kiếm ra tiền. Nói là làm, ông lập tức chỉ huy một nhóm mà phần lớn là môn đệ của ông, triển khai nhiều dự án tin học trong giai đoạn 1990 – 1994.

Ông Nguyễn Thành Nam viết: “Nửa cuối năm 90, đội marketing do anh Phan Quốc Việt chỉ huy bắt đầu chạy. Hợp đồng với Hàng không Việt Nam tương đối thành công đã làm lung lay một cách đáng kể vị trí lãnh đạo về tin học của anh Công (Nguyễn Chí Công). Bùi Quang Ngọc nổi lên như một ngôi sao mới”.

Giữa năm 1991, ông Nguyễn Chí Công chia tay FPT. Ông Bùi Quang Ngọc chính thức trở thành Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Tin học ISC.

Cuối năm 1993, bộ phận kinh doanh của ISC do ông Bùi Quang Ngọc cầm quân chuyển sang trụ sở 146 Nguyễn Thái Học. Lúc này ISC đã đón nhận thêm nhiều thành viên mới như Lê Quốc Hữu, Nguyễn Khắc Thành, Tô Minh Tuấn, Phạm Thế Hùng, Phan Quốc Khánh, Nguyễn Lâm Phương, Trần Ngọc Trí… đặc biệt là lứa sinh viên vừa ra trường đồng thời là môn sinh của ông Bùi Quang Ngọc tại Khoa CNTT – Đại học Bách Khoa Hà Nội như Hoàng Nam Tiến, Phạm Hồng Hải, Phan Minh Tâm, Trần Quốc Hoài, Phạm Vĩnh Thắng, Nguyễn Tú Huyền, Vũ Mai Hương… Bộ phận phần mềm do ông Nguyễn Thành Nam chỉ huy tiếp tục đóng quân tại trường Giảng Võ đến tháng 8/1994 thì chuyển sang Trung tâm chiếu phim Ngọc Khánh.

Cuối năm 1994, từ Trung tâm Dịch tin học ISC, 5 bộ phận tin học nòng cốt của FPT ra đời. Vai trò ISC chấm dứt sau 6 năm hoạt động.

Ông Bùi Quang Ngọc sinh ngày 12/03/1956 tại Nghệ An. Ông là học sinh chuyên Toán trường Chu Văn An, Hà Nội và tốt nghiệp chuyên ngành Toán tại trường Đại học Tổng hợp Kishinhov (Liên Xô cũ nay là Moldova) năm 1979. Ông bảo vệ luận án tiến sỹ về Cơ sở dữ liệu tại Đại học Grenoble (Pháp) năm 1986 và làm Phó trưởng Khoa Tin học, Đại học Bách khoa Hà Nội. Ông Ngọc là thành viên sáng lập FPT và trải qua các vị trí: Giám đốc Trung tâm Dịch vụ tin học ISC; Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT; Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT; Giám đốc Trung tâm Giải pháp Phần mềm FPT (2001); Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Quản lý nguồn lực FPT (2004). Ngày 31/07/2013, ông được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT.

CHƯƠNG 2: KIẾM TIỀN NUÔI NHAU

***

Những năm 1988 – 1992, kinh tế Việt Nam tuy đã có nhiều chuyển biến nhưng vẫn còn rất khó khăn. Các nhà khoa học đã tạo lập được công ty của riêng mình, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc họ phải tự kiếm tiền nuôi nhau. Vốn liếng ít ỏi do các hợp đồng trước mang lại dần cạn dần theo bảng lương hàng tháng của công ty.

Thời gian này chưa ra đời các ngân hàng thương mại nên các hoạt động vay tín dụng rất khó khăn. Vay cá nhân thì ít người dám tin các nhà khoa học kiếm được tiền trả nợ. Bộ máy kinh doanh của công ty làm việc hết công suất nhưng hợp đồng ngày càng khó tìm. Để duy trì sự tồn tại của FPT thời kỳ này, sử liệu FPT có ghi lại những hoạt động kiếm tiền sau:

  • Do mối quen biết từ trước, ngay sau khi có con dấu, Công ty ký 2 hợp đồng đầu tiên bán 2 máy tính cho Học viện Quốc phòng và Cục Bản đồ (Bộ Quốc phòng). Thu được 30 triệu đồng.
  • Trương Gia Bình và Nguyễn Trung Hà thỉnh thoảng bán vàng lấy tiền phát lương cán bộ (chưa thấy nguồn tin nào cho biết về nguồn gốc số vàng này. Phỏng đoán là vàng tích lũy từ các hợp đồng trước đó hoặc vàng cá nhân).
  • Lê Quang Tiến thường xuyên về quê Phú Thọ, nhờ vợ vay tiền, đem lên phát lương cho cán bộ (chưa thấy nói có trả nợ hay không).
  • FPT có bán ô tô cho Công ty Thương nghiệp Vĩnh Phú. Số lượng không rõ.
  • FPT ký kết tay ba với Tổng Công ty Rau quả Việt Nam (Vegetexco) và Viện Trao đổi Nhiệt – Chất Minsk (Belarusia) vào đầu năm 1990. Giá trị hợp đồng là 70.000 USD. Một năm sau, các bên ký kết hủy hợp đồng. FPT hưởng chênh lệch tỷ giá Rúp chuyển nhượng (là đồng tiền quy ước được sử dụng trong thương mại giữa các nước XHCN) với đồng tiền Việt Nam.
  • FPT lập bộ phận Điện tử công suất và đã sản xuất được một số tủ điều khiển cung cấp cho các trạm bơm ở Hải Hưng. Không có số liệu về doanh thu và lợi nhuận.
  • FPT dự định lắp đặt thiết bị cưa và mài đá để sản xuất, gia công vật liệu nhưng ý tưởng này bị vùi dập ngay khi không ai nắm được công nghệ và không kiếm đủ thiết bị cần thiết.
  • Lê Vũ Kỳ, Lê Quang Tiến, Nguyễn Trung Hà tổ chức buôn bán thập cẩm. Từ ống đồng, sắt thép xây dựng, mô tơ điện cho đến gas máy lạnh, lưỡi cưa kim cương, ống cống… và bất cứ cái gì có lãi.
  • “Thường thường mỗi đợt nhập máy tính về, trước khi xuất sang Liên Xô, đều bớt vài chiếc Olivetti để bán trong n­ước lấy tiền lãi duy trì sự hoạt động của công ty” – ông Đỗ Cao Bảo tiết lộ 10 năm sau (1998) trong bài viết Góc nhìn của một người.

Cuối năm 1988, ông Trương Gia Bình lên đường tu nghiệp tại Viện Nghiên cứu Max – Planck (CHLB Đức). Thời hạn 10 tháng.

***

Hợp đồng trao đổi máy tính để lấy vật tư, sắt thép, ô tô và các loại hàng hóa khác với Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (Viện HLKHLX) được ký kết trong bối cảnh Liên Xô đang bị cấm vận gắt gao việc nhập khẩu các thiết bị công nghệ cao, trong đó có máy tính và các thiết bị tin học khác. Hợp đồng này có vai trò vô cùng quan trọng đối với lịch sử FPT, là lý do trực tiếp thúc đẩy việc ra đời FPT và đem lại những đồng tiền quý giá cho công ty những ngày đầu thành lập. Việc thực hiện thành công hợp đồng tạo bước chuyển biến đột phá cho FPT cả về tài chính và thế lực, tạo tiền đề cho sự phát triển của công ty những năm về sau. Qua việc thực hiện hợp đồng, bộ phận tin học của FPT được hình thành và phát triển, tạo thành sức mạnh cốt lõi của FPT sau này.

Cuối năm 1988, khi nghe tin ông Trương Gia Bình sẽ đi tu nghiệp 1 năm tại CHLB Đức, ông Hoàng Quang Vinh, người đóng vai trò quan trọng trong Hợp đồng này, quyết định chia tay FPT.

Ông Trương Gia Bình kể: “Sau khi anh Hoàng Quang Vinh rút khỏi, việc triển khai thực hiện hợp đồng đã ký giữa Viện Khoa học Việt Nam và Viện HLKHLX trở thành vấn đề. Giao cho ai thực hiện hợp đồng này? Tuy chưa được phân công nhưng FPT vẫn theo kế hoạch cũ chuẩn bị rất tích cực. Việc tiếp theo là tính pháp lý của hợp đồng. Đây là hợp đồng do Viện Khoa học Việt Nam ký, còn FPT do Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia thành lập. Cho nên giải pháp là: anh Đạo (Giáo sư Nguyễn Văn Đạo) giao hợp đồng này cho Viện Cơ học, Viện Cơ học giao cho cơ quan liên doanh của mình với Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia là Công ty FPT. Đây là một thắng lợi rất to lớn đối với FPT, vì ngay từ ngày đầu thành lập chúng ta đã có hợp đồng với một đối tác hùng mạnh nhất của phe XHCN – Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô”.

Tuy nhiên, việc triển khai hợp đồng này không đơn giản đối với FPT non trẻ vì khi đó FPT vẫn chưa đủ nguồn vốn để thực hiện hợp đồng.

Ông Đỗ Cao Bảo kể: “Ngay cả việc thực hiện hợp đồng với Viện HLKHLX cũng gặp khó khăn vì không có vốn. Hợp đồng thì ký rồi, nhưng vốn để nhập máy tính thì lấy đâu ra? Anh Vũ Đình Cự hứa cho vay 24.000 USD, nhưng rất lâu sau mới làm xong thủ tục vay vốn”.

Đây là hợp đồng duy nhất của FPT nhận được sự giúp đỡ to lớn của lãnh đạo cấp cao nhà nước. Thủ tướng Đỗ M­ười khi đó đã phê vào văn bản đề nghị Thống đốc Ngân hàng nhà n­ước Cao Sỹ Kiêm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu t­ư Đỗ Quốc Sam, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoàng Quy, Bộ trưởng Bộ Thương mại Hoàng Minh Thắng giúp đỡ ông Vũ Đình Cự trong việc triển khai hợp đồng với Viện HLKHLX. Đại tướng Võ Nguyên Giáp (khi đó là Phó Thủ tướng chính phủ), căn cứ vào tính chất trao đổi thiết bị khoa học và công nghệ đã quyết định miễn thuế nhập khẩu và xuất khẩu cho hợp đồng.

Cuối năm 1988, thông qua bà Tô Bích Nguyệt (vợ Phó Giám đốc FPT Lê Vũ Kỳ), ông Trương Gia Bình đã tiếp xúc với một đối tác tư bản đầu tiên đại diện cho hãng Olivetti – hãng sản xuất máy tính hàng đầu châu Âu. Ông “tư bản” này tên là Miserendino. Thông qua vị đại diện này, FPT mở ra khả năng nhập máy tính Olivetti để xuất sang Liên Xô. Nhiều năm sau, ông Bình kể lại: “Sau này mới hiểu chúng tôi quả là ấu trĩ, sách vở. Thứ nhất, ông Miserendino không phải là nhà tư bản nào cả, mà cũng chẳng phải là người của hãng Olivetti. Ông ta đã thôi việc ở hãng Olivetti. Ông đi bán máy Olivetti cho công ty của ông ta lập tại Singapore và hơn nữa là bán rất đắt. Đấy là cái giá chúng tôi trả cho bài học đầu tiên làm ăn trực tiếp với các nước tư bản”.

Tuy nhiên, theo hợp đồng ký kết, máy tính Aztech đã được Viện HLKHLX lựa chọn để FPT cung cấp trao đổi hàng.

Ông Trương Gia Bình kể lại thời điểm FPT quyết định xuất máy tính Olivetti cho Viện HLKHLX: “Chúng tôi có một cuộc thảo luận rất quan trọng tại nhà riêng anh Đạo. Tôi nhớ tối hôm đó mất điện, có Lê Vũ Kỳ, Nguyễn Trung Hà, Lê Quang Tiến,… Chúng tôi bàn về cấp cho Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô máy Aztech như hợp đồng đã ký hay cấp máy Olivetti. Máy Olivetti đắt gấp đôi máy Aztech. Chúng tôi đứng trước sự lựa chọn giữa hiệu quả và uy tín. Chúng tôi đã lường trước việc bảo hành máy ở Liên Xô mênh mông và xa xôi. Cuối cùng quyết định chung là uy tín. Quyết định này về sau trở thành một chiến lược truyền thống của FPT: Uy tín dựa trên chất lượng hoàn hảo, hợp tác với các hãng hàng đầu (brand name), tạo ra một ưu thế cạnh tranh riêng biệt”.

Do Việt Nam cũng đang bị cấm vận nên việc giao nhận hàng rất kín đáo. Nhân chứng kể là ông Lê Quang Tiến thường phải bí mật thuê phòng khách sạn để nhận hàng Olivetti. Ông Đỗ Cao Bảo thì cho biết, nhóm ông có nhiệm vụ kiểm tra chất lượng xuất xưởng (test máy) và đóng gói vận chuyển lên sân bay, mỗi máy tính phải để trong một túi vải sẫm màu và buộc rất kín.

Để triển khai việc trao đổi thiết bị và giao nhận hàng, giữa năm 1990, FPT mở Văn phòng đại diện tại Matxcơva và cử ông Lê Vũ Kỳ sang làm đại diện và năm 1991 bổ sung thêm ông Lê Quang Tiến. Năm 1992, ông Phan Ngô Tống Hưng sang thay. Năm 1995, ông Phan Ngô Tống Hưng bàn giao văn phòng lại cho ông Đặng Văn Sơn (một cộng tác viên khi đó của FPT tại Matxcơva) và về nước. Văn phòng đại diện FPT tại Nga đóng cửa chính thức vào khoảng năm 1996.

Năm 1990, FPT tiếp tục xuất khẩu máy tính Olivetti sang Liên Xô (theo hình thức Nghị định thư được ký kết giữa 2 nhà nước) để đổi lấy đồng Rúp Chuyển nhượng  – là đồng tiền quy ước được sử dụng trong thương mại giữa các nước XHCN, đang rất rẻ tại Liên Xô nhưng có giá trị cao tại Việt Nam và các nước XHCN khác.

Với những đồng Rúp chuyển nhượng (RCN) thu được giá rẻ, ngày 08/10/1990, FPT ký hợp đồng nhập 300 ô tô tải IFA từ Đông Đức (vừa được sáp nhập vào Tây Đức). Với sự chênh lệch giá của đồng RCN, FPT hưởng lãi lớn khi đổi một máy tính lấy gần hai chiếc xe ô tô tải IFA. Tháng 08/1991, Liên Xô tan rã và đồng RCN cũng biến mất theo.

Cũng trong những năm 1990 – 1992, FPT còn xuất khẩu hàng may mặc sang Liên Xô, Ba Lan và một số nước Đông Âu. Thậm chí vào năm 1991, một số cá nhân FPT đã mua đến 90% cổ phần một Hợp tác xã (HTX) may trong nước, hy vọng chủ động sản xuất hàng xuất khẩu. Cũng có thể nói đây là giấc mơ sở hữu đầu tiên của người FPT và một số người suýt nữa đã trở thành ông chủ sớm hơn dự định. Theo lời kể của ông Nguyên Duy Hưng (Hưng Đỉnh) – khi đó là Trợ lý Giám đốc Kỹ thuật của HTX may – thì ông Phan Ngô Tống Hưng được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc HTX may. “Có lẽ đây là chức danh duy nhất có tại Việt Nam lúc bấy giờ” (nguyên văn lời ông Nguyễn Duy Hưng).

Do chưa có kinh nghiệm trong việc mua bán cổ phần doanh nghiệp nên FPT không kiểm soát được tài chính cũng như kinh doanh của HTX may này. Theo một số nạn nhân trót mua cổ phần kể lại, FPT không thu được lãi cũng như mất luôn số tiền mua cổ phần và tất nhiên cũng không sở hữu được HTX may này.

Ông Phan Ngô Tống Hưng sinh ngày 24/10/1961 tại Hà Nội, là học sinh chuyên Toán Trường Chu Văn An. Ông tốt nghiệp chuyên ngành Chế tạo động cơ máy bay tại trường Đại học CVUT Praha Tiệp Khắc (nay là Cộng hòa Séc) năm 1985. Ông về nước năm 1986 và làm giảng viên Đại học Bách Khoa Hà Nội. Ông gia nhập FPT ngày 01/02/1990 và trải qua các vị trí: Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT; Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT; Giám đốc Trung tâm Đề án và Chuyển giao công nghệ FPT; Trưởng Ban Xây dựng cơ bản và PTHT FPT; Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản FPT; Chủ tịch HĐTV Công ty Phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc FPT.

Nói về thời kỳ “hỗn mang” này của FPT, ông Lê Quang Tiến viết: “Vì chưa có kinh nghiệm quản trị đã vội vàng mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực mới, nên công ty mất định hướng, cán bộ phân tán khắp nơi, tiền bạc mất mỗi chỗ một ít… Anh Bình cũng ít có mặt ở Việt Nam, anh Kỳ phụ trách Văn phòng FPT ở Matxcơva, anh Hà, Hùng Kều sang Zodiac, anh Ngọc lo quản ISC, tôi phụ trách văn phòng tại Ba Lan, phụ trách thị trường châu Âu. Đúng là 4 phương 8 hướng”.

***

Giữa năm 1989, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức đấu thầu gói thầu Thiết kế và lắp đặt hệ thống điều hoà không khí cho trường quay Đài truyền hình Việt Nam. Xí nghiệp Cơ Điện Lạnh FPT do ông Trần Đức Nhuận làm Giám đốc chủ trì tham gia đấu thầu dự án này. Đây là cuộc đấu thầu đầu tiên của FPT. Tham gia hỗ trợ nhóm ông Nhuận có các ông Đỗ Cao Bảo, Nguyễn Thành Nam và Lê Thế Hùng.

Ông Đỗ Cao Bảo kể rằng, lúc đầu Đài truyền hình Việt Nam mời khá đông các đơn vị trong nước tham dự (khoảng 14 nhà thầu), hết vòng 1 chỉ còn lại 3 nhà thầu là: FPT, TECAPRO và Đại học Xây dựng. Vào vòng 2, do yếu về kỹ thuật, TECAPRO quyết định liên danh với FPT. Như­ vậy chỉ còn có FPT và Đại học Xây dựng thi đấu với nhau. Giải pháp kỹ thuật của Đại học Xây dựng là giải pháp điều hòa bằng hơi n­ước, còn giải pháp của ông Trần Đức Nhuận là giải pháp điều hòa không khí.

Trong quá trình chuẩn bị Hồ sơ dự thầu, ông Lê Thế Hùng thấy các kỹ sư trong nhóm ông Nhuận cặm cụi tính toán các dự toán rất phức tạp, nhất là mỗi khi phải thay đổi khối lượng và đơn giá hay nhà nước thay đổi các thông tư, nghị định cho định mức xây dựng cơ bản. Ông Hùng nảy ra ý định tự động hóa công việc này. Ông trình bày mô hình tính toán với ông Đỗ Cao Bảo và ông Nguyễn Thành Nam. Hai ông nghe xong cặm cụi lập trình luôn và hoàn thành chương trình trong vòng chưa đầy 10 tiếng đồng hồ. Các ông in ra và đưa cho ông Nhuận trên 100 trang dự toán công trình. Ông Nhuận xúc động lắm và thưởng nóng cho 3 cao thủ này 1.000.000 đồng, một số tiền khá lớn vào năm 1989 khi lương của cán bộ như ông Nam chỉ 30.000 đồng/tháng. Ông Nguyễn Thành Nam kể lại là sau này đi đâu, gặp ai ông Nhuận cũng phấn khích nói: “Máy tính hay lắm, ấn một cái là nó in ra lung tung cả”.

Ngày mở thầu, FPT mang cả máy tính đến hội trường và demo tại chỗ các cảnh ô tô, xe ủi, máy bay, tầu thủy chạy ra chạy vào, thể hiện sức mạnh của FPT để gây ấn tượng cho lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam và Hội đồng xét thầu.

Nhờ có ưu thế về giải pháp kỹ thuật, tính thực tiễn cao cùng với sự chuẩn bị hồ sơ thầu cẩn thận, chính xác, khoa học và bài bản, FPT đã chiến thắng trong cuộc đấu thầu đầu tiên trong lịch sử kinh doanh của mình với trị giá 500.000 USD.

***

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình là nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á trong những năm 90 của thế kỷ 20. Nhà máy có công suất thiết kế 1.920 MW với 8 tổ máy. Đây là công trình thủy điện do Liên Xô giúp đỡ xây dựng và vận hành. Công trình được khởi công tháng 11 năm 1979.

Năm 1991, Liên Xô tan rã và trở thành nước Nga và Cộng đồng các quốc gia độc lập SNG. Khi đó Nhà máy thủy điện Hòa Bình mới lắp đặt được 4 tổ máy. 4 tổ máy còn lại chưa được cung cấp và lắp đặt đầy đủ với trị giá hơn 40 triệu đô la Mỹ. Việc cung cấp và lắp đặt thiết bị trước kia nằm trong khuôn khổ Hiệp định viện trợ và Nghị định thư giữa Việt Nam và Liên Xô, nay bị ngưng trệ hoàn toàn. Cả CHLB Nga mới ra đời và Việt Nam bị cắt viện trợ đều không có nguồn tài chính và ngoại tệ mạnh để tiếp tục thực hiện dự án. Đại công trường Thủy điện Hòa Bình với hàng chục ngàn cán bộ, công nhân gặp khó khăn nghiêm trọng.

Trong bối cảnh đó, khi ông Trương Gia Bình gặp gỡ với một yếu nhân của Bộ Năng lượng Việt Nam, thì một ý tưởng về dự án Thủy điện Hòa Bình đã nảy sinh. FPT đã mạnh dạn đề xuất phương án ký lại phần hợp đồng còn lại với hình thức thanh toán đổi hàng, nhằm tiếp tục triển khai và kết thúc dự án Thủy điện Hoà Bình. Theo đó, FPT sẽ là đầu mối thanh toán cho đối tác bằng hàng dệt may, nông sản, điện tử, giày da… để họ tiếp tục cung cấp và lắp đặt 4 tổ máy còn lại. Thực chất, FPT chủ yếu cung cấp máy tính và phối hợp với nhiều doanh nghiệp khác cung cấp các mặt hàng còn lại.

Đề xuất của FPT được nhiều cơ quan nhà nước ủng hộ như: Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài Chính, Bộ Năng Lượng và Nhà máy Thủy điện Hoà Bình. Hàng loạt các cuộc họp và thuyết trình được tổ chức. Giám đốc FPT Trương Gia Bình trực tiếp chỉ huy chiến dịch. Ông Phan Ngô Tống Hưng và ông Phan Quốc Việt (Việt tròn) là những người trực tiếp tham gia dự án này.

Ông Phan Ngô Tống Hưng kể trong Sử ký 10 năm FPT: “Trong khi các Tổng công ty lớn của Bộ Thương mại và Bộ Công Nghiệp như Tocontap, Textimex, Confectimex… với lực lượng sản xuất khổng lồ, với kinh nghiệm xuất khẩu hàng nghị định thư dày dạn, với hàng chục thậm chí hàng trăm mẫu mã đang trưng bày và catalog sản phẩm xuất khẩu phong phú đã bắt đầu nghe đến dự án và sẵn sàng nhảy vào tham chiến, thì việc FPT với kim ngạch xuất nhập khẩu 300 ngàn USD và chưa từng xuất khẩu hàng công nghiệp nhẹ, đề xuất làm đầu mối thanh toán cho hợp đồng Thủy điện Hoà Bình thì quả là một đề xuất vô cùng táo bạo”.

Ông Trương Gia Bình đã trực tiếp thiết kế sơ đồ và thuyết trình về khả năng thực hiện thanh toán đổi hàng của FPT cho các cơ quan Chính phủ và các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Năng lượng. Trong các cuộc thuyết trình, ông Bình nhấn mạnh đến văn phòng đại diện hùng mạnh và một showroom khổng lồ hàng công nghiệp nhẹ của FPT tại Matxcơva, điều mà các tổng công ty khác không có. Ông Bình còn giới thiệu với các quan chức quan trọng hàng loạt tập catalog dày cộp về sản phẩm xuất khẩu của riêng FPT mà các thiếu nữ FPT đã công phu chuẩn bị nhiều tháng trước đó. Và cuối cùng, FPT đã được chỉ định làm đối tác ký vào hợp đồng giữa 3 bên: Thủy điện Hòa Bình, phía cung cấp thiết bị của Nga và FPT. Theo đó, FPT làm đầu mối thanh toán cho 4 tổ máy của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình bằng việc trao đổi hàng hóa.

Ngày 20/12/1994, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình chính thức được khánh thành sau hơn 15 năm xây dựng.

***

Lê Thế Hùng (tức Hùng Râu) là người để lại quá nhiều dấu ấn trong FPT. Những người có thâm niên làm việc trong FPT thường nhắc đến câu chuyện sản xuất bột dinh dưỡng H.V của Hùng Râu.

H.V hay Hạt Vàng là tên một loài cây có tên gốc là Quinoa, được trồng nhiều tại các quốc gia vùng núi Andes (Nam Mỹ) như EcuadorBoliviaColombia và Peru. Người da đỏ đã sử dụng cây này làm lương thực suốt hơn 3.000 năm qua. Hạt của loài cây này có các thành phần dinh dưỡng rất cao, đặc biệt là lysine, một thành phần của acid amin. Loài cây này có thể sống tốt ngay cả những vùng có khí hậu khắc nghiệt, ngày nóng đêm lạnh và ít mưa.

Cây này được đưa về Việt Nam những năm 1980. Ngay từ thời đó, các chuyên gia cũng như các nhà quản lý Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm cũng quan tâm, nghiên cứu nuôi trồng và chế biến thành lương thực quy mô lớn. Nó cũng được một số trung tâm nghiên cứu thực vật thuộc Bộ Nông Nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm trồng thử. Sau một vài năm nghiên cứu, khả năng triển khai đại trà cây H.V tại Việt Nam đã được chứng minh. Một số gia đình nông dân đã trồng và tự chế biến cho mình những sản phẩm lương thực để dùng trong nhà. Trong số các tổ chức nghiên cứu phát triển cây H.V tại Việt Nam khi đó phải kể đến Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm do Viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng lãnh đạo. Nỗ lực Viện này đã tạo được một phong trào trồng cây H.V tại nhiều xã thuộc tỉnh Hải H­ưng (nay là Hưng Yên và Hải Dương).

Ông Lê Thế Hùng nhớ lại thời kỳ đó: “Thế nhưng sử dụng H.V vào việc gì ở quy mô lớn? Đã có nhiều tranh cãi lúc bấy giờ tại các tổ chức có liên quan của Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm. Thậm chí còn có tin đồn một vị quan chức lớn của Bộ đã nhận lời thách thức từ một số vị khác về khả năng thương mại hoá các sản phẩm từ cây H.V ở Việt Nam. Một số vị còn cho rằng H.V chỉ nên phát triển cho chăn nuôi gia súc, gia cầm”.

Năm 1989, H.V đến tay Trương Gia Bình và lại trở thành một cơ hội mới cho FPT trong giai đoạn dò đường phát triển. Ông Bình kỳ vọng, trong vài thập kỷ sử dụng H.V, người Việt Nam sẽ được cải thiện đáng kể về thể lực cũng như trí tuệ. Và ông Lê Thế Hùng được giao trọng trách này.

Một chương trình trồng H.V tại một số vùng ở Bắc bộ được tiến hành do đích thân Lê Thế Hùng theo dõi chỉ đạo. Ông Hùng đã đọc sách và nghiên cứu nhiều tháng để nghĩ ra phương pháp tách thành phần saponin (một chất có vị đắng không tiêu hóa). Sau khi tách thành công saponin, công đoạn tiếp theo là sấy, nghiền thành bột nguyên liệu và đóng bao bảo quản. Việc còn lại là chế biến thành sản phẩm cung cấp cho thị trường.

Từ bột nguyên liệu H.V, ông Hùng đã phối hợp với Nhà máy thực phẩm Chùa Bộc thử nghiệm chế biến thành bánh quy, bột nhão, nước uống, bỏng ngô, phồng tôm… và được thử nghiệm trên khoảng 50 người FPT. Những người được lựa chọn thử nghiệm đã kiên quyết không sử dụng đến lần thứ hai. Ông Hùng thấy cần phải tìm đối tác chuyên nghiệp hơn về lĩnh vực chế biến thực phẩm để sản xuất sản phẩm dinh dưỡng H.V sao cho thơm, ngon và hấp dẫn hơn.

Năm 1992, FPT ký Hợp đồng hợp tác nghiên cứu và triển khai khoa học kỹ thuật về chế biến bột H.V với Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk). Theo đó, FPT sẽ cung cấp bột nguyên liệu H.V và chế biến thành sản phẩm tại nhà máy của Vinamilk. Hai bên cùng phối hợp đưa sản phẩm ra thị trường.

Lô hàng thử nghiệm đầu tiên ra đời với hơn 1.200 hộp. Sản phẩm được đặt tên là Ridielac H.V bán với giá 12.000 đồng/hộp. FPT đã phối hợp với Viện Dinh dưỡng quốc gia và Ủy ban chăm sóc bảo vệ bà mẹ trẻ em thử nghiệm tại một số nhà trẻ. Sau 3 tháng thử nghiệm đạt kết quả rất tốt và sản phẩm được cấp giấy chứng nhận. Đó là điều kiện tốt cho việc sản xuất đại trà và xúc tiến bán hàng. Một số người FPT đã béo lên trông thấy sau khi mua hàng ủng hộ ông Hùng Râu.

Tuy nhiên, 1.200 hộp sản xuất thử nghiệm đợt đầu là quá ít để đánh giá được phản ứng của thị trường.

Năm 1993, FPT lại ký tiếp với Vinamilk sản xuất thử nghiệm quy mô lớn hơn: 25.000 hộp. Ông Lê Thế Hùng kể: “Để chuẩn bị cho đợt sản xuất ở quy mô này, chúng tôi đã hợp tác với nhà máy Thực phẩm Chùa Bộc triển khai lắp đặt dây chuyền tách saponine và Xí nghiệp Chế phẩm Vi sinh Hà Nội triển khai sấy, nghiền và đóng bao. Chế biến xong bột, tôi áp tải chúng vào TP Hồ Chí Minh. Lần này, tôi đã ở lại TP Hồ Chí Minh hơn 3 tháng, từ tháng 05 đến tháng 08/1993”.

Tại TP Hồ Chí Minh, số lượng bột dinh dưỡng cần thiết được chế biến tại nhà máy DIELAC của Vinamilk. Và một sai lầm đã xảy ra. “Sai lầm mà cho đến nay tôi vẫn cho là nghiêm trọng nhất, làm hỏng toàn bộ kế hoạch đ­ưa H.V ra thị trường”, Lê Thế Hùng ngậm ngùi nói.

Ông Hùng kể lại chi tiết sự việc này trong hồi ký Một thời để nhớ: “Vấn đề là ở chỗ lúc này DIELAC có một sự thay đổi trong việc tổ chức sản xuất. Năm 1992, nhà máy thuê Xí nghiệp bánh bích quy LUBICO chế biến bánh như­ đầu vào. Đến năm 1993, nhà máy đã tự trang bị một dây chuyền chế biến bánh bích quy. Và công việc chế biến bánh bích quy H.V trước kia thực hiện tại LUBICO nay được triển khai tại DIELAC. Lúc này, do chủ quan và cũng do chư­a có kinh nghiệm, tôi đã gợi ý nhưng không kiên quyết, đề nghị anh Nguyễn Ngọc Quỳnh – Giám đốc DIELAC, mời chị Nguyễn Kim Chi – người chịu trách nhiệm chế biến lô bánh năm 1992 rất thành công, tham gia. Anh Quỳnh không đồng ý vì sợ làm các anh chị kỹ thuật DIELAC tự ái. Mặc dù các anh chị kỹ thuật của DIELAC rất nhiệt tình và cố gắng, nhưng chắc vì thiếu kinh nghiệm nên lô bánh bích quy không được thơm ngon như­ lần năm 1992. Điều này đã làm giảm hương vị của bột dinh dưỡng H.V. Khi nhận thấy điều đó lúc nếm thử, lẽ ra tôi cần đề nghị DIELAC không đ­ưa ra thị trường lô hàng này, nhưng vì tiếc và chủ quan nên tôi đã không làm như­ vậy. Cho đến nay, mỗi khi nghĩ lại về H.V, tôi lại ân hận vì chuyện đó”.

Tuy nhiên, việc đ­ưa RIDIELAC H.V ra thị trường với khối lượng lớn vẫn được thực hiện bài bản. Các hình thức tiếp thị của FPT đã được tung ra liên tục: tờ rơi, gửi thư­, viết bài trên các báo, quà biếu các nhà trẻ, bệnh viện, đặt mẫu tại các cửa hàng bán sữa… Tại Hội chợ triển lãm Giảng Võ năm 1993, RIDIELAC H.V được trao Huy chương Vàng. Ông Lê Thế Hùng ngạc nhiên: “Điều mà tôi hoàn toàn không ngờ và cho đến nay vẫn không hiểu chiếc huy chương đó có xứng đáng không?”. Thậm chí RIDIELAC H.V cũng được lên truyền hình. FPT mở hệ thống phân phối với hàng loạt cửa hàng tại Hàng Buồm, Cửa Nam, Hàng Da….

Sau vài tháng ra thị trường, bắt đầu xuất hiện những phản ứng về sản phẩm. Nhiều đại lý không muốn tiếp tục nhập hàng và bắt đầu giảm giá. Khách hàng đã phản hồi về chất lượng khá tiêu cực. Lê Thế Hùng thốt lên: “Sai lầm nhỏ đã bắt đầu gây hiệu ứng lớn”. FPT làm mọi cách để bán hết hàng: đưa đến các công ty quen biết, khuyến mại, ký gửi. Hàng cuối cùng cũng được bán hết.

Lãnh đạo FPT cân nhắc và đi đến quyết định dừng cuộc phiêu lưu H.V.

Năm 1994, sau những nỗ lực lo ăn, lo mặc và lo hút cho người dân Việt Nam, Giám đốc Trương Gia Bình quyết định FPT chấm dứt mọi hoạt động liên quan đến công nghệ thực phẩm và dệt may.

Ông Bình nói: “Có thể nói không có gì dễ hơn thất bại. Còn muốn thành công thì cần hội tụ đủ cả thiên thời – địa lợi – nhân hoà. Tuy nhiên hướng trao đổi nhiệt và chất đã hoàn tất sứ mệnh lịch sử của nó. Nó đã đưa chúng tôi từ những nhà nghiên cứu cơ bản sang lĩnh vực kinh doanh công nghệ. Nó đã tạo tiền đề phôi thai thành lập FPT. Và những kinh nghiệm thành bại này sẽ giúp FPT trên suốt con đường phát triển của mình”.

Ông Lê Thế Hùng sinh ngày 17/08/1958 tại Thanh Hóa. Ông tốt nghiệp chuyên ngành Toán Cơ và bảo vệ thành công luận án phó tiến sỹ tại trường Đại học Tổng hợp quốc gia Matxcơva mang tên Lomonoxop (Liên Xô cũ nay là CHLB Nga). Ông về nước năm 1981 và công tác tại Viện Cơ học Việt Nam. Ông Hùng là thành viên sáng lập FPT và trải qua các vị trí: Trợ lý Tổng Giám đốc; Giám đốc Trung tâm Đảo bảo chất lượng FPT (FQA); Phó Tổng Giám đốc Công ty Phần mềm FPT; Trưởng Ban Kiểm soát Công ty Cổ phần FPT.

CHƯƠNG 3: TIẾN VỀ SÀI GÒN

***

Ông Trương Gia Bình có lần nói: “Lẽ ra ngay từ 1988, FPT có hội sở ở Hà Nội và chi nhánh mạnh tại thành phố Hồ Chí Minh”. Đó là khi ông đang phối hợp với ông Hoàng Quang Vinh, cán bộ Phân viện Cơ học kiêm Giám đốc Công ty Cotec tại TP HCM, chuẩn bị triển khai hợp đồng ký với Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô.

Mong muốn của ông Bình về một chi nhánh Công ty FPT tại thị trường sôi động nhất của cả nước chỉ được thực hiện vào đầu năm 1990.

Theo ông Lê Quang Tiến, vào những năm 1980 – 1990, việc các cơ quan tại Hà Nội mở chi nhánh hoặc văn phòng 2 tại TP. Hồ Chí Minh rất khó khăn. FPT đã thử một lần xin phép mở chi nhánh tại đây và đã bị UBND TP. Hồ Chí Minh từ chối.

Đầu năm 1990, trong một đợt công tác tại TP. Hồ Chí Minh, ông Lê Quang Tiến đã có cuộc diện kiến với Phó Thủ tướng Đồng Sỹ Nguyên tại nhà khách T78. Trong cuộc nói chuyện, ông Tiến tranh thủ bày tỏ mong muốn mở chi nhánh công ty FPT tại TP HCM với tối đa 4 người từ Hà Nội vào. Phó Thủ tướng đồng ý giúp đỡ FPT bằng việc tác động với lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh.

Nhờ sự tác động này, cuối tháng 03/1990, FPT nhận được con dấu và Quyết định thành lập Công ty FPT Chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 31/03/1990, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ quốc gia Vũ Đình Cự ký Quyết định số 13-90/VCN-TCCB về việc “Cử đồng chí Lê Vũ Kỳ giữ chức Phó Giám đốc Công ty Công nghệ Thực phẩm kiêm Giám đốc Công ty Công nghệ Thực phẩm Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh”.

Tuy nhiên, trên thực tế Chi nhánh FPT – HCM chưa được hoạt động trong thời gian này và con dấu chi nhánh luôn được cất rất kỹ trong tủ sắt của FPT tại Hà Nội.

Tháng 10/1990, ông Trương Gia Bình mới chọn được người đầu tiên cho Chi nhánh. Người được ông Bình lựa chọn là bà Trương Thị Thanh Thanh, người chị ruột của ông.

Bà Trương Thị Thanh Thanh kể lại: “Tháng 10 năm 1990, anh Trương Gia Bình vào Sài Gòn công tác. Một buổi tối, không hiểu có sự đắn đo gì trước hay không, anh Gia Bình hỏi tôi:

  • Chị dạy bên Tổng hợp có bận lắm không?
  • Bình thường. – Tôi trả lời.
  • Thế chị có thể trông coi giúp bọn em một văn phòng chi nhánh sẽ được giao vào tuần tới không? Nhiệm vụ thì chỉ đơn giản là giữ con dấu chi nhánh cho thật chặt, không ký bậy, còn làm gì thì Hà Nội sẽ thông báo. Lương 200.000 đồng một tháng.

Thú thật, vợ chồng tôi mới đi tu nghiệp về, tiền bạc thì không thiếu lắm, thời giờ lại thừa. Hơn nữa, lại được giới thiệu là FPT gồm một hội anh em trẻ, đa số từ Nga về, đang góp sức làm một cái gì đó vĩ đại. Vả lại nhờ trông coi một cái gì đó cho cẩn thận thì chắc là tôi làm được, mà còn có thể tốt là khác. Thế là tôi đồng ý”.

Trương Thị Thanh Thanh, sinh ngày 01/09/1951 tại Bình Định. Bà tốt nghiệp chuyên ngành Vật lý phân tử tại Đại học Tổng hợp Bacu (Liên Xô cũ, nay là Azecbaizan). Bà về nước năm 1974 và là giảng viên Trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Bà gia nhập FPT ngày 01/09/1990 và trải qua các vị trí: Phó Giám đốc và Giám đốc Chi nhánh FPT – HCM; Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT.

Như vậy, nhiệm vụ đầu tiên của bà Thanh là giữ hộ ông Bình con dấu Chi nhánh và sửa sang trụ sở đầu tiên của Chi nhánh mới được thuê tại 84, Trần Quốc Thảo, Q.3, TP HCM.

Nhiệm vụ thứ hai quan trọng hơn nhiều, đó là tìm người cho Chi nhánh. Với khả năng thu hút hiền tài không kém em trai mình, bà đã tiếp xúc và thuyết phục được nhiều người tài giỏi gia nhập FPT – HCM. Đó là các ông: Hoàng Minh Châu, Nguyễn Minh Sơn, Ngô Vi Đồng và Vương Mạnh Sơn. Họ cũng chính là những lãnh đạo đầu tiên của Chi nhánh.

Bà Trương Thị Thanh Thanh kể rằng, ông Hoàng Minh Châu về Chi nhánh FPT – HCM cũng lại là một sự tình cờ may mắn. Đầu tháng 11/1990, ông Phan Quốc Việt (tức Việt “Tròn”) vào Sài Gòn công tác và giới thiệu Chi nhánh với ông Hoàng Minh Châu. Lúc đó ông Châu đã là một người có tiếng trong làng tin học, giỏi chuyên môn, quan hệ rộng và đã từng kinh doanh máy tính. Ông Châu đang công tác tại Trung tâm Toán – Máy tính Bộ Quốc phòng và là cộng tác viên cho nhiều đơn vị tin học.

Ông Hoàng Minh Châu kể lại rằng, ông lần đầu tiên nghe đến cái tên FPT qua lời “quảng cáo” của ông Phan Quốc Việt. Ông Châu cũng biết rằng trong FPT có những người bạn cũ của ông như Lê Quang Tiến (học cùng lớp chuyên Toán A0 và cùng trường đại học tại Kishinhov), Bùi Quang Ngọc (học cùng trường đại học ở Kishinhov). Tuy nhiên, theo ông Châu: “Chắc anh (Việt tròn) giới thiệu không hay lắm nên tôi chẳng thấy có gì đặc biệt”.

Quyết không nản chí cầu hiền, ngày 11/11/1990, ông Phan Quốc Việt lại dẫn ông Hoàng Minh Châu đến trụ sở đầu tiên của FPT – HCM tại 84 Trần Quốc Thảo để giới thiệu với bà Trương Thị Thanh Thanh, khi đó đang phụ trách văn phòng Chi nhánh. “Việt tròn giới thiệu chị Thanh là chị gái của anh Trương Gia Bình và là Trưởng đại diện của FPT tại TP HCM. Tôi gật đầu ra ý hiểu, nhưng thực chất tôi cũng chẳng biết Trương Gia Bình là ai. Tôi ra về với lời hứa, lúc nào rỗi sẽ ghé chơi”, ông Châu kể lại trong Sử ký 10 năm FPT – HCM.

Phan Quốc Việt nói với ông Châu: “Mày cứ thử mấy tháng, nếu không thích thì thôi”. Ông Châu nói, khi nào thấy thích thì mới thử. Ông Việt buồn bã bay ra Hà Nội.

Một tuần sau đó, ông Hoàng Minh Châu lần đầu gặp ông Trương Gia Bình tại TP HCM trong khuôn khổ Diễn đàn đầu tư nước ngoài tổ chức tại Dinh Thống Nhất. Cùng đi với ông Bình có cả ông Lê Vũ Kỳ. Ông Châu kể: “Cả hai đều cao to trắng trẻo. Anh Bình có vẻ không sao phân biệt được từ Anh và từ Việt nên mỗi câu nói đều sử dụng lẫn lộn tiếng Việt và tiếng Anh. Anh nói về Hệ thống, về Tập đoàn, về tương lai, về những con số nhiều triệu… Nghe anh nói tôi hoàn toàn bị chinh phục và cảm thấy những việc mình đang làm là nhỏ nhoi và tầm thường”. Sau cuộc gặp gỡ, ông Châu quyết định bỏ hết công việc đang làm với thu nhập khoảng 5 – 6 triệu đồng/tháng để về FPT với lương tháng đầu tiên là 450.000 đồng. “Sau này nghĩ lại, tôi chưa bao giờ hối hận về quyết định vội vã này và dù trong những điều anh Bình nói lúc đó, có đến 90% là chuyện không bao giờ trở thành hiện thực, tôi vẫn tin rằng anh Bình là người thầy mà tôi học được nhiều nhất suốt những năm làm ở FPT”, ông Châu viết trong Sử ký FPT – HCM.

Tháng 12/1990, ông Hoàng Minh Châu được bổ nhiệm làm Giám đốc Chi nhánh FPT – HCM đầu tiên. Phó Giám đốc là ông Ngô Vi Đồng.

Ông Hoàng Minh Châu, sinh ngày 28/03/1958, tại Nam Định. Ông học lớp Chuyên Toán tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và tốt nghiệp chuyên ngành Toán tại Trường Đại học Tổng hợp Kishinhov (Liên Xô cũ nay là Moldova). Ông về nước năm 1981 và công tác tại Trung tâm Toán – Máy tính, Bộ Quốc phòng. Ông Châu gia nhập FPT ngày 01/12/1990 và trải qua các vị trí: Giám đốc Chi nhánh FPT – HCM; Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT.

***

Thời gian đầu, Chi nhánh FPT – HCM được cấp vốn chủ yếu bằng máy tính Olivetti. Thiếu tiền thì bán, bán được thì tiêu. Bán hết Hà Nội lại gửi vào. Cũng như FPT những ngày đầu tiên, FPT – HCM cũng kinh doanh đủ các hướng để kiếm tiền nuôi nhau: bán máy tính, sấy cam thảo, viết và xuất bản sách tin học, bán thiết bị văn phòng… Ngoài ra, Chi nhánh còn có một trung tâm dạy vi tính do ông Vương Mạnh Sơn phụ trách.

Hoạt động đáng kể đầu tiên của Chi nhánh là bán máy đánh chữ Olivetti ETP1000. Ông Nguyễn Minh Sơn là nhân vật chính trong phi vụ này. Là con người nhạy bén kinh doanh, ông Sơn nhận thấy cái tên Olivetti được nhiều người Sài Gòn sống trong chế độ cũ (trước 1975) biết đến, đặc biệt là máy đánh chữ. Ông đã lập một kế hoạch kinh doanh bài bản, chuyển ra Hà Nội đề nghị nhập 1.000 chiếc Olivetti ETP1000 từ Singapore về Tp. HCM. Cả Chi nhánh FPT – HCM lao vào cuộc chiến bán máy. Ông Sơn đã sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ như hạ giá rồi lại nâng, nâng rồi lại hạ, gạ gẫm, chiều chuộng, tung tin, ký gởi… cuối cùng lô hàng này được bán hết vào cuối năm 1994. Ông Hoàng Minh Châu sau đó kiên quyết không nhập thêm bất cứ chiếc máy đánh chữ nào nữa. Lúc này các loại máy tính cá nhân đã làm lu mờ hoàn toàn những chiếc máy đánh chữ trong đời sống xã hội.

Năm 1992, ông Hoàng Minh Châu và FPT – HCM đã làm chấn động giới kinh doanh tin học cả nước khi ký hợp đồng có giá trị rất lớn với Vietsopetro để triển khai lắp đặt hệ thống mạng cùng với các phần mềm ứng dụng. Đây là một trong những mạng máy tính lớn nhất Việt Nam thời đó. Tham gia dự án là các ông Hoàng Minh Châu, Ngô Vi Đồng, Nguyễn Quốc Hùng, Mai Sung và có thêm Nguyễn Lâm Phương, Nguyễn Khắc Thành và Phạm Thế Hùng (Hùng Xoăn) từ Hà Nội vào hỗ trợ. Vietsopetro cũng là khách hàng lớn nhất của FPT – HCM. Đều đặn mỗi năm, Vietsopetro mang lại cho FPT – HCM doanh số hàng trăm nghìn đô la Mỹ thời kỳ đó.

Cũng trong năm 1992, Chi nhánh ký hợp đồng trang bị tin học cho Eximbank và triển khai hợp đồng cung cấp 132 máy tính Olivetti 386 cho Dự án EC. Các ông Nguyễn Khắc Thành, Nguyễn Lâm Phương, Phạm Thế Hùng được FPT Hà Nội cử vào phối hợp cùng FPT – HCM triển khai dự án. Ông Bùi Quang Ngọc, người cùng ông Hoàng Minh Châu trực tiếp chuẩn bị hồ sơ thầu Dự án EC, kể rằng, khi đó FPT chưa bao giờ nhập lô hàng máy tính nào trên 100 chiếc nên khi đọc hồ sơ mời thầu ông toát hết mồ hôi. FPT – HCM đã triển khai thành công dự án này.

Thành phố Hồ Chí Minh là thị trường lớn, sôi động với những con người năng động. Tuy ra đời sau FPT Hà Nội, nhưng Chi nhánh FPT – HCM tiến trên con đường kinh doanh rất nhanh trong những năm 1992 – 1994. Chỉ trong thời gian ngắn, FPT – HCM đã ký được các hợp đồng lớn với Ngân hàng Công thương Tp.HCM, Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam, EC, Eximbank, Vietsopetro…

Thời kỳ huy hoàng của FPT – HCM là những năm 1990-1994. Ông Đỗ Cao Bảo, một người kinh doanh dự án tài ba của FPT, khi đó luôn giật mình khi nghe thấy giá trị các hợp đồng của FPT – HCM với Vietsopetro hoặc Ngân hàng Công thương Việt Nam. Ông Bảo kể, thời gian đó ông rất ngưỡng mộ Hoàng Minh Châu khi nghe tin FPT – HCM ký được hợp đồng 3 – 4 trăm nghìn USD Mỹ. Ngoài Hà Nội không thể kiếm ra được hợp đồng lớn như vậy.

Còn ông Bùi Quang Ngọc thì thán phục ông Châu theo khía cạnh khác: “FPT – HCM ký những hợp đồng giá trị lớn mà hầu như không phải triển khai gì, phần lớn công việc là khách hàng tự làm”.

Ông Hoàng Nam Tiến khi đó đang buôn bán “lòng vòng” tại ISC 146 Nguyễn Thái Học, Hà Nội, vỡ òa xúc động khi lần đầu tiên đặt chân vào Sài Gòn, được ông Hoàng Minh Châu dẫn đi uống bia và chứng kiến ông Châu “bo” cho nhân viên phục vụ tận 50.000 đồng. Sau lần đó, ông Tiến rút ra bài học: “Cần đi nhiều và cố gặp được anh hùng hảo hán giang hồ. Tôi hiểu mình phải làm ăn lớn và cơ hội để cấp hàng cho cả làng tin học Hà Nội là không quá khó”.

***

CHƯƠNG 4: CÔNG TY PHÁT TRIỂN ĐẦU TƯ CÔNG NGHỆ FPT

***

Ngày 20/11/1988, Công ty Công nghệ Thực phẩm (FPT) quyết định chuyển trụ sở từ 30 Hoàng Diệu về Trụ sở Viện Cơ học tại 224 Đội Cấn. Đây là lần chuyển đầu tiên trong 6 lần chuyển trụ sở chính của FPT tại Hà Nội.

Tháng 05/1990, lần thứ hai Công ty FPT dời trụ sở. Trụ sở lần này là một tòa nhà của Trường PTTH Giảng Võ, nằm bên hồ Giảng Võ, Hà Nội.

Năm 1990, định hướng tin học bắt đầu hình thành trong một số hoạt động của FPT.

Ngày 16/08/1990, Trung tâm Đào tạo Tin học FPT (FIT) được thành lập do ông Nguyễn Hoài Phương phụ trách. Công việc ít ỏi mà Trung tâm này làm được trong vài tháng tồn tại là mua được 5 máy tính XT và thuê phòng máy của Trường Amsterdam để mở lớp. Theo trí nhớ của một số người thì hình như trung tâm của ông Phương mở đến lớp học thứ 2 thì tan và Trung tâm đã tự xóa sổ.

Trung tâm Đào tạo Tin học FPT (FIT) được tái thành lập và khai giảng lớp tin học đầu tiên vào ngày 15/10/1991. Trung tâm mới này do ông Bùi Việt Hà, một người bạn học của ông Trương Gia Bình, làm Giám đốc. Ông Hà kể ngày khai giảng đầu tiên của Trung tâm: “Giờ khai giảng là 15h. Tôi còn nhớ là đến 14h45 phút mà ch­ưa có ai đến đăng ký! Khoảng 5 phút sau đó thì bắt đầu có ng­ười đến đăng ký học. Khi đăng ký lớp và thu tiền, bọn tôi (Bùi Việt Hà, Lê Hồ Khánh và Bùi Bình Thuận) không quen, thấy rất ngượng khi thu tiền, có cảm giác như­ mình lừa ngư­ời ta đến học. Bọn tôi buồn c­ười quá phải bỏ qua phòng bên để ngồi c­ười. Lớp học đầu tiên đã thành công, 17 học viên, học phí 40.000 đồng, học ch­ương trình A trong 16 buổi, bao gồm DOS, BKED, FOXBASE. Đối với FIT, 15/10 là ngày khai sinh”.

Việt Nam thời kỳ này bắt đầu có nhiều nhu cầu đưa tin học vào các hoạt động kinh tế, xã hội. Nhu cầu đào tạo về kiến thức tin học tăng ngày càng cao. Ông Bùi Việt Hà là người có công trong việc đưa FIT trở thành một trung tâm đào tạo tin học có uy tín nhất tại Hà Nội trong những năm 1993 – 1995.

Hoạt động quan trọng và có ý nghĩa nhất của Trung tâm Đào tạo tin học FPT (FIT) là Chư­ơng trình Phổ cập tin học phổ thông 2000 tại Hà Nội do FPT đề xướng và đ­ược sự ủng hộ của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và Ngân hàng Ngoại th­ương Việt Nam. Chương trình bắt đầu từ cuối năm 1995 đã thu hút 31 trư­ờng phổ thông các cấp với hơn 25.000 học sinh ở Hà Nội tham gia. Hơn 100 giáo trình, ch­ương trình của FIT đư­ợc hàng chục ngàn ng­ười sử dụng.

Ngày 28/01/1992, Trạm Dịch vụ bảo hành trực thuộc Trung tâm Dịch vụ tin học ISC được thành lập nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp trong việc kiểm tra chất lượng xuất xưởng (test), bảo hành, sửa chữa máy tính. Thời gian này, số lượng máy tính FPT xuất ra nước ngoài cũng như bán trong nước ngày càng nhiều, nhu cầu bảo hành sửa chữa rất cao. Ông Lê Mạnh Thắng – khi đó làm việc tại ISC, kể: “Lúc này tên tuổi và sức bán của FPT đã nổi lắm… Các chiến dịch lớn đang đ­ược triển khai (Bộ ngoại giao, Bộ Tài chính, EC…). Chủ yếu là bán máy Olivetti, l­ượng máy phải bảo hành tăng lên rõ rệt”. Ngày 28/05/1993, đơn vị này được nâng cấp lên thành Trung tâm Dịch vụ Bảo hành FPT (FSM) và tách ra khỏi Trung tâm Dịch vụ tin học ISC. Ông Nguyễn Ngọc Đức được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm.

Ngày 20/07/1992, Tổ Dịch vụ vận chuyển được thành lập thuộc Phòng Tổng hợp FPT, có nhiệm vụ làm dịch vụ vận chuyển, xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa cho công ty. Ông Nguyễn Duy Hưng, một trong những người đầu tiên của đơn vị này kể: “Do FPT làm xuất khẩu quần áo nên bọn tôi nắm được một số kỹ thuật trong xuất nhập khẩu. Mặt khác, lúc đó rất ít công ty được làm XNK trực tiếp nên chúng tôi (tôi và anh Phạm Minh Hải) có ý tưởng thành lập bộ phận vận tải FPT với mục đích làm dịch vụ XNK ủy thác và thuê tầu, máy bay để hưởng hoa hồng. Anh Bình (Giám đốc FPT) lúc đầu không khoái lắm vì cho rằng, làm vận tải chẳng có tý gì giống với công nghệ và liên quan đến FPT. Nhưng anh Phạm Minh Hải (tức Hải Kozik) lập luận “đã là kinh doanh, cái gì ra tiền là làm”. Thấy không cản được khí huyết sôi sục của Hải Kozik, anh Bình đồng ý với điều kiện “văn phòng của các chú phải tách riêng và không tiếp khách ở trụ sở FPT để tránh ồn ào”.

Khi Hãng Hàng không Pacific Airlines và tiếp theo là Vietnam Airlines đồng ý cho phép FPT làm đại lý bán vé máy bay, ngày 08/09/1993, Tổ Dịch vụ vận tải được nâng cấp lên thành Trung tâm Dịch vụ XNK và vận tải (FCA) do ông Phạm Minh Hải làm Giám đốc.

Ngày 03/09/1992, Công ty FPT quyết định thành lập Phòng Kinh doanh do nhu cầu hợp tác quốc tế, ký kết các hợp đồng đại lý, nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa cũng như nhu cầu uỷ thác nhập khẩu ngày càng tăng. Phòng Kinh doanh do ông Võ Mai phụ trách và cũng được tách ra từ Phòng Tổng hợp.

***

Khi Công ty Công nghệ Thực phẩm FPT triển khai hợp đồng trao đổi máy tính với Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô thì cái tên FPT bắt đầu được để ý. Giám đốc Trương Gia Bình bức xúc: “FPT càng ngày càng nổi tiếng, cả trong nước và ngoài nước, tên Công ty Công nghệ Thực phẩm càng gây khó xử. Người hỏi mua thịt, người hỏi sao thực phẩm lại cấp máy tính cho Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô? Đứng trước tình hình đó Công ty quyết định đề nghị anh Cự đổi tên nhưng tìm cách giữ 3 chữ FPT”.

Ngày 27/10/1990, Công ty Công nghệ Thực phẩm được Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia (Viện NCCNQG) cho phép đổi tên thành Công ty Phát triển Đầu tư Công nghệ. Tên giao dịch quốc tế là The Corporation for Financing and Promoting Technology. Ông Trương Gia Bình đã thức trắng đêm tra từ điển để ra được cái tên mới mà vẫn giữ được chữ FPT của thời chế biến thực phẩm. Ông Bình kể lại: “Tôi đã tra cả quyển từ điển tiếng Anh để tìm từ phù hợp – Phương án khả dĩ nhất là Công ty Đầu tư Phát triển Công nghệ. Song anh Cự ngại trọng điểm hoạt động của công ty chuyển sang tài chính, đầu tư, nên đã quyết định hoán vị hai chữ Đầu tư – Phát triển. Vì thế tên tiếng Việt của FPT là Công ty Phát triển Đầu tư Công nghệ”.

Năm 1991, Công ty chính thức sử dụng logo mới. Logo mới này là hình ảnh một khối vững chắc hình quả trám, chia làm 3 phần với 3 mầu thứ tự là: xanh lam, da cam và xanh lá cây. Logo này vẫn là ý tưởng của Giám đốc Trương Gia Bình.

Ông Bình kể: “Trong một lần đi làm việc ở đường Trường Chinh tôi thấy logo ba mầu của Total (hãng xăng dầu Pháp). Về văn phòng tôi nhờ kiến trúc sư Nguyễn Văn Nội, là bạn học cùng lớp phổ thông, thể hiện các ý tưởng trên. Thế là ra đời quả trám ba màu, chữ thò thụt”.

Tuy nhiên, để cho dân chủ, ông Bình cũng đề nghị kiến trúc sư Nội thể hiện hơn 10 mẫu nữa, na ná như nhau, chỉ khác sự kết hợp giữa 3 màu của quả trám và sự thò thụt các kiểu của 3 chữ cái F, PT. Các mẫu này được tổ chức trưng cầu ý kiến trong FPT. Ông Đỗ Cao Bảo kể rằng: “Anh Bình dùng phương pháp bỏ phiếu chọn logo, nghĩa là hơn một chục mẫu logo mới được dán lên bảng đen ở hành lang nhà làm việc (tầng 2, trường PTCS Giảng Võ), ai chọn logo nào thì ký tên vào logo đó. Kết quả là sau 1 tuần có 13 người ký vào logo có ba mầu xanh lam, da cam, xanh lá cây và chữ P viết thấp hơn 2 chữ F và T, còn các mẫu khác thì chỉ có từ 1 đến 5 người ký. Thế là logo mới chính thức được chọn”.

Ngày 15/01/1992, Công ty lại chuyển trụ sở về 25 Lý Thường Kiệt. Đây là lần chuyển thứ 3 trụ sở chính của FPT trong vòng hơn 3 năm thành lập.

Ngày 21/12/1990, Quốc hội khóa VIII nước CHXHCN Việt Nam thông qua Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân. Đây là các văn bản pháp lý đầu tiên cho phép thành lập các tổ chức kinh tế tư nhân, bao gồm các loại hình là: công ty trách nhiệm hữu hạncông ty cổ phần (thành lập theo Luật Công ty) và doanh nghiệp tư nhân (thành lập theo Luật Doanh nghiệp tư nhân). Tiếp theo đó, Nghị định số 338/HĐBT ngày 20/11/1991 ban hành Quy chế về thành lập và giải thể doanh nghiệp Nhà nước được ban hành. FPT đứng trước 3 lựa chọn giữa việc thành lập công ty cổ phần hoặc công ty TNHH hoặc doanh nghiệp nhà nước.

Để đảm bảo điều kiện thực hiện các hợp đồng có giá trị lớn, được kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp và khả năng tham gia các dự án tầm cỡ quốc gia, lãnh đạo FPT quyết định đăng ký thành lập lại theo hình thức doanh nghiệp nhà nước.

Ngày 25/06/1993, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia Trần Đình Anh ký Quyết định số 85-93 QĐTC/VCN về việc thành lập lại doanh nghiệp nhà nước Công ty Phát triển Đầu tư Công nghệ (FPT). Quyết định này ghi rõ chức năng nhiệm vụ và ngành nghề chủ yếu của Công ty là:

  • Nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chuyên giao công nghệ tin học và ứng dụng vào các công nghệ khác.
  • Xuất nhập khẩu các thiết bị, sản phẩm công nghệ tin học và các công nghệ khác.
  • Liên doanh liên kết với các đơn vị trong và ngoài nước, tổ chức dịch vụ để phát triển và đầu tư công nghệ.

Quyết định này không còn bất cứ nội dung nào liên quan đến công nghệ thực phẩm. Ông Trương Gia Bình được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc công ty.

Ngày 29/09/1993, Chính phủ ra Nghị định 65/CP sáp nhập Viện Nghiên cứu công nghệ quốc gia và Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia về Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ KHCN và MT). Điều này đồng nghĩa với việc FPT trở thành doanh nghiệp trực thuộc Bộ KHCN và MT.

***

CHƯƠNG 5: CON ĐƯỜNG TIN HỌC

***

Chiếc máy tính đầu tiên của FPT là chiếc XT Foremost. Theo ông Trương Gia Bình, chiếc máy tính này do ông Hoàng Quang Vinh cấp cho Nhóm Trao đổi Nhiệt và Chất khi chuẩn bị thương vụ với Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô.

Bộ phận tin học đầu tiên của FPT là Trung tâm Dịch vụ Tin học (ISC), thành lập ngày 01/11/1988 – 49 ngày sau khi FPT thành lập. ISC được thành lập trong khi nhiều công ty tin học Việt Nam khác ra đời trước đó đang có hoạt động thương mại rất phát triển như 3C, GenPacific, AIC, AppInfo…

Những công việc đầu tiên của những người làm tin học FPT là soạn thảo văn bản, “test” máy tính kiêm khuân vác và vận chuyển lên sân bay. Những lúc rảnh rỗi (cũng chiếm khá nhiều thời gian), họ nghiên cứu, viết các chương trình demo để trình chiếu trong các sự kiện đón tiếp lãnh đạo, hội thảo, mít tinh kỷ niệm…

***

Đối với Nguyễn Thành Nam, đề án có tính chất quyết định trong việc trưởng thành như một người lập trình và quản trị dự án là đề án mang mật danh là Typo4.

Năm 1989, một Việt kiều sống tại Pháp tên là Trần Trọng Long về Việt Nam, thông qua sự giới thiệu của ông Bùi Quang Ngọc, hợp tác với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội một dự án mang tên Typo4 – chương trình lên trang điện tử có khả năng tách làm 4 màu của mỗi bản in. Ông Bùi Quang Ngọc – một trong những nhà sáng lập FPT nhưng khi đó vẫn còn lên bục giảng Trường Đại học Bách khoa, đã rủ ông Nguyễn Thành Nam và ông Đỗ Cao Bảo tham gia dự án này. Ông Bảo và ông Nam lúc này hầu như không có việc gì đáng kể để làm tại FPT.

Theo ông Nguyễn Thành Nam, khi đó Windows còn là một thuật ngữ hết sức xa lạ đối với ông và nhiều người làm tin học Việt Nam. Tuy nhiên, ông Trần Trọng Long đã nhìn thấy trước tương lai tươi sáng của Windows. Typo4 là chương trình lên trang chuyên nghiệp chạy trên Windows 2.1 mà ông Long định thực hiện. Ông Thành Nam kể: “Việc đầu tiên chúng tôi phải làm là lăn ra học Windows và MS C. So với Turbo C đang rất phổ biến hồi đó, lập trình MS C là cả một cực hình: vừa chậm, vừa không có WorkBench, không có debug. Tuy nhiên đổi lại MS C có khả năng Link thành file to để load từng đoạn và hơn nữa tương thích với Win. Để nghiên cứu, anh Long mua hẳn bộ SDK của Win 2.1 rất tân tiến. Và chúng tôi bắt đầu làm quen với WinMain, GetMessage, GetDC, BitBlt,…”.

Ông Nam cũng kể rằng nhóm ông lúc đầu có hơn 10 người, sau đó rơi rụng dần chỉ còn 5 người, mỗi người đảm nhiệm một phần việc, nhưng phải phối hợp với nhau rất chặt chẽ và đòi hỏi khắt khe về độ chính xác. “Tôi còn nhớ chúng tôi phải phân biệt đến 8 loại space (ký tự trắng) thể hiện như nhau trong điều kiện bình thường nhưng khác nhau cơ bản khi co giãn để lên trang… chúng tôi phải tính chi li khoảng cách giữa các chữ cái trong bảng font để đảm bảo phân bố text một cách tối ưu nhất theo yêu cầu của người dùng”, ông Nam hồi tưởng.

Sau 9 tháng, sản phẩm ra đời. Vì là in ra file postscript nên ông Trần Trọng Long phải mang sang Bộ Nội vụ (có máy LaserWriter) mới in được. Khi ông Long mang bản in thử về, cả nhóm ai cũng thấy sướng rơn. “Đến bây giờ tôi vẫn chưa biết một chương trình khác có thể lên được những trang đẹp như vậy.”, ông Nguyễn Thành Nam kể vào năm 1998 trong Mềm mãi mà không cứng.

Ông Bùi Quang Ngọc viết trong Sử ký 10 năm FPT: “Với chúng tôi cho đến hôm nay, đây là một chương trình lớn nhất, phức tạp nhất, đông người cùng tham gia nhất, viết trên C và Assembler. Chúng tôi học được rất nhiều thứ qua Typo4”.

Ông Nguyễn Thành Nam chia sẻ: “Typo4 thực sự đã là trường học lớn đầu tiên cho tôi. Lần đầu tiên tham gia một chương trình lớn tôi đã gặp may khi được tiếp xúc với những công nghệ hiện đại nhất, được làm việc dưới sự chỉ huy của một người giàu tham vọng và biết cách thực hiện nó, được làm việc đòi hỏi tính đồng đội cao trong một môi trường gần gũi và thoải mái. Cám ơn anh Long và Typo4 rất nhiều. Bài học Typo4 cũng chỉ ra rất rõ những điểm mạnh và yếu của những người lập trình trong nước. Rõ ràng chúng ta có những lập trình viên giỏi, sáng tạo, có khả năng thực hiện được những công việc đồ sộ, phức tạp. Nhưng chúng ta thiếu những người có tầm nhìn xa hơn, đoán được trước xu hướng phát triển, đi vào lĩnh vực mới. Trong số ít ỏi những người có khả năng đấy, than ôi, hầu như không ai có đủ sự dũng cảm và tự tin để chọn đó làm sự nghiệp của đời mình. Các đề án xuất sắc của 3C, AIC, Viện Tin học mãi mãi chỉ là những kỷ niệm đẹp vì không có người dám đặt cược sự thành đạt của mình vào những sản phẩm đó”.

***

Hợp đồng phần mềm thương mại đầu tiên của FPT được ký vào cuối năm 1990. Đó là Hệ thống đặt vé giữ chỗ cho Phòng vé Hàng không Việt Nam tại Hà Nội (số 1A phố Quang Trung). Đây cũng là hợp đồng mang tính giải pháp đầu tiên của FPT. Nhiệm vụ của hợp đồng là tin học hóa các khâu đặt vé – giữ chỗ cho các chuyến bay của Vietnam Airlines và các hãng mà Việt Nam nhận làm đại lý và báo cáo bán vé cuối ngày.

Chương trình được thực hiện trên mạng 10Net. Để thực hiện nhiệm vụ này, FPT lắp một mạng LAN với máy chủ Olivetti M300 (CPU 386 SX25), lắp card 10Net và 6 máy trạm (Olivetti PCS 286 và PCS386).

Ông Bùi Quang Ngọc làm Quản trị dự án. Viết phần mềm có Nguyễn Thành Nam, Đinh Thế Phong, Trần Ngọc Trí, Phan Minh Tâm. Lắp đặt mạng LAN có Nguyễn Ngọc Đức và Võ Mai.

Ông Bùi Quang Ngọc nhớ lại: “Hợp đồng kể như là to lắm lúc ấy. Máy 286 (1MB RAM, 40 MB HDD) mà giá lúc ấy gần 2.000 USD, các bạn chắc khó tưởng tượng được vào thời hôm nay. Ngược lại phần mềm chúng tôi ký có 5.000 USD, nhưng ai nấy cũng hỷ hả vì có một công việc nghiêm túc mà làm… Đến cả anh Vũ Đình Cự, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia khi ấy, còn thân chinh đến góp phần thuyết khách, động viên cán bộ FPT và Phòng vé Quang Trung ở ngay tại phòng vé. Có lẽ đây là trường hợp duy nhất đến ngày hôm nay FPT huy động được sếp cấp trên vào công việc trực tiếp kinh doanh”.

Ngày 01/01/1991, sau 3 tháng lập trình, Phòng vé chính thức khai trương sử dụng chương trình mới. Lần đầu tiên, khách hàng vui mừng nhận được những tờ hóa đơn và PNR (Passenger name record) do máy tính in ra. Chương trình này tuy về sau còn phải sửa lỗi vài lần nhưng hoạt động tốt và ghi dấu giải pháp đầu tiên của FPT trong hoạt động của phòng vé Vietnam Airlines.

Ông Nguyễn Thành Nam cho rằng: “Phòng vé 1A Quang Trung đã là trường học lớn của chúng tôi về việc ứng dụng tin học vào cuộc sống. Nếu sự phát triển của phần mềm FPT có thể coi là thành công thì không thể không kể đến đề án này”.

Nhờ kinh nghiệm hợp đồng với Vietnam Airlines, năm 1992, FPT-HCM đã phối hợp với nhóm Nguyễn Thành Nam ở phía Bắc thực hiện một chương trình cho Pacific Airlines, một hãng hàng không cổ phần mới ra đời. Cùng làm với Nguyễn Thành Nam khi đó còn có Nguyễn Tuấn Hùng của FPT – HCM.

***

Những người làm tin học FPT tiến vào lĩnh vực ngân hàng từ năm 1990 với một hợp đồng khá khiêm tốn với Ngân hàng Công thương, chi nhánh Hải Dương. Nội dung hợp đồng khi đó là trang bị 03 máy vi tính AT Olivetti M290 cho chi nhánh, cùng một phần mềm cân đối thu chi cuối ngày của Ngân hàng về tiền mặt. Ngoài ra, còn trang bị thêm 01 Modem cho chi nhánh Chí Linh để cuối ngày truyền dữ liệu về Hải Dương. Phụ trách kỹ thuật của hợp đồng là ông Bùi Quang Ngọc, ông Phan Quốc Việt phụ trách đào tạo cơ bản cho cán bộ ngân hàng. Phần mềm do Trần Ngọc Trí viết trên FOXBASE. Ông Ngọc kể lại, nhóm của ông đã vất vả làm đi làm lại và cuối cùng mới cân giữa nợ và có cuối ngày. Hợp đồng kết thúc vào tháng 09/1990. Sau này ông Ngọc có kể lại là: “Tôi không có dịp theo dõi sau này cái chương trình “phọt phẹt” ấy được dùng bao lâu, Chí Linh và Hải Dương có truyền dữ liệu hàng ngày hay không, mà tôi cảm giác là chả ai hơi đâu mà truyền hàng ngày”.

Chỉ đến khi triển khai dự án Tin học hóa Ngân hàng Hàng hải (MSB) – với nhiệm vụ giải quyết bài toán thanh toán tập trung, quản lý và điều hòa vốn, báo cáo trong toàn hệ thống ngân hàng – thì khối ngân hàng mới trở thành một hướng đi chiến lược của FPT. Ông Nguyễn Thành Nam được giao nhiệm vụ làm tiên phong đột phá trên mặt trận này. Cùng tham gia với ông Nam còn có Nguyễn Khắc Thành, Nguyễn Lâm Phương, Phạm Thế Hùng và Nguyễn Tấn Vinh.

Đầu năm 1991, Giám đốc FPT Trương Gia Bình có dịp tiếp xúc với ông Chu Quang Thứ, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp Hàng hải, người khởi xướng thành lập Ngân hàng Hàng hải (MSB). Hai ông đã nhanh chóng quyết định hàng loạt vấn đề quan trọng đối với cả FPT và Ngân hàng Hàng hải, khi đó sắp được khai trương tại Hải Phòng.

Tháng 03/1991, FPT được mời tham gia hội nghị sáng lập MSB ở Hải Phòng. FPT tham gia sáng lập MSB và góp vốn bằng 10% vốn pháp định, tương đương 4 tỷ VND. Tuy nhiên, FPT đề nghị được đóng góp một nửa là tiền mặt, một nửa là hệ thông tin quản lý ngân hàng. Ông Bùi Quang Ngọc kể rằng, ông Trương Gia Bình đã thuyết phục được ông Thứ khi đưa ra tên của bộ ba Hoàng Minh Châu – Ngô Vi Đồng – Lê Tấn Lộc (FiBI), những người vừa xây dựng mạng LAN cho Ngân hàng Công thương TP HCM vào năm 1990 trên nền Netware. Ông Ngô Vi Đồng khi đó là một trong những chuyên gia hàng đầu về Novell. Ông Ngọc cũng cho biết, ông Lê Tấn Lộc khi đó đã viết một chương trình xử lý cuối ngày “khá ngon” cho Chi nhánh TP HCM của Ngân hàng Công thương.

Nguyễn Thành Nam kể: “Trước mắt là chuyến đi thụ giáo vào TP HCM để gặp nhóm các đàn anh Lộc – Đồng – Châu, chuyến công tác xa đầu tiên của tôi. Để bắt đầu việc học tập, tôi được anh Lộc đưa cho một cuốn sách Kế toán Ngân hàng cũ kỹ không thể tưởng tượng, xuất bản từ năm 1966 gì đó. Cuốn sách in Roneo trên giấy đen sì đó đã cho tôi những khái niệm cơ bản nhất về các hoạt động nghiệp vụ của một ngân hàng thương mại. Sau khi liếc qua chương trình thấy cũng chỉ gồm có một ít các menu, tôi yên tâm bay ra, thông báo với các sếp là có thể bắt đầu dự án”.

Ông Bùi Quang Ngọc kể: “Tháng 04/1991, chúng tôi kéo quân xuống Hải Phòng. Tôi cùng Gia Bình, Thành Nam, Lộc, Hùng Xoăn chở một đống Olivetti xuống thẳng trụ sở Liên hiệp Hàng hải… Chúng tôi đưa ra giải pháp sơ bộ, dùng chương trình của Lộc có cải tiến mang tính tức thời trên mạng Netware. Riêng với anh Thứ, sau này chúng tôi còn lắp Modem tại phòng làm việc ở Liên hiệp Hàng hải để cuối mỗi ngày anh ấy có đủ số liệu hoạt động của Ngân hàng để tự phân tích, tự nhâm nha hoạt động của MSB, mà cũng là để không có một việc gì của MSB qua mắt của anh Thứ được”.

Sau 3 tháng triển khai, ngày 12/07/1991, Ngân hàng Hàng hải khai trương tại Hải Phòng và mọi giao dịch được thực hiện ngay trên các máy tính của FPT cung cấp. Thời điểm đó, đây là dự án lớn nhất về quy mô, nhanh nhất về thời gian triển khai và hiệu quả nhất về kinh tế đối với FPT.

Ông Bùi Quang Ngọc cho rằng dự án tin học hóa Ngân hàng Hàng hải “thực sự là một sự đột phá trong ngành ngân hàng vì ngay ở Ngân hàng Công thương TP HCM không phải tất cả các giao dịch đã được thực hiện trên máy. Uy tín FPT trong Ngân hàng Hàng hải lúc đó rất cao, mặc dù phần chính của chương trình là của Lê Tấn Lộc ‘mông’ lại chương trình của Ngân hàng Công thương TP HCM, và phần cài Netware do Ngô Vi Đồng đảm nhận cho chắc cối vì FPT khi ấy chưa thạo Novell”.

Ông Ngọc cũng coi MSB là tiền đề cho sự ra đời loạt các sản phẩm phần mềm ngân hàng của FPT như SIBA, Smartbank sau này.

***

Balance là tên gọi của sản phẩm phần mềm đóng gói đầu tiên mà những người làm phần mềm FPT cố gắng xây dựng trong những năm 1992 – 1993.

Tháng 05/1992, ông Phan Quốc Khánh (ISC) đề xuất xây dựng một chương trình phần mềm kế toán có thể thương mại hóa. Chương trình này được xây dựng và được kiểm nghiệm ngay trong môi trường kế toán của FPT.

Petrolimex là doanh nghiệp đầu tiên đặt hàng mua phần mềm kế toán Balance của FPT. Năm 1993, Balance mới bắt đầu được bán ra thị trường. Đầu tiên là Super Lâm Thao, sau đó là Apatit Lao Cai, rồi Than Quảng Ninh, Phân lân Ninh Bình, rồi Kim khí Đông Anh, Kim khí Hà Nội, Kim khí Hải Phòng,… FPT đã sử dụng chương trình này cho đến hết năm 2000. Sau khi ông Phan Quốc Khánh rời FPT năm 1996, doanh số Balance bắt đầu chững lại và sản phẩm này dần biến mất trên thị trường.

Ông Nguyễn Thành Nam cho rằng: “Doanh số Balance năm 1996 bắt đầu chựng lại, là hệ quả tất yếu của việc đầu tư không kiên quyết kiểu đánh trống bỏ dùi, cũng như việc không chú trọng xây dựng một đội ngũ đủ để nhân rộng chương trình khi cần thiết. Một bệnh kinh niên nữa của ta là không duy trì được sự nhạy bén kinh doanh một cách lâu dài, nhiều lúc bị lý trí chi phối làm phức tạp hóa vấn đề. Tuy nhiên Balance đã giúp chúng ta khẳng định chắc chắn rằng, nếu chúng ta đi đúng hướng, chúng ta chắc chắn tồn tại được một cách đàng hoàng trong cuộc sống đầy biến động này. Sau này chúng tôi mới nhận thức đựơc sự khó khăn to lớn đang chặn đứng con đường phát triển của những chương trình đó. Đã đi hết đà của mình, các chương trình đòi hỏi một sự thay đổi cơ bản về chất. Ai thay đổi được người đó sẽ thắng”.

***

Theo trí nhớ của một số người thâm niên trong công ty, chiếc máy tính đầu tiên FPT bán ra thị trường trong nước có thể là 1 trong 2 chiếc Olivetti được bán cho Học viện Quốc phòng và Cục Bản đồ Bộ Quốc phòng năm 1988.

Trong những năm trước 1989 – 1991, FPT phải nhập máy tính Olivetti thông qua môi giới, lúc đầu là một ông người Ý, sau đó là một Việt kiều. Thời gian này FPT bán rất nhiều máy tính Olivetti cho thị trường trong nước. Các máy của Mỹ như IBM, Compaq chưa vào được đến Việt Nam do lệnh cấm vận.

Năm 1991, khi biết Olivetti có ý định lập văn phòng đại diện tại Việt Nam thông qua ông Việt kiều kể trên, ông Trương Gia Bình cùng ông Võ Mai lên đường sang đại bản doanh Olivetti ở Singapore. Tại đây, ông Bình đã có bài thuyết trình quan trọng trước các lãnh đạo Olivetti về mong muốn của FPT trở thành đại lý chính thức cho Olivetti. Theo lời kể của ông Võ Mai, tại buổi làm việc này đã nổ ra cuộc tranh cãi nảy lửa về vai trò của vị Việt kiều và của FPT khi Olivetti vào Việt Nam. Cuộc hội đàm tan vỡ nhưng Olivetti đã nhận thấy vai trò to lớn của FPT trong việc bán hàng tại Việt Nam. Kể từ đó, Olivetti chuyển sang làm việc trực tiếp với FPT.

Tháng 05/1992, ông Bùi Quang Ngọc lên đường sang Singapore và Malaysia hội đàm chính thức với Olivetti. Ông Ngọc đã được Olivetti tiếp đón rất nồng hậu. Hai bên chính thức bàn bạc về các thủ tục mở đại lý tại Việt Nam. Ông Ngọc nói: “Tôi hoàn thành nhiệm vụ quay về chuẩn bị đón chính thức Olivetti vào Việt Nam. Chuyến đi rất bổ ích vì lần đầu tôi được tiếp xúc với một hãng máy tính có tên tuổi của thế giới (khi ấy Olivetti đứng ở Top 10 về CNTT, doanh số 5 – 6 tỷ đô la)”.

Mùa hè năm 1992, FPT tổ chức Hội nghị khách hàng lần đầu tiên tại Khách sạn Hòa Bình, Hà Nội. Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự thấy sự xuất hiện của 2 đại diện Olivetti. Ông Bùi Quang Ngọc kể, sau các bài phát biểu “ấm áp của cả “Tây” và ta”, các vị khách đã được mời sang showroom để ngắm các máy tính của Olivetti.

Tại Tuần lễ tin học lần thứ 3 sau đó một tuần, đại diện Olivetti đã chính thức chỉ định FPT làm đại lý phân phối tại Việt Nam và toàn Đông Dương. Đây là lần đầu tiên FPT là đại lý cho một hãng sản xuất máy tính lớn trên thế giới. Sự kiện này đã đưa vị thế của FPT lên rất cao so với công ty tin học đi trước như Seatic, GenPacific, 3C, AIC…

Ông Bùi Quang Ngọc kể: “Cuối năm 1992 và năm 1993 chúng ta còn thành công hơn nữa cùng Olivetti trong hợp đồng EC, lần đầu FPT tham gia đầu thầu quốc tế và phối hợp cùng FPT- HCM triển khai rộng trong cả nước. Chúng ta bán ồ ạt máy Olivetti vào Bộ Thuỷ lợi, Phân đạm Hà Bắc, Phốt phát Lâm Thao, các ngân hàng Đầu tư, Công thương, Nông nghiệp, VID-Public. Có tuần lễ hè 1993, FPT ký 2 hợp đồng hơn 7 tỷ VNĐ cho EC và Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam. Máy chất như núi mấy trăm cái, thuê cả tầng 1 của trường Giảng Võ làm kho”.

Giữa năm 1993, ông Võ Mai được cử sang Singapore làm đại diện thương mại cho FPT, trực tiếp giao dịch với Olivetti.

Sau năm 1994, Mỹ bỏ cấm vận, các hãng IBM, Compaq, Hewlett Packard ồ ạt vào Việt Nam đẩy bật cái tên Olivetti ra khỏi thị trường Việt Nam. Cái tên Olivetti đã dần bị lãng quên.

***

SIBA là cái tên ông Nguyễn Thành Nam đặt cho một chương trình phần mềm quản lý tín dụng cho các ngân hàng. Vào thời điểm năm 1996, ông Nam đánh giá SIBA “có lẽ là một trong những chương trình phần mềm thành công nhất về mặt thương mại ở Việt Nam”.

SIBA được nhóm ông Lê Tấn Lộc – khi đó đang làm việc tại Trung tâm Tính toán Ngân hàng Công thương TP HCM và ông Nguyễn Thành Nam cùng các cộng sự ở FPT và FiBI (công ty do ông Lộc thành lập) phát triển năm 1992. Khi đó, biết thông tin Văn phòng Cộng đồng châu Âu (EC) tại Việt Nam đang gọi thầu một chương trình quản lý tín dụng nhằm quản lý việc cho vay từ quỹ EC cho các thuyền nhân Việt Nam hồi hương, ông Nguyễn Thành Nam đã bay vào TP HCM cùng với ông Lê Tấn Lộc chuẩn bị hồ sơ thầu. Hai ông quyết định tìm một cái tên cho chương trình phần mềm để đưa vào hồ sơ thầu. Ông Nam đã chợt nghĩ ra cái tên SIBA, tên một bộ phim thần thoại ông vừa xem cùng con gái.

Chương trình EC là chương trình viện trợ của Cộng đồng châu Âu hỗ trợ những người Việt Nam hồi hương và tạo công ăn việc làm cho họ. Hình thức thực hiện là cho vay lãi suất thấp thông qua Ngân hàng Công thương và Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam. Tại thời điểm đó, các ngân hàng Việt Nam hầu như chưa triển khai bất cứ một chương trình phần mềm quản lý tín dụng nào, và EC quyết định tổ chức đấu thầu chương trình phần mềm này nhằm quản lý việc cho vay từ quỹ EC. Chương trình được triển khai trong toàn quốc tại gần 200 chi nhánh ngân hàng.

Hồ sơ thầu đứng tên Trung tâm Tính toán thuộc Ngân hàng Công thương TP HCM đã được EC đánh giá cao và đồng ý ký một hợp đồng trị giá 23.000 USD (sau đó được mở rộng thành 28.000 USD). Triển khai hợp đồng này về phía FPT còn có thêm ông Nguyễn Khắc Thành.

SIBA được nhóm Nguyễn Thành Nam, Nguyễn Khắc Thành, Nguyễn Lâm Phương, Nguyễn Tú Huyền, Nguyễn Hoàng Vũ (FiBI), Lê Thái Thường Quân (FiBI) và Lê Hồng Sơn thiết kế lại vào tháng 08/1993. Họ đã dành hẳn một tuần trên Tam Đảo (Vĩnh Phúc) để chia nhau thiết kế và phản biện với nhau. Ông Nam kể: “Suốt ngày, chúng tôi loay hoay trong sương mù Tam Đảo và cãi nhau về các thuật toán cập nhật dữ liệu và xử lý giao diện. Ý tưởng ngông cuồng nhất là thiết kế một kiểu Client/Server trong một môi trường hoàn toàn monotask là DOS/Foxpro”.

Sau khi được thiết kế hoàn chỉnh, phiên bản “SIBA Tam Đảo” đã tìm được khách hàng đầu tiên. Ngày 12/09/1993, FPT ký một trong những hợp đồng phần mềm lớn nhất của mình với Ngân hàng Cathay Trust (sau này đổi thành Ngân hàng Chinfon) của Đài Loan. “Hôm đó đối với tôi là ngày thật hạnh phúc, lần đầu tiên trong một đề án, tỷ lệ phần mềm chiếm hơn 50%, 63.000 USD cho phần mềm và hơn 50.000 USD cho thiết bị”, ông Nam kể lại trong Mềm mãi mà không cứng. Thời gian triển khai hợp đồng này từ ngày ký hợp đồng đến ngày cài đặt chương trình đúng 1 tháng. Ngày 25/10/1993, Ngân hàng Chinfon chính thức khai trương tại Hà Nội với phần mềm SIBA của FPT.

Tháng 08/1992, qua giới thiệu của Tổng giám đốc khu vực của Olivetti Unduraga, FPT đã đàm phán và ký hợp đồng phần mềm với VID-Public Bank (VPB) – là ngân hàng liên doanh giữa Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam với Public Bank (Malaysia). Hợp đồng triển khai chương trình SIBA này trị giá 16.000 USD. Ông Nguyễn Thành Nam, người đàm phán hợp đồng này, kể lại vào năm 1996: “Đây có lẽ là đề án kéo dài nhất. Cho đến bây giờ vẫn chưa có bản nghiệm thu hợp đồng mặc dù tiền đã đòi hết từ lâu, thậm chí đã ký thêm và đòi tiền mấy hợp đồng nữa rồi”.

SIBA bất ngờ được xuất khẩu năm 1993. Chính VID-Public đã đưa SIBA ra ngoài biên giới Việt Nam. Sau khi hợp đồng với VID-Public Bank triển khai xong giai đoạn 1, ngân hàng mẹ của VIB là Public Bank (Malaysia) tìm hiểu và quyết định ký hợp đồng với FPT, trong đó có một điều khoản quan trọng cho phép Public Bank sử dụng SIBA trong các chi nhánh của mình tại nước ngoài. “Quá bất ngờ và sung sướng vì chương trình của mình được tôn trọng thế, tôi đã đồng ý ngay với khoản phí bản quyền là 5.000 USD/chi nhánh, bụng cũng không tin rằng có lúc nào đó điều này lại trở thành hiện thực”, ông Nguyễn Thành Nam hồi tưởng.

Năm 1995, Nguyễn Thành Nam và Nguyễn Khắc Thành sang tận Malaysia chào bán SIBA cho MayBank – ngân hàng lớn nhất Malaysia đang định mở chi nhánh tại Việt Nam. Sau đó, MayBank đã ký hợp đồng với FPT để triển khai SIBA tại MayBank Việt Nam.

Ông Nguyễn Thành Nam, nhân vật chính của FPT trong những thương vụ kinh doanh phần mềm ngân hàng, tâm sự: “Có lẽ điều đáng kể nhất mà tôi học được trong các cuộc hợp đồng với nước ngoài đó là sự tự tin. Nhờ may mắn tôi được gặp gỡ và làm việc với khá nhiều chuyên gia của các nước bạn. Từ Âu, Á, Mỹ, Úc đều có. Chân thật và thẳng thắn, chưa bao giờ chúng tôi làm cho bạn phải thất vọng. Cả chúng tôi và đối tác đều thừa biết là còn rất nhiều điều chúng tôi chưa làm được, thậm chí còn chưa biết tới. Nhưng khả năng học hỏi và áp dụng nhanh chóng của những lập trình viên Việt Nam đã làm cho đội bạn phải tôn trọng”.

***

Trong bài viết Con đường tin học, ông Bùi Quang Ngọc đã ví IBM “như một chàng trai cao to, đẹp trai, con nhà rất giàu, mấy đời đều làm to” và FPT “như một cô gái mới lớn, chưa được cùng ai”.

Cho đến năm 1993, các công ty máy tính Việt Nam chủ yếu bán máy ‘nhái’ như IPC, AZTECH, FUJICAMA… Riêng FPT vẫn nhịp nhàng bán Olivetti.

Giữa năm 1993, khi bắt đầu thấy dấu hiệu Mỹ sẽ bỏ cấm vận, đại diện nhiều công ty Mỹ tấp nập ra vào Việt Nam. Công ty tin học Mỹ đầu tiên tiếp xúc với FPT là HP (Hewlett – Packard). Ông Ngọc kể: “Họ (HP) đi một đoàn 5-6 người có cả Việt kiều. HP trình bày rất hay và anh Trương Gia Bình mê HP từ cái nghe đầu tiên (chính là cái nó khoe văn hoá HP). Tình yêu ấy vẫn ám ảnh anh Trương Gia Bình mấy năm sau đó… Yêu nhau đấy nhưng anh HP không ngỏ lời gì rõ ràng cả, chỉ hẹn sẽ quay lại”. Sau này, khi HP định quay lại với FPT thì FPT đã có quan hệ đại lý chính thức với IBM. Phía HP không muốn FPT vừa bán máy IBM, vừa bán máy cho HP, do đó FPT quyết định để ông Võ Mai tách ra, thành lập Công ty HiPT để chuyên bán máy cho HP.

Cuối năm 1993, một nhân vật khác xuất hiện. Đó là vị trưởng đại diện văn phòng IBM tại Việt Nam. Ông này lang thang khắp các cơ quan chức năng cũng như các công ty tin học Việt Nam, trong đó có FPT. Khi làm việc với FPT, ông ta thể hiện ngay IBM là một hãng lớn và lâu đời nhất thế giới. Cũng theo hồi ức của ông Bùi Quang Ngọc, tất nhiên là ông Trương Gia Bình và FPT một lần nữa “say đắm anh chàng IBM”. Cô gái FPT đang muốn kết hôn với cả 2 chàng trai HP và IBM.

Ngày 03/02/1994, Tổng thống Mỹ tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam. Ngay lập tức các công ty tin học Mỹ ào ào tiến vào với những cái tên nổi tiếng: Compaq, Oracle, Unisys, Cabletron, Baynetwork…

Tháng 05/1994, IBM chỉ định FPT cùng 2 đối tác khác làm đại lý bán máy tính cá nhân (PC). Theo ông Bùi Quang Ngọc, IBM đã làm một “bài thi” nhỏ để lựa chọn đối tác. Họ nhờ một ngân hàng nước ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh gọi điện cho FPT và một số công ty tin học khác, báo đến sửa giúp họ máy in bị lỗi. FPT có mặt đầu tiên sau 5 phút. Thế là IBM chọn FPT làm đại lý. Tháng 09/1994, FPT được IBM chỉ định bán thêm cả máy chủ tầm trung AS/400 và RS/6000.

Ông Bùi Quang Ngọc kể về cao trào bán máy tính thời kỳ này như sau: “Chúng ta (FPT) bắt đầu nhập IBM, khi đó là loại PS/VP (Personal System Value Professional thì phải), còn máy chủ là PS2 nổi tiếng. Chúng ta cũng bán Compaq nhập qua Đồng Nam của anh Thăng. Con số đặt hàng IBM đã là 3 chữ số (tức hơn 100 chiếc). Cuối năm 1994, IBM chỉ định thêm một đại lý phân phối nước ngoài – BEAM do Việt kiều Úc làm chủ kết hợp người Việt trong nước. Thằng này bợm trong nghề buôn bán với tụi các hãng Mỹ rồi, chúng đặt hàng 500, 1.000 chiếc, làm rối tung thị trường nội địa Việt Nam khi ấy. Sức ép tăng dần, FPT đã phải nhập đơn hàng đầu tiên có con số 500 chiếc vào cuối năm 1994, lãnh đạo Công ty họp bao nhiêu buổi mới đặt bút ký đơn hàng đó. Cũng cuối 1994, chúng ta bán 02 máy RS/6000 cho VCB (Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam), loại 58H, khá to khi ấy (mỗi chiếc 80.000 USD)”.

Cũng vào cuối năm 1994, Compaq cũng muốn chỉ định FPT làm đại lý. Compaq đã nhận thấy FPT bán hàng rất tốt cho Olivetti và IBM. Tuy nhiên, lúc đó lãnh đạo FPT còn sợ làm “phật lòng chàng trai mới cưới IBM” (nguyên văn lời ông Bùi Quang Ngọc). Nhưng đến khoảng tháng 06/1995, như một người đàn bà đã trở nên dạn dĩ, FPT đặt bút ký làm đại lý cho Compaq mà không còn bất cứ e lệ nào nữa.

***

CHƯƠNG 6: SỰ TIẾN HÓA

***

Hoạt động tin học của FPT năm 1994 đã bước sang giai đoạn mới. Việt Nam đang trong thời kỳ hội nhập mạnh mẽ nhất. Nhu cầu về tin học ngày càng tăng trong xã hội. Các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư cho tin học hóa các hoạt động của mình. Khách hàng mua sắm bài bản hơn và cần sự tư vấn chuyên nghiệp hơn. Hình thức mua sắm thông qua đấu thầu được áp dụng ngày càng nhiều. Các công ty tin học tích cực lao vào cuộc cạnh tranh khốc liệt.

Tháng 11/1994, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Tin học (ISC) Bùi Quang Ngọc gửi một báo cáo chi tiết cho Tổng Giám đốc Trương Gia Bình. Trong bản báo cáo, ông Ngọc đã chỉ rõ phương thức kinh doanh và tổ chức của ISC đã lộ rõ sự bất cập đối với thị trường tin học đang sôi động và cạnh tranh khốc liệt. Ông Ngọc khẩn thiết đề nghị cần có sự cải tổ toàn diện và sâu sắc bộ phận tin học của FPT. Ông Bình lập tức triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận vấn đề này. Theo ông Ngọc, đây là một cuộc họp mang tầm chiến lược quan trọng, quyết định rất lớn đến sự thành công của FPT. Có mặt trong cuộc họp này gồm các ông: Trương Gia Bình, Lê Quang Tiến, Bùi Quang Ngọc, Đỗ Cao Bảo, Nguyễn Thành Nam, Hoàng Nam Tiến, Nguyễn Ngọc Đức. Cuộc họp kéo dài rất lâu, tranh luận gay gắt về mọi vấn đề kinh doanh tin học. Chỉ có một vấn đề được tất cả cùng thống nhất. Đó là, cơ cấu tổ chức của Trung tâm Dịch vụ tin học ISC, bộ phận làm tin học duy nhất của FPT khi đó, đã bộc lộ nhiều yếu điểm và không còn phù hợp với mô hình kinh doanh mới. Ông Trương Gia Bình kết luận cuộc họp chỉ gồm 2 vấn đề: (1) Phải thay đổi; (2) Ngay lập tức.

Một tháng sau, ngày 31/12/1994, Tổng Giám đốc Trương Gia Bình ký các quyết định thành lập 5 đơn vị tin học được tách ra từ Trung tâm Dịch vụ tin học (ISC). Đó là:

  • Trung tâm Hệ thống thông tin FPT (FIS) – tiền thân là bộ phận dự án – do ông Đỗ Cao Bảo làm Giám đốc.
  • Xí nghiệp Giải pháp phần mềm FPT (FSS) – tiền thân là bộ phận phần mềm – do ông Nguyễn Thành Nam làm Giám đốc.
  • Trung tâm Máy tính và thiết bị văn phòng 1 (FCO1) – tiền thân là Showroom 25 Lý Thường Kiệt – do ông Tô Minh Tuấn làm Giám đốc.
  • Trung tâm Máy tính và thiết bị văn phòng 2 (FCO2) – tiền thân là cửa hàng 146 Nguyễn Thái Học – do ông Phạm Việt Giang làm Giám đốc.
  • Trung tâm Phân phối thiết bị tin học FPT (FCD) do ông Lê Quang Tiến, Phó Tổng giám đốc Công ty FPT, kiêm nhiệm làm Giám đốc.

Từ ngày 01/01/1995, cái tên ISC đã mãi mãi đi vào lịch sử FPT sau 6 năm tồn tại.

***

Ông Trương Gia Bình là người đam mê nghiên cứu khoa học quân sự. Ông cho rằng FPT như một đội quân chiến đấu trên khắp các mặt trận. Ngoài các binh đoàn chủ lực chiến đấu trên chiến trường tin học thì cũng cần phải thành lập các cánh quân khác để chiến đấu trên các mặt trận khác.

Ngày 18/08/1994, Phòng Tài vụ (FAF) được thành lập trên cơ sở bộ phận tài vụ của Phòng Tổng hợp. Ông Nguyễn Điệp Tùng được bổ nhiệm làm Trưởng phòng.

Ngày 26/06/1995, Trung tâm Công nghệ Môi trường FPT (FET) được thành lập do ông Trương Xuân Tùng làm Giám đốc. Lúc này FPT thuộc sự quản lý của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường. Ông Trương Gia Bình thấy FPT cần có đơn vị hoạt động trong lĩnh vực môi trường để phù hợp với chức năng của bộ chủ quản. Hơn nữa, đất nước mở cửa, nhiều dự án lớn khi đi vào hoạt động đã xuất hiện nhu cầu đánh giá tác động môi trường. Theo luật định, các nhà máy, xí nghiệp phải thiết kế và xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường. Đây là lĩnh vực kinh doanh mới và đầy tiểm năng trong thời kỳ hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Ngày 16/02/1996, Tổng Giám đốc FPT ký hàng loạt quyết định thành lập thêm các đơn vị kinh doanh mới. Đó là:

  • Trung tâm Tích hợp hệ thống FPT (FSI) do ông Lê Quốc Hữu làm Giám đốc. Trung tâm này được hình thành trên cơ sở một bộ phận của FIS tách ra để triển khai Hợp đồng Nhận dạng vân tay với C27 với Bộ Công an.
  • Trung tâm Đề án và Chuyển giao công nghệ FPT (FTT) do ông Phạm Minh Hải làm Giám đốc. Trung tâm có chức năng kinh doanh thiết bị khoa học kỹ thuật, thiết bị y tế, thiết bị công nghiệp. Nói chung là tất cả các loại thiết bị ngoài tin học.
  • Trung tâm Thiết bị Kỹ thuật FPT (FTE) do ông Phạm Ngọc Thanh làm Giám đốc. Bộ phận này được tách ra từ Phòng Tổng hợp khoảng giữa năm 1995 sau khi FPT tham gia cung cấp 4 tổ máy cho Nhà máy Thủy điện Hòa Bình và quan hệ giữa FPT và Điện lực Việt Nam (EVN) đã được xây dựng rất tốt. Trung tâm ra đời để tiếp tục cung cấp các thiết bị điện cho khách hàng. Trung tâm này chỉ hoạt động đến tháng 09/1996 thì được sáp nhập vào Trung tâm Đề án và Chuyển giao công nghệ (FTT).
  • Trung tâm Dịch vụ vận tải FPT (FCS) do ông Nguyễn Duy Hưng làm Giám đốc. Tiền thân của Trung tâm này là Trung tâm Dịch vụ XNK và Vận tải (FCA) được thành lập từ tháng 09/1993.
  • Trung tâm Phân phối Điện thoại di động FPT (FMB) do bà Đinh Thị Hoa làm Giám đốc có chức năng kinh doanh điện thoại di động. Trung tâm này được thành lập khi FPT chuẩn bị trở thành đại lý cho hãng điện thoại di động Motorola và quyết định tiến vào lĩnh vực kinh doanh điện thoại di động.

Như vậy trong thời kỳ này, FPT hoạt động kinh doanh trên nhiều lĩnh vực: công nghệ thông tin, viễn thông, thiết bị điện, thiết bị khoa học kỹ thuật, thiết bị công nghiệp, bán vé máy bay, vận chuyển hàng hóa và công nghệ môi trường.

Cũng trong ngày 16/02/1996, các bộ phận chức năng cũng được thành lập nhằm hoàn thiện bộ máy công ty. Đó là:

  • Tổ trợ lý do bà Trần Thị Thu Hà phụ trách.
  • Tổ thư ký do bà Trịnh Thu Hồng phụ trách.
  • Tổ Xây dựng do ông Nguyễn Trung Anh phụ trách.
  • Phòng Xuất Nhập khẩu do bà Lê Kim Oanh làm Trưởng phòng.
  • Phòng Hành chính quản trị do bà Lại Thị Hương Huyền làm Trưởng phòng.
  • Phòng Kế hoạch kinh doanh do ông Hoàng Nam Tiến làm Trưởng phòng.

Tất cả cánh quân của FPT sẵn sàng lao vào các trận đánh lớn.

***

CHƯƠNG 7: LÃNH ĐẠO FPT

***

Ngoài Quyết định thành lập Công ty Công nghệ Thực phẩm số 80-88 QĐ/VCN ngày 13/09/1988, thì các nhà nghiên cứu lịch sử FPT chỉ tìm thấy Quyết định số 92-88 TC/VCN do Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ quốc gia (Viện NCCNQG) Vũ Đình Cự ký ngày 06/10/1988 về việc “Cử đồng chí Lê Vũ Kỳ giữ chức Phó Giám đốc Công ty Công nghệ thực phẩm”. Chưa ai tìm thấy thêm bất cứ một quyết định bổ nhiệm nhân sự nào khác trong thời kỳ này, kể cả quyết định bổ nhiệm ông Trương Gia Bình. 

Ông Lê Quang Tiến tiết lộ năm 2008: “Chức danh đầu tiên của tôi ở FPT là kế toán, card visit thì tôi in là Marketing Manager cho oách, còn đi đâu giao dịch thì tôi xưng là Phó giám đốc. Cuối 1989, FPT muốn mở chi nhánh tại Hồ Chí Minh, khi đó vẫn còn có chính sách ngăn sông cấm chợ, công ty Hà Nội mà mở chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh rất khó. Chúng tôi nhờ một bác Phó Thủ tướng giúp. Khi tôi trình bày vấn đề, bác có hỏi “Cháu giữ chức vụ gì, có quyền đại diện cho công ty không?”, tôi nói đại là Phó Giám đốc cho được việc. Về sau lộ chuyện tôi chữa “đấy là bí danh”. Chắc sau này anh Bình bổ nhiệm tôi làm Phó Giám đốc là để hợp pháp hóa cái bí danh này”.

Sau khi Công ty Công nghệ Thực phẩm được đổi tên là Công ty Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT (ngày 27/10/1990) và đặc biệt ngay sau khi Công ty FPT nhận quyết định thành lập lại doanh nghiệp nhà nước (ngày 25/06/1993), một loạt quyết định về nhân sự FPT được ban hành. Cụ thể là:

  • Ngày 23/02/1993, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghệ quốc gia Trần Đình Anh ký Quyết định số 12-93/QĐ-TC/VNC về việc “Đồng chí Lê Vũ Kỳ thôi giữ chức Phó Giám đốc Công ty Phát triển Đầu tư công nghệ FPT để biệt phái sang công tác tại Liên hiệp SX – XNK May CONFECTIMEX”.
  • Ngày 26/02/1993, Giám đốc Công ty Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT Trương Gia Bình ký Quyết định số 260293 TCCB/FPT về việc “Điều động đ/c Lê Vũ Kỳ vào công tác tại Công ty Phát triển Đầu tư Công nghệ Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh kể từ ngày 28/02/1993”.
  • Ngày 24/08/1993, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia Trần Đình Anh ký Quyết định số 101-93/QĐ-TC/VNC bổ nhiệm Đồng chí Lê Quang Tiến làm Phó Tổng Giám đốc Công ty Phát triển Đầu tư Công nghệ với mức lương 455 đồng.
  • Cùng ngày 24/08/1993, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia Trần Đình Anh ký Quyết định số 102-93/QĐ-TC/VNC bổ nhiệm Đồng chí Phan Ngô Tống Hưng làm Phó Tổng Giám đốc Công ty Phát triển Đầu tư Công nghệ với mức lương 420 đồng.
  • Sau đó một ngày, ngày 25/08/1993, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia Trần Đình Anh ký Quyết định số 104-93/QĐ-TC/VNC bổ nhiệm Đồng chí Trương Gia Bình làm Tổng Giám đốc Công ty Phát triển Đầu tư Công nghệ với mức lương 474 đồng.
  • Ngày 10/02/1996, Tổng Giám đốc Công ty Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT Trương Gia Bình ký Quyết định số 160296-16 QĐ/TCCB/FPT bổ nhiệm ông Bùi Quang Ngọc làm Phó Tổng Giám đốc Công ty Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT. (Quyết định không nêu mức lương ông Ngọc được hưởng).

Đó là những tư liệu còn sót lại đến ngày nay.

Quá trình phát triển mạnh mẽ nhất của FPT trong hai thập kỷ đầu tiên đã ghi nhận vai trò quan trọng của các ông:

  • Trương Gia Bình – Tổng Giám đốc.
  • Lê Quang Tiến – Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tài chính.
  • Bùi Quang Ngọc – Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tin học.
  • Phan Ngô Tống Hưng – Phó Tổng Giám đốc phụ trách Phi tin.
  • Hoàng Minh Châu – Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Chi nhánh FPT tại TP HCM.

***

Trong một hội nghị lãnh đạo FPT năm 2007 – khi FPT đã trở thành công ty đại chúng, trước hơn 100 lãnh đạo các cấp, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình công bố tồn tại một nhóm 13 người mang mật danh “K13”. Ông Bình tiết lộ, đây là 13 người trung kiên nhất, luôn đoàn kết bên nhau vì một FPT trường tồn và phát triển. Họ cam kết giữ vững số lượng cổ phiếu đủ để không thế lực nào có thể thâu tóm được FPT. Khi FPT lâm nguy, họ sẵn sàng hy sinh toàn bộ của cải, vật chất và tinh thần để bảo vệ, giữ vững công ty cho người FPT…

Ngay sau công bố này của ông Bình, nhà giáo – hiệu phó Trường Đại học FPT Nguyễn Khắc Thành lập tức đứng dậy, phát biểu vô cùng bức xúc. Tiến sỹ Thành nói, tại sao các anh chỉ coi 13 người này là yêu FPT? là hết lòng vì FPT? Trong 114 người ngồi đây không còn ai ngoài các anh có thể hy sinh vì FPT sao? Ông Thành khuyến cáo không nên để tồn tại một nhóm người như “K13” tách rời 10.000 người FPT.

Sau cuộc họp này, mật danh “K13” ít khi được nhắc đến và nhóm 13 người này được đổi lại tên gọi – Hội đồng Sáng lập và sau này gọi là Hội đồng Tư vấn. Họ là những người tham gia thành lập FPT, hoặc có đóng góp to lớn, lâu dài cho FPT như: mở ra thị trường mới, mở ra hướng kinh doanh mới… Họ có nhiệm vụ tham mưu cho Hội đồng Quản trị FPT các vấn đề trọng đại trong chiến lược phát triển của FPT. Danh sách “K13” gồm có: Trương Gia Bình, Lê Quang Tiến, Bùi Quang Ngọc, Hoàng Minh Châu, Phan Ngô Tống Hưng, Trương Thị Thanh Thanh, Đỗ Cao Bảo, Nguyễn Thành Nam, Hoàng Nam Tiến, Trương Đình Anh, Nguyễn Điệp Tùng, Lê Trường Tùng, Trần Quốc Hoài.

Chưa ai biết Hội đồng tư vấn có quyết định thành lập hay quyết định bổ nhiệm hay không? Tuy nhiên có thể nói, 13 nhân vật này mới thực sự là lãnh đạo FPT trong mọi thời đại.

***

Ông Trương Gia Bình luôn tâm sự rằng, ông đã chứng kiến rất nhiều sự ra đi của người FPT. Nhưng đối với ông, sự ra đi của những người bạn cùng ông sáng lập FPT là sự mất mát, niềm tiếc nuối lớn nhất.

Năm 1990, ông Trần Đức Nhuận cùng Xí nghiệp Cơ Điện Lạnh của ông tách ra khỏi FPT thành đơn vị trực thuộc Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia. Lý giải về việc này, Giám đốc FPT Trương Gia Bình phân tích: “Sau này anh (Trần Đức Nhuận) cho rằng chúng tôi quá thiên về kinh doanh, không thể bền lâu như lao động, lắp máy, nên anh xin tách riêng bộ phận anh làm công ty EMECO bây giờ… Tôi nghĩ anh Nhuận đã trung thành với mê tín của mình: Khoa học và sản xuất. Anh đã có khoa học khi trực thuộc Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia và anh đã tách bộ phận thiên về sản xuất của anh ra khỏi FPT thành một tổ chức độc lập”.

Ông Nguyễn Chí Công, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Tin học ISC, chia tay FPT giữa năm 1991. Nói về sự chia tay này, ông Bùi Quang Ngọc cho rằng: “Tôi nghĩ rằng cá nhân anh Công không phù hợp với cách hoạt động của FPT sau này. Để phục vụ kinh doanh, một lượng lớn cán bộ được điều động. Chúng tôi không còn để ý nhiều đến UNIX hay truyền tin mạng rộng. Chủ yếu khách hàng, thị trường cần gì thì lao vào đó. Chạy theo doanh số, đúng là nhiều hợp đồng không mang tính nghiên cứu, tính khoa học nữa, hoặc giả có thì rất thấp. Anh Công có thể muốn nhiều hơn. Các ứng dụng cụ thể có thể chưa đạt mức anh mong muốn. Mọi sự chia tay đều khó khăn nhưng cũng nên chấp nhận, nếu là hợp lý”.

Theo ông Nguyễn Thành Nam, mầm mống đầu tiên cho sự ra đi của ông Nguyễn Chí Công là việc FPT quyết định tách ISC làm hai bộ phận, một bộ phận tiếp tục hướng cũ do ông Nguyễn Chí Công lãnh đạo, một bộ phận mang tên mới là IDAC (Informatic Development Application Center) do ông Bùi Quang Ngọc chỉ huy. Ông Nguyễn Thành Nam kể: “Tôi còn nhớ như in buổi họp nặng nề hôm đó do anh Công chủ trì có anh Bình tham dự. Từng người một tự quyết định mình ở đâu. Trừ Trung Hà đã chính thức thôi làm tin học, Võ Mai, Bảo quyết định chuyển sang IDAC. Còn mỗi mình tôi, anh Công nhìn tôi hy vọng. Than ôi, tôi không thể chia sẻ với anh sự mất mát đó được”.

Chia tay với FPT, ông Nguyễn Chí Công mang theo nhóm UNIX của ông và thành lập một bộ phận cũng có tên là ISC trực thuộc Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia.

Ông Lê Vũ Kỳ, Phó Giám đốc FPT, rời FPT năm 1992. Ông Kỳ là một trong những nhà sáng lập Ngân hàng Á Châu (ACB), làm Phó Tổng Giám đốc và Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB.

Ông Lê Quang Tiển kể lại trong một bài viết năm 2008 trên báo Chúng ta: “Cuối tháng 05/1992, chúng tôi tụ tập tất cả ở Hà Nội. Lúc đó có mâu thuẫn gay gắt giữa anh Bình và anh Kỳ về quan điểm quản trị công ty. Anh Kỳ cho rằng: phải chia bánh trước khi nướng, tức là phải xác định rõ quyền lợi của mỗi người khi làm việc cho công ty, nói theo ngôn từ bây giờ thì na ná như cổ phần hoá. Còn anh Bình chỉ phù hợp với cương vị chủ tịch công ty, việc điều hành hàng ngày nên để người khác làm. Anh Bình không đồng ý. Rồi một buổi tối đầu tháng 06/1992 chúng tôi họp ở văn phòng công ty tại 25 Lý Thường Kiệt. Hôm đó có anh Bình, anh Kỳ, anh Trung Hà và tôi. Căng thẳng đến nỗi có cả phương án giải tán FPT, thanh lý tài sản rồi ai đi đường người ấy. Tuy nhiên giải tán thì không ai muốn. Thấy lằng nhằng quá, tôi đề xuất: “Thôi, một anh ở lại, một anh đi”. Anh Kỳ đồng ý. Lúc đó anh Bình nói: “Bình ở lại hay Kỳ ở lại FPT cũng được, Kỳ để Bình hỏi Hà với Tiến một câu”. Anh Kỳ nói “Cậu cứ hỏi”. Anh Bình hỏi Hà và tôi, từng người một “em theo ai?”. Chẳng hiểu sao Hà và tôi trả lời “theo anh”. Như một “gentleman”, anh Kỳ nói ngay: “nếu Hà và Tiến theo anh Bình thì các cậu ở lại xây dựng FPT, không nên giải tán công ty, tớ đi đây”. Chắc là khái niệm “chia bánh trước khi nướng” đối với chúng tôi lúc đó còn mới mẻ và nghe ra không có vẻ hảo hán “trọng nghĩa khinh tài lắm” như mấy anh hùng trong chuyện Tàu”.

Một nhân chứng khác thời kỳ đó kể lại, năm 1992, lần đầu tiên FPT có một khoản tiền khoảng 180.000 USD để chia nhau (theo kiểu chia thưởng). Số người được chia đâu đó khoảng 13-14 người có công. Khi đó quan điểm ông Lê Vũ Kỳ là ấn định luôn tỷ lệ cố định cho từng thành viên để năm sau đỡ phải họp lại để chia. Tuy nhiên, ông Trương Gia Bình không đồng ý và muốn tỷ lệ chia này phải được bàn bạc thống nhất và tùy theo công trạng của mỗi người, để phân chia sao cho đạt được độ công bằng và chính xác cao nhất. Ông Nguyễn Trung Hà bèn có sáng kiến để mỗi người được quyền chia thưởng cho những người khác (trừ mình), và lấy trung bình cộng của các con số làm kết quả. Sáng kiến này đã được áp dụng cho lần chia thưởng đầu tiên đó. Cũng theo nhân chứng này thì sự việc này cũng là một tác nhân khiến ông Lê Vũ Kỳ quyết định rời FPT (?).

Ông Nguyễn Trung Hà, Trợ lý Giám đốc FPT, được FPT biệt phái sang làm Chủ tịch Ngân hàng ACB Hà Nội năm 1994 (khi đó FPT có cổ phần tại đây). Đến năm 1996, ông Hà quyết định rời hẳn FPT và làm Chủ tịch Công ty TOGI. Ông là một trong những nhà đầu tư rất thành công tại Việt Nam và để lại nhiều dấu ấn tại Ngân hàng Á Châu ACB, Ngân hàng Liên Việt, Công ty Thiên Việt v.v…

Ông Võ Mai, Trưởng Phòng Kinh doanh FPT, tách khỏi FPT năm 1994 để thành lập Công ty HiPT mà ông là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.

Các thành viên sáng lập rời FPT đều thành công trong sự nghiệp của mình.

CHƯƠNG 8: KHU CÔNG NGHỆ CAO HÒA LẠC

***

Trong bài trong Sử ký FPT 2001, ông Trương Gia Bình viết: “Khoảng giữa năm 1994, tôi sang phòng Lê Quang Tiến trao đổi ý tưởng làm sao FPT chóng to lớn. Chúng tôi thấy có hai cách để đạt điều đó. Một là kinh doanh tốt và tích lũy. Cách này hơi lâu. Cách khác là ai đó cho thật nhiều tiền. Tiền thì chẳng ai cho, song đất thì có thể, mà đất thì cần phải có ý tưởng về một đề án lớn”. Và ý tưởng hình thành một khu công nghệ cao ra đời.

Ông Bình đã biết về Silicon Valley (Mỹ), nơi tập trung những người khổng lồ CNTT của thế giới như Intel, Oracle, Cisco, Apple… Ông cũng biết khu Tân Trúc (Đài Loan), trung tâm sản xuất các thiết bị điện tử, tin học lớn nhất thế giới. Và Bangalore là nơi sản xuất phần mềm lớn nhất thế giới. Ông ước mơ: “FPT sẽ xây dựng một khu công nghệ cao có thể làm bệ phóng đưa Việt Nam lên tầm cao các nước tiên tiến trên thế giới”..

Ngày 15/11/1994, Giáo sư Đặng Hữu, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ KHCN và MT), đã ký Quyết định số 1360/QĐ-PTCN giao cho Công ty FPT chủ trì đề án Khu Khoa học Công nghệ cao Hà Nội và huy động các nguồn vốn để xây dựng Khu Công nghệ cao Hà Nội”.

Lúc đó ông Bình nghĩ chỉ cần khoảng 100 ha là đủ để FPT phát triển một khu công nghệ cao. Nhưng Thủ tướng Võ Văn Kiệt với tư duy của nhà lãnh đạo đất nước, đã cho quy hoạch gấp hơn 15 lần – 1.600ha.

Cộng sự đắc lực nhất của ông Trương Gia Bình trong dự án vĩ đại này vẫn là Lê Thế Hùng (Hùng Râu). Hai ông đã lặn lội khắp Hà Nội, từ Sóc Sơn đến Đông Anh mà không tìm ra nổi một khu đất rộng như vậy. Khi nghe tin Đại học Quốc gia Hà Nội (khi đó do GS. Nguyễn Văn Đạo làm Giám đốc) được cấp 1.000 ha tại Hòa Lạc, ông Bình quyết định ngay khu công nghệ cao quốc gia phải lên Hòa Lạc, bên cạnh trường đại học lớn nhất nước để có thể sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực công nghệ cao được đào tạo chính quy.

Trương Gia Bình và Lê Thế Hùng đã dày công tìm tài liệu, nghiên cứu và xây dựng đề án mang tên “Khu Công nghệ cao quốc gia – Điểm đột phá trong sự nghiệp Công nghiệp hóa, hiện đại hóa” (Khi đó Khu Công nghệ cao này chưa có tên chính thức. Trong các văn bản nhà nước thì được gọi là Khu CNC Hà Nội. Tuy nhiên ông Trương Gia Bình muốn gọi là Khu CNC Quốc gia để thể hiện tầm quan trọng của nó).

Để thuyết phục các lãnh đạo cấp cao, hai ông đã xây dựng đề án theo cách dễ hiểu nhất, như truyện Tam Quốc diễn nghĩa, có chương, có hồi, có dẫn nhập cho các hồi sau. Ngoài ra, đề án được hai ông viết dưới nhiều hình thức: dạng đầy đủ (có tính nghiên cứu hàn lâm), dạng rút gọn (dễ hiểu, dễ nhớ) và dạng slide để trình bày. Chính trong thời gian này, Lê Thế Hùng đã đưa ra mô hình “Sao Công nghệ” luôn được ông Bình thuyết trình kèm với đề án và được nhiều vị lãnh đạo quan tâm.

Đề án được gửi cho Bộ Chính trị, Chính phủ và trình chiếu, báo cáo liên tục khắp nơi: Bộ KHCN và MT, nhà riêng Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu… Quá trình nghiên cứu và trình bày khiến ông Bình và ông Hùng ngày càng đam mê và tin tưởng vào dự án. Ông Bình viết trong Sử ký FPT 2001: “Các thông tin, tài liệu thu thập càng ngày càng dẫn chúng tôi đến niềm tin sâu sắc rằng đây (Khu CNC) là con đường cứu cánh Việt Nam”.

Ngày 22/01/1996, Bộ KHCN và MT ra quyết định số 370/QĐ-TCCB giao cho Công ty FPT chịu trách nhiệm xây dựng quy hoạch, lập dự án Khu Công nghệ cao Hà Nội và làm đối tác huy động các nguồn vốn xây dựng.

Dự án Khu Công nghệ cao Hà Nội (sau này được đặt tên chính thức là Khu CNC Hòa Lạc) ngày càng được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo nhà nước. Chính phủ Nhật Bản, thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), quyết định giúp Việt Nam xây dựng Bản đề án Nghiên cứu khả thi và Quy họach tổng thể (Master Plan) cho Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Tuy FPT đã được giao nhiệm vụ phát triển Khu CNC Hà Nội, nhưng sau khi chọn đất, lập đề án, báo cáo và đươc sự đồng thuận của các cấp lãnh đạo, thì Khu CNC này đã trở thành mối quan tâm đặc biệt của nhiều cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều ý kiến cho rằng đây là dự án quan trọng quốc gia và không thể giao cho một doanh nghiệp phát triển.

Tháng 07/1996, tân Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường Phạm Gia Khiêm ra quyết định thành lập Văn phòng Dự án Khu Công nghệ cao Hà Nội (Hanoi High-Tech Park Project Bureau) trực thuộc Bộ KHCN và MT. Văn phòng có nhiệm vụ làm đối tác và phối hợp với JICA lập Nghiên cứu khả thi.

Với việc Bộ KHCN và MT lập Văn phòng Dự án này, vai trò của FPT đã bắt đầu mờ nhạt trong dự án phát triển Khu CNC Hòa Lạc. Tuy nhiên, với tâm huyết vẫn còn tràn đầy, ông Trương Gia Bình vẫn quyết định FPT tham gia Văn phòng Dự án. Giám đốc Văn phòng là Tiến sỹ Đặng Ngọc Dinh, Phó Giám đốc là Tiến sỹ Trương Gia Bình. Có 2 người FPT nữa cũng tham gia vào Văn phòng Dự án là Lê Thế Hùng và Lê Đình Lộc. Ông Hùng và ông Lộc đã sát cánh cùng Nhóm Nghiên cứu JICA đi khắp nơi để điều tra, thu thập số liệu từ các bộ, ngành, cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn, các địa phương, thông tin địa chất, thủy văn, nông nghiệp, lâm nghiệp, y tế, giao thông… Với các thông tin dầy đặc này, hai ông thậm chí sau này còn làm được một số đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ.

Năm 1998, JICA lập xong Nghiên cứu khả thi Khu CNC Hòa Lạc.

Ngày 12/10/1998, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải ban hành Quyết định số 198/1998/QĐ-TTg về việc thành lập Khu Công nghệ cao Hoà Lạc.

Ngày 18/01/2000, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải ký Quyết định số 10/2000/QĐ-TTg thành lập Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trực thuộc Bộ KHCN và MT. Giáo sư Chu Hảo, Thứ trưởng, được bổ nhiệm làm Trưởng ban.

Vai trò xây dựng và phát triển Khu CNC Hòa Lạc của FPT hoàn toàn chấm dứt.

Tuy nhiên, việc phát triển một khu công nghệ cao vẫn là tâm huyết của ông Trương Gia Bình. Năm 2005, ông Bình quyết định FPT quay trở lại Khu CNC Hòa Lạc, lần này với vai trò là nhà đầu tư. FPT đã đầu tư xây dựng Làng Phần mềm trên diện tích trên 6,4 ha, xây dựng Đại học FPT với diện tích 30 ha, khu chung cư cho CBCNV 9 ha và là chủ đầu tư phát triển hạ tầng Khu Công nghiệp công nghệ cao, diện tích 225,5 ha.

***

CHƯƠNG 9: NỘI SAN CHÚNG TA

***

Vào 22h tối ngày 31/12/1995, khi người FPT đang quây quần quanh bữa tiệc liên hoan cuối năm tại Khách sạn La Thành, một phụ nữ trẻ mà nhiều người FPT lúc đó chưa biết mặt ào vào như một cơn lốc, ôm trên tay một chồng báo số đầu tiên của Nội san Chúng ta. Để lấy hên, toàn bộ số báo đó được bán cho những người có mặt. Mọi người đón nhận nồng nhiệt với giá từ 50.000 VND đến 25 USD, đắt nhất trong lịch sử báo chí Việt Nam. Người phụ nữ trẻ đó là Vũ Thanh Hải, đang công tác tại Thời báo Kinh tế Việt Nam và là cộng tác viên của FPT mới chỉ 2 tuần trước đó.

Trên trang nhất số báo đầu tiên, bài viết “FPT – chỉ còn thiếu thư tình” của Tổng Giám đốc Trương Gia Bình dạt dào cảm xúc: “FPT là mồ hôi và nư­ớc mắt, là niềm vui và nỗi buồn… FPT đã cho chúng ta điều kiện thử thách mình. Sáng tạo – Sáng tạo tận cùng. Lao động – Lao động hết mình – Hoà mình trong tập thể lớn… FPT chính là nơi chúng ta bày tỏ tỉnh cảm, tình yêu mình. Còn gì tuyệt hơn để bày tỏ tình yêu một cách lãng mạn, sâu sắc và sáng tạo…. Tình yêu của chúng ta cần thư­ tình thường xuyên. Chính vì vậy mà bản năng và lý trí của chúng ta đồng loạt hoan hô, hoan hô nhiệt liệt ”CHÚNG TA“ – nội san FPT”.

Từ phương Nam xa xôi, Giám đốc Chi nhánh FPT – HCM Hoàng Minh Châu viết bài “Thư Sài Gòn”. Bài viết bày tỏ tình cảm của người phương xa: “Ở TP. Hồ Chí Minh, mọi ngư­ời nghe tin Tạp chí (Chúng ta) sắp ra đời ai nấy đều khấp khởi, giống như­ sắp được ăn cỗ. Cây nhà trồng được, ăn có ngon hơn. Về năng lực sáng tác, ở trong này chắc cũng dồi dào, như­ng chư­a biết nó còn ẩn nấp ở đâu. Hy vọng, FPT – HCM sẽ mang đến Tạp chí (Chúng ta) cái nóng quanh năm của Sài Gòn, cái tư­ơi mát của 6 tháng mư­a để hoà nhập với Xuân Hạ Thu Đông Hà Nội trong tình cảm mến thư­ơng và quyết tâm xây dựng văn hoá FPT – Văn”.

Sự ra đời của báo Chúng ta gắn liền với cái tên Vũ Thanh Hải.

Tháng 04/1995, khi đến FPT thăm người bạn học cùng trường là Nguyễn Khắc Thành (FSS) tại Ngọc Khánh, bà Vũ Thanh Hải đã có dịp tiếp xúc với ông Nguyễn Thành Nam, thủ lĩnh tinh thần của FPT. Khi biết bà Hải đang làm báo, ông Nam đã chia sẻ mong muốn có một tờ báo nội bộ của FPT. Đến tháng 07/1995, ông Nguyễn Thành Nam tiếp tục đề cập đến việc cho ra đời một tờ nội san FPT và ngỏ ý mời bà tham gia.

Sau này, Vũ Thanh Hải tâm sự với một đồng nghiệp: “Lúc đó mình rất đắn đo, chỉ đơn giản là đang phụ trách cả chuyên mục hỏi đáp trên Thời báo Kinh tế Việt Nam, báo lại sắp tăng số ra hàng ngày. Ai lại bỏ đi làm báo làng”.

Đến tháng 11/1995, khi ông Nguyễn Thành Nam mời Vũ Thanh Hải đến trụ sở chính của FPT tại 1A Yết Kiêu, bà đã gặp ông Trương Gia Bình trong khoảng thời gian chưa đầy 1 phút, khi đó bà chưa biết ông Bình là ai. Một tuần sau, ông Bình mời bà đến gặp và sau buổi ăn trưa cùng ông Bình hôm đó, bà Hải bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc đến việc cộng tác với FPT. Bà quyết định làm thử.

Hai tuần sau, ngày 31/12/1995, số đầu tiên của báo Chúng ta ra đời. Trong 2 tuần làm việc đầu tiên cho FPT, bà Hải nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của nhiều người, đặc biệt là sự cộng tác tích cực của ông Thang Đức Thắng, một nhà báo dày dạn kinh nghiệm đang làm ở Báo Lao động, đồng thời cũng là cựu nghiên cứu sinh báo chí trường Lomonoxop (MGU) – nơi bà Hải theo học thời sinh viên và làm nghiên cứu sinh. Ông Thang Đức Thắng là người đặt tên Chúng ta cho tờ báo và cũng là người hướng dẫn đặt các chuyên mục và biên tập những số báo đầu tiên.

Tháng 02/1996, Vũ Thanh Hải quyết định rời Thời báo Kinh tế Việt Nam, chính thức gia nhập FPT, làm Trợ lý báo chí cho Tổng Giám đốc và chịu trách nhiệm phát hành báo Chúng ta suốt hơn 15 năm liền.

Bà Hải kể lại những khó khăn buổi ban đầu khi làm báo Chúng ta: “Lúc đầu làm báo Chúng ta tương đối khó khăn, có người ủng hộ nhưng cũng có người dèm pha. Khi đó Internet bắt đầu manh nha, FPT có mạng TTVN, có bản tin Emotion, nhiều người nghĩ tin tức trên mạng sẽ được cập nhật nhanh hơn, Chúng ta là báo giấy, tháng ra 1 lần chắc sẽ chết yểu. Thêm vào đó, tôi phải tự lo bài vở, tự biên tập, tự lên trang, tự photocopy, đóng quyển và đi phát. Nhiều khi cũng thấy mệt mỏi. Nhưng rồi được sự giúp đỡ của nhiều người FPT, được sự động viên của lãnh đạo,  tôi cũng quen dần và Chúng ta đã sống qua 1 năm, 2 năm và đến tận bây giờ”.

Báo Chúng ta nhận được sự ủng hộ to lớn của lãnh đạo công ty. Ngay số đầu tiên có bài viết của các ông Trương Gia Bình, Hoàng Minh Châu, Nguyễn Thành Nam, Đào Vinh cùng các nhà văn, nhà thơ FPT như Trần Văn Trản, Khúc Trung Kiên, Nguyễn Minh, Dương Thành Nam… Giải Cây bút vàng 1995 được trao cho tác phẩm “Tình yêu thời thổ tả” của tác giả Nguyễn Minh đăng trên báo Chúng ta số 2 (tháng 01/1996).

Hai năm đầu tiên, báo Chúng ta phát hành một tháng một số. Từ ngày 24/12/1998, Chúng ta trở thành tuần báo và phát hành vào sáng thứ 7. Khi người FPT được nghỉ thứ 7, báo Chúng ta chuyển phát hành vào thứ 5 hàng tuần.

Các cây bút chủ lực của báo trong thời gian đầu là Nguyễn Thành Nam, Trần Văn Trản, Khúc Trung Kiên, Nguyễn Minh, Nguyễn Quang Anh, Lê Thế Hùng, Lê Quang Tiến, Đỗ Cao Bảo, Hoàng Minh Châu, Đào Vinh, Hoàng Nam Tiến, Nguyễn Khắc Thành, Phạm Minh Hải, Bùi Trí Hùng, Nguyễn Mạnh Hùng (Hùng Nhựa mít), Bùi Quang Ngọc,… và các cây bút phía Nam là Hoàng Minh Châu, Trần Nam Dũng, Mai Thi, Bùi Đương… Sau này báo Chúng ta đã phát triển đội ngũ cộng tác viên chuyên nghiệp có nhiều bài viết mang tính chiến đấu cao.

Ngày 14/10/1999, báo Chúng ta được cấp Giấy phép xuất bản.

Năm 2000, báo Chúng ta gặp sóng gió. Với 3 bài viết trên cùng một số báo ra ngày 14/01/2000 là “Hịch tiễn tướng” (không rõ tác giả), “Tây tiến” của Hoàng Nam Tiến và “Các Sao luận về chiến tranh” của Tuấn Việt – Thu Huệ, khiến tờ báo trở thành một sản phẩm “quái đản” dưới con mắt của một số nhà phê bình. Lần lượt các báo Đầu tư, Lao động, Nhà báo và Công luận… có bài phê phán. Tháng 02/2000, Bộ Văn hóa và Thông tin ra công văn tạm đình chỉ xuất bản 2 tháng. Báo Chúng ta tạm thời chuyển sang hình thức báo điện tử.

Từ tháng 10/2006, báo Chúng ta được in cùng lúc tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Trước đó báo chỉ được in tại Hà Nội và chuyển phát vào TP. Hồ Chí Minh.

Năm 2008, thực hiện chính sách tiết kiệm chi phí, Ban Biên tập báo Chúng ta bắt đầu định hướng chuyển sang hình thức báo điện tử. Tháng 07/2009, trang báo Chúng ta điện tử ra mắt với địa chỉ Chungta.vn và giao diện được hoàn thiện chính thức vào tháng 10/2010. Lúc này báo Chúng ta tồn tại song song 2 hình thức, báo giấy và báo điện tử.

Tháng 09/2011, báo Chúng ta được chuyển sang cho Công ty Cổ Phần Dịch vụ Trực tuyến FPT (FPT Online) quản lý.

Số báo Xuân Quý Tỵ phát hành ngày 28/01/2013 là số báo giấy cuối cùng của Chúng ta sau 17 năm tồn tại. Từ đó, người FPT chỉ có thể đọc Chúng ta trên mạng với địa chỉ chungta.vn.

Thứ Năm đầu tiên không thấy chồng báo Chúng ta đặt trên quầy lễ tân như thường lệ, độc giả trung thành Hoàng Nam Tiến thốt lên trên trang Facebook của mình: “Biết là đã ngừng, nhưng sao vẫn thấy nhớ”.

Vũ Thanh Hải sinh ngày 20/09/2965 tại Bắc Kạn. Bà tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế và bảo vệ thành công luận án phó tiến sỹ tại trường Đại học Tổng hợp Matxcơva mang tên Lomonoxop (MGU). Bà về nước tháng 02/1995 và công tác tại Thời báo Kinh tế Việt Nam. Bà gia nhập FPT tháng 01/1996 và đã trải qua các vị trí: Trợ lý Báo chí của Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập báo Chúng ta (1996 – 2011), Trưởng Ban Truyền thông FPT, Giám đốc Bảo tàng FPT.

***

CHƯƠNG 10: STICO

***

Một hiện tượng văn hóa độc đáo chính thức xuất hiện tại FPT vào ngày 13/09/1992 đã trở thành một món ăn tinh thần của người FPT trong suốt nhiều năm về sau. Món này được gọi bằng cái tên Stico (STC).

STC là viết tắt của một cái tên nửa âm – nửa dương, nửa ta – nửa tây – Công ty Sáng tác và tên tiếng Anh là Sáng tác Company. Trong một số tài liệu còn được ghi là Stico hoặc STCo. Nhưng cách phát âm chỉ có một – Sờ ti cô.

Ông Hoàng Minh Châu, một nhà văn hóa gạo cội trong FPT, khẳng định: “STC không phải là một cục “sét hòn” từ trên trời rơi xuống. Trong sâu thẳm, nó được bắt nguồn từ kho tàng ca dao, dân ca Việt Nam. Những chàng sinh viên khoa Toán Cơ thuộc Trường Đại học Tổng hợp Matxcơva rất thông minh và rỗi rãi, đã chắt lọc những ý tưởng của thời đại, biến nó thành ý tưởng của mình, hà hơi cho các giai điệu và không ngờ đã mang lại sức sống mới cho các làn điệu dân ca. Một số tác phẩm theo giai điệu chèo, quan họ hay cò lả ngày nay chúng ta vẫn hát thực ra đã được sáng tác từ trước, chỉ có lời được thay đổi vài chỗ cho phù hợp với môi trường mới trong công ty. Không hiểu ngẫu nhiên hay do tạo hóa sắp đặt, những chàng sinh viên này lại hội tụ trong công ty FPT, để rồi cái mầm văn hóa STC của cái khoa Toán Cơ ngày đó có môi trường để phát triển thành cây STC ngày hôm nay. Như vậy có thể nói, ít nhất, văn hóa STC có từ ngày đầu thành lập công ty và cái ý định tách bạch STC ra khỏi FPT cũng vô nghĩa như tách linh hồn ra khỏi thể xác”.

Thủ lĩnh STC Nguyễn Thành Nam cho rằng: “STC ra đời cùng với FPT. Đất nước thời điểm đó đang trì trệ, kinh tế không phát triển, nhưng một không khí đổi mới hừng hực có thể cảm nhận được khắp nơi. Những người sáng lập, lúc đó còn là những thanh niên trẻ, háo hức, quyết không chấp nhận “như cũ”, đã mơ ước “xây dựng một công ty kiểu mới” mặc dù cũng không ai hiểu kiểu mới là kiểu gì. STC với slogan “Sáng tác theo tinh thần mới, theo nghị quyết mới” thực sự phản ánh tinh thần cốt lõi của những người khai phá lúc đó: Mong muốn sáng tạo không ngừng của cả tập thể. Bởi thế STC không phải là văn hóa mà là một phong cách sống. STC gắn với FPT như phong cách gắn với con người. Tinh thần STC điều chỉnh mọi hành vi của người FPT lúc đó”.

Ngược trở lại thời gian những năm tháng trước đó, ngày Quốc tế phụ nữ 08/03/1989, tại Khách sạn La Thành, trong cao trào hát hò rã rượu, ông Phan Ngô Tống Hưng bất ngờ cất lên câu hát “Thằng Tây nó tiến thì mình giật lùi, thằng Tây nó lúi (lùi) thì mình giật tiền, đầy túi mới thôi…”. Tất cả mọi người có mặt đều rất tâm đắc với câu hát này. Đặc biệt ông Trương Gia Bình, người luôn cho rằng FPT thời kỳ đó như một đội quân ra đi từ gian khó nhưng luôn quyết tâm đánh trận nào thắng trận đó. Giai điệu hào hùng, quyết thắng của bài hát đã được tiếp tục thêm lời và trở thành bài Đoàn FPT – bài hát chính thức của người FPT. Đây là bài hát được hát nhiều nhất trong FPT và được công diễn tại nhiều nơi nhất, từ Nga, Mỹ, Nhật, Châu Âu, châu Phi, Châu Úc và khắp mọi nơi có mặt người FPT. Bài hát cũng được phối ngẫu hứng theo nhiều thể loại nhất, từ giao hưởng hợp xướng, dân ca, solo, đồng ca, tốp ca đến nhạc không lời…

Ngày 13/04/1991, tại Khách sạn Đông Đô (Hà Nội), STC công bố chính thức các xu hướng nghệ thuật của mình: hát, đọc thơ, múa. Cũng tại đây, nghệ sỹ Nguyễn Thành Nam đã công diễn lần đầu điệu múa nổi tiếng “Thiên nga giãy chết”.

Ngày 13/09/1992, trong dịp kỷ niệm 4 năm ngày thành lập FPT, STC chính thức ra mắt công khai với người FPT. Thủ lĩnh Nguyễn Thành Nam đã đọc Quyết định thành lập STC. Trong Quyết định có đoạn ghi: “Stico kinh doanh tất cả các mặt hàng tinh thần: hát, múa, kịch, văn, thơ, họa…”.

Từ ngày 01 đến ngày 03/01/1993, tại khu biệt thự Tây Hồ, STC mở trại sáng tác thu hút đông đảo các văn nghệ sỹ FPT. Nhà thơ Vũ Quần Phương, Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội đã đọc diễn văn khai mạc. Tại tiệc rượu liên hoan ngay tối hôm đó, theo lời một nhân chứng còn tỉnh táo thì sau khi nghe các tác phẩm STC, nhà thơ Vũ Quần Phương đã ngỏ lời muốn kết nạp STC là hội viên không chính thức của Hội Văn nghệ Hà Nội. Bế mạc Trại sáng tác chỉ có 2 tác phẩm ra đời, đó là bài thơ “Bún ốc” của Hùng Râu và bài hát “Tô Tuấn” của nữ nghệ sỹ Nguyễn Thanh Huyền.

Xuân 1993, STC lần đầu tiên được biểu diễn chính thức tại sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội với “Liên hoan Ca Múa Nhạc Kịch FPT” nhân dịp kỷ niệm FPT tròn 5 tuổi. Nhiều tác phẩm bất hủ được giới thiệu, đặc biệt STC cho ra mắt 2 bài hát dân ca “Cây trúc xinh” và “Cò lả” do các nghệ sỹ nổi tiếng Nguyễn Khắc Thành, Ngô Huy Thọ, Nguyễn Khánh Văn trình diễn trước đông đảo quan khách trong và ngoài công ty.

Ngày 13/06/1994, FPT Small – tổ chức tinh thần của con em người FPT ra đời với các “măng non” Trương Ngọc Anh, Lê Nữ Cẩm Tú, Bùi Nguyệt Minh và Đỗ Ngọc Mai… Liên tiếp sau đó là hai buổi biểu diễn được hoan nghênh nhiệt liệt tại Sầm Sơn và Khách sạn La Thành ngày 13/09/1994. Hè 1995 tại bãi biển Non nước (Đà Nẵng), FPT Small đã làm nên cái “đinh” của cuộc gặp gỡ lịch sử FPT hai miền Nam – Bắc.

STC có rất nhiều nghệ sỹ nổi tiếng như Trương Gia Bình, Lê Quang Tiến, Hoàng Minh Châu, Nguyễn Thành Nam, Phan Ngô Tống Hưng, Nguyễn Điệp Tùng, Nguyễn Thanh Huyền, Nguyễn Bạch Điệp, Tô Minh Tuấn, Phạm Minh Hải… nhưng trong suốt hơn hai thập kỷ qua, chỉ có 2 người được tôn vinh danh hiệu cao quý nhất, đó là “Nghệ sỹ Nhân dân” Khắc Thành (Nguyễn Khắc Thành) và “Nghệ sỹ dân tộc” Hưng Đỉnh (Nguyễn Duy Hưng).

Giai đoạn 1989 – 1993 là giai đoạn sáng tác rầm rộ nhất của STC. Sau đây là một số nhạc phẩm tiêu biểu, đã được biểu diễn nhiều nhất:

  • Đoàn FPT, ra đời 08/03/1989 gắn liền với tên tuổi nghệ sỹ Phan Ngô Tống Hưng.
  • Công ty sáng tác, ra đời 13/04/1992 do nghệ sỹ Nguyễn Thành Nam biểu diễn lần đầu.
  • ISC – Cùng đi marketing, ra đời ngày 08/03/1992. Bài hát đầu tiên về những người làm tin học FPT với tên tuổi Nguyễn Chí Công và Bùi Quang Ngọc, hai cao thủ tin học hàng đầu FPT.
  • Người FPT, ra đời năm 1994 trên sân khấu Nhà hát lớn. Bài hát ca ngợi Hùng Râu (tức Lê Thế Hùng), một người đam mê và quyết tâm tạo ra các loại công nghệ cao theo ước mơ của Trương Gia Bình.
  • Ôi! Cargo, ra đời tháng 04/1993. Đây là bài khó hát nhất và chỉ có một người hát được, đó là Nguyễn Duy Hưng (nghệ danh Hưng Đỉnh). Chỉ sau khi hát một bài này, Hưng Đỉnh đã được phong danh hiệu “Nghệ sỹ Dân tộc”.

Theo nhiều nghệ sỹ có thâm niên trong FPT, STC chính là món ăn tinh thần phong phú đối với người FPT. Nó tạo được những giây phút sảng khoái, hồn nhiên. Tạo môi trường bình đẳng và dân chủ. STC tạo sức mạnh đoàn kết khi tất cả người FPT cùng hát chung một bài trong các dịp bên nhau. STC là một nét độc đáo trong văn hóa FPT.

Ông Thái Thanh Sơn (nghệ danh là Sơn ti ti) viết về STC: “Thật đáng tiếc, đôi khi người đời nhắc đến Sờ-ti-cô mà quên không nói gì đến FPT. Nhưng ngược lại hễ có ai nhắc đến FPT thì cái tên Sờ-ti-cô lúc nào cũng được nhớ đến, lúc thì gào tướng lên ầm ĩ với một thái độ đầy kích động, khi thì lấm lét như muốn một phần nào che bớt đi dưới con mắt soi mói của thiên hạ cái sự thoả mãn đến tột bậc trong cái thú ăn chơi của các bậc vương giả trong đời. Phải, có lẽ vậy thật. Có cái thú nào siêu thoát hơn, thần tiên hơn bằng cái sự sáng tác, sáng tác đủ mọi thứ: Thơ-văn-nhạc-kịch-tranh-tượng…”.

***

Năm 1993, Công ty FPT kỷ niệm 5 năm thành lập. Đây là năm Đại lễ đầu tiên của FPT.

Hội thao đầu tiên của FPT thi đấu 5 môn phối hợp và có 4 đội thi đấu: HO, ISC, Zodiac và Tapilu.

Đầu tiên là cuộc đua xe đạp Tour de FPT xuyên Hà Nội. Đích của các chặng là các trụ sở của FPT: 25 Lý Thường Kiệt – Hàng Bồ – Nhà Chung – Trần Hưng Đạo – Láng Hạ và Giảng Võ là đích cuối cùng. Mỗi đội có 5 tay đua. Già và béo như Trương Gia Bình (HO), Bùi Quang Ngọc (ISC), Nguyễn Trung Hà (Zodiac) phải đạp chặng xuất phát. Chặng kết thúc dành cho các em gái. Trưởng Ban Tổ chức cuộc đua là ông Lê Thế Hùng. Trương Gia Bình, một cua rơ tiềm năng nhất của đội HO, đã đạp gãy pedan, vác xe chạy bộ đến hết chặng của mình. Nhiều xe bị loại trên đường đua. Có em ngất, có em ngã xây xước. Cua rơ nữ Vũ Thị Mai Hương nếu không bị ngã sấp mặt, cong vành do sự quá khích của các nam đồng nghiệp thì có lẽ sẽ đem chiến thắng cho đội ISC. Giải nhất cuộc đua thuộc về Zodiac.

Giải bóng đá FPT Cup 5 năm chính thức được tổ chức trên sân vận động Quán Thánh. Vào chung kết là 2 đội HO và ISC. Theo lời kể của ông Lê Thế Hùng thì khi đó đội HO tung ra một tiểu xảo mà đội ISC của ông Bùi Quang Ngọc lơ là mất cảnh giác. Đội HO làm như vô tình đề nghị thời gian bắt đầu trận chung kết sớm lên 30 phút vào lúc 7h00 sáng. Cái gật đầu đồng ý của ông Ngọc giây phút đó khiến ông phải ân hận suốt nhiều tháng liền. Ông đã không biết rằng, các cầu thủ trẻ của đội ông như Hoàng Nam Tiến, Trần Quốc Hoài, Phạm Hồng Hải… rất ham vui về đêm và không thể dậy sớm vào buổi sáng. Diệu kế như thần, đến giờ thi đấu, đội HO đã đầy đủ người trong khi ISC chỉ có ông Ngọc và lèo tèo 1, 2 người đang ngái ngủ. Ông Ngọc quát tháo, hò hét tất cả lái xe, cổ động viên, ai có mặt phải vào đá cho đủ đội hình. Vào trận, tận dụng ngay cơ hội mình đã tạo ra, đội HO ào lên tấn công và ghi ngay được 1 bàn thắng trước đội hình tạp nham, vụng về của ISC. Tuy nhiên sang hiệp 2, các cầu thủ trẻ ISC ngủ đẫy giấc từ nhà đã đến đầy đủ tràn sang sân HO liên hoan. Bóng hết đập cột dọc đến xà ngang uy hiếp khung thành đội HO. Sự ngoan cường của thủ môn Phạm Việt Giang và trung vệ dập Lê Quang Tiến chỉ giữ được khung thành đội HO nguyên vẹn được 25 phút. Đến phút 26, đội ISC đã san bằng tỷ số bằng một pha ghi bàn đẳng cấp phủi sân Long Biên. Tưởng như đội HO sẽ phải tiếp tục nhận thêm bàn thua trước sức ép ngày càng tăng của ISC thì may mắn đã mỉm cười với họ. Phút 59 (tức phút 89 của bóng đá chuyên nghiệp), tiền đạo “mắc màn” Phan Ngô Tống Hưng của đội HO bỗng giật mình khi nhận được trái bóng không biết từ đâu bay đến. Anh hớn hở lừa qua hậu vệ duy nhất còn sót lại của đội bạn đang mải đứng ngắm cảnh trên sân, sút một cú trái phá vào lưới đội ISC đưa HO vươn lên dẫn điểm. Thời gian đã không ủng hộ đội ISC. Bùi Quang Ngọc – đội trưởng ISC đã cúi đầu tuyên bố chấp nhận thua cuộc. Đội HO vô địch FPT Cup đầu tiên của FPT.

Tiếp theo là giải bơi lội mang tên “Giải Nòng nọc”, đội ISC vô địch. Giải bóng bàn “Cây vợt thủng” với sự lên ngôi của đội HO. Giải Chơi Game gồm các trò Tetris, Dò mìn thuộc về đội Zodiac.

Kết quả chung cuộc: đội HO đứng đầu toàn đoàn.

Ngày 13/09/1993, lễ kỷ niệm 5 năm thành lập FPT được tổ chức tại Khu Nhà tròn bên Hồ Tây. Lần đầu tiên, các đại biểu được tiếp đón từ dưới thềm, hoa cài ngực. Mỗi bộ phận được phân một góc để triển lãm những thành tựu của mình. Góc STC thu hút đông người nhất vì là nơi trưng bày tờ báo ảnh nổi tiếng do Nguyễn Tú Huyền và Phan Quốc Khánh biên tập.

Trung tâm Dịch vụ tin học (ISC) đã phối hợp với STC tổ chức một lễ hội hoành tráng mang tính công nghệ rất cao thời đó. Để phục vụ bài phát biểu quan trọng của Tổng Giám đốc Trương Gia Bình, lần đầu tiên công nghệ multimedia được sử dụng. Nhóm tin học gồm các ông Nguyễn Thành Nam, Đỗ Cao Bảo, Phạm Thế Hùng (được sự hỗ trợ từ Singapore của ông Võ Mai) đã thiết kế một chương trình rất công phu có đầy đủ hình ảnh, âm thanh. Thậm chí cả tiếng vỗ tay đi kèm. Âm nhạc thì sử dụng kho tàng phong phú của STC do ban nhạc Hoa Sữa thể hiện. Tất cả đều được thao tác bằng tay đúng lúc, đúng chỗ để minh họa thật khớp với tổ hợp phát biểu của các lãnh đạo công ty. Tất nhiên là có trục trặc. Bài phát biểu của một số lãnh đạo chẳng liên quan gì đến phần minh họa. Theo một số người có mặt hôm đó kể lại, khi ông Trương Gia Bình đang hùng hồn nói về xu thế phát triển của ngành tin học thì trên màn hình xuất hiện hình ảnh Thủy điện Hòa Bình hùng vĩ với bản nhạc “Vâng tôi nhà quê. Vâng tôi nhà quê” của STC. Quan khách hoàn toàn bị kích động. Sự thành công rực rỡ của đại lễ còn nhờ sự ra mắt chính thức của STC với dàn hợp xướng do NSND Khắc Thành chỉ huy trình diễn bài “Đoàn FPT” phiên bản mới nhất.

Năm 1993 là năm mở đầu truyền thống kỷ niệm ngày thành lập công ty của FPT với đầy đủ thể thao và văn nghệ.

***

Tối 13/09/1996, Hội diễn Văn nghệ đầu tiên của FPT được tổ chức trên sân khấu Rạp Khăn quàng đỏ trong Cung Văn hóa thiếu nhi, Hà Nội. Lần đầu tiên Hội diễn Văn nghệ FPT được tổ chức theo hình thức thi đấu giữa các đơn vị và được một Ban Giám khảo chuyên nghiệp chấm điểm. Ông Trương Gia Bình luôn nói: ”Mọi hoạt động của công ty cần phải theo hình thức thi thố mới mang lại hiệu quả cao”.

Theo ông Nguyễn Thành Nam, thì đây là một “cuộc trình diễn vĩ đại”. Tham gia trình diễn thi đấu gồm 5 đội MôHaBô (Tầng 1-2-4 Láng Hạ), LaHaTaBa (Láng Hạ Tầng 3), Sài Gòn hoa lệ (FPT-HCM), Xa mẹ (Các cửa hàng), YKu (Khu vực Yết Kiêu và Bảo hành).

Ban giám khảo gồm các ông Lại Văn Sâm, Henry Thăng Nguyễn, NSƯT Chí Trung, bà Chu Anh Đào (phu nhân Giáo sư Đặng Hữu) và ông Nguyễn Đức Tiến (phu quân bà Trương Thị Thanh Thanh).

Hội diễn 1996 lần đầu tiên huy động được số lượng đông đảo người FPT tham gia với tổng số người lên sân khấu là hơn 120 người (tổng số CBNV toàn FPT khi đó là 370 người). Ban Tổ chức Hội diễn đã phải tuyên bố phá sản vì không có khả năng chi trả 50.000 đồng cho mỗi diễn viên như đã hứa.

Các nhân vật huyền thoại như Đào Vinh, Lê Thế Hùng, Trần Thị Thu Hà, Lại Thị Hương Huyền lần đầu tiên bước lên sàn diễn chuyên nghiệp. Ông Nguyễn Thành Nam nói: “Lịch sử STC chưa bao giờ được chứng kiến những phút xuất thần đó”.

Vở Ballet “Carmen – Hồ Thiên Nga” của đội YKU đã thực sự gây chấn động trong giới hâm mộ STC. Các diễn viên Hoàng Thu Hương, Lê Đình Lộc, Nguyễn Thanh Tùng được ví như “những hòn ngọc vùi trong cát mà STC’ 96 đã có công phát lộ”. “Nghệ sỹ Dân tộc” Hưng Đỉnh toả sáng bất ngờ với cú giãy chết điêu luyện.

Tiết mục Đài Truyền hình của Chi nhánh FPT-HCM đã khai thác tối đa cái dí dỏm của ông Hoàng Minh Châu. Tư tưởng “Thà sống vinh hơn chết nhục” và “Nói ít làm nhiều” của ông đã được nhiều bạn trẻ noi theo.

LaHaTaBa đã dũng cảm quyết định không sử dụng NSND Khắc Thành. Toàn bộ dàn diễn viên là các ngôi sao trẻ như Nguyễn Đắc Việt Dũng, Trần Thế Hiển, Cao Vi Ba, Đặng Huy Quang, Nguyễn Quang Anh, Phan Văn Hưng, Thái Thanh Sơn… đã trình diễn màn múa thổ dân độc đáo.

Đội Xa mẹ đã tận dụng cơ hội “biến màn diễn của mình thành một quả tạ lên phía STC của bàn cân giữa văn hoá ngoài luồng và văn hóa chính thống” (nhận xét của Nguyễn Thành Nam).

Kết quả đêm Hội diễn được xếp hạng theo thứ tự sau:

1. Sài Gòn hoa lệ (FPT – HCM) – Cầu truyền hình

2. Liên quân YKU (Yết Kiêu): Carmen trong Hồ Thiên Nga

3. Tập đoàn “Xa mẹ” FCDO: Hoạt cảnh Bán máy tính FPT

4. Láng Hạ con – LaHaTaBa (Tầng 3 Láng Hạ gồm FSS và FIS) – Múa thổ dân

5. Láng Hạ to – MôHaBô – Kịch câm Họp giao ban Công ty

Format của Hội diễn 96 bắt đầu được áp dụng cho tất cả các Hội diễn Văn nghệ 13/09 sau này và còn được gọi là Hội diễn Văn nghệ STC.

***

CHƯƠNG 11: NGÔI NHÀ ĐẦU TIÊN

***

Ngày 20/06/1995, Công ty FPT chuyển trụ sở về 1A Yết Kiêu. Đây là lần dời trụ sở lần thứ 5 của FPT kể từ khi thành lập. Các trụ sở của FPT trước kia là: 30 Hoàng Diệu, 224 Đội Cấn, Trường THCS Giảng Võ, 25 Lý Thường Kiệt. Ngoài ra, các bộ phận khác nhau của FPT đã từng di chuyển qua nhiều địa điểm Nguyễn Thái Học, Lý Nam Đế, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ngọc Khánh, Hàng Bồ… Tất cả địa điểm đều thuê ngắn hạn và luôn thay đổi do sự phát triển của tổ chức.

Ngay từ năm 1989, trong một lần làm việc với lãnh đạo nhà nước, ông Trương Gia Bình khi đó đã mạnh dạn xin đất xây trụ sở FPT. Và trong năm đó, thành phố Hà Nội đã cấp cho FPT khu đất 2.700m2 tại số 37 (nay là số 89) phố Láng Hạ, phường Láng Hạ, Quận Đống Đa, Hà Nội.

Ông Lê Quang Tiến kể, khi đó khu đất này nằm trong khu vực chưa phát triển của thành phố Hà Nội, xung quanh là bãi rác Thành Công nổi tiếng. Khi đi xem đất phải trèo qua các đống rác, xà bần (phế thải xây dựng) và không ai biết khi nào có thể xây được nhà.

Tháng 03/1995, Công ty quyết định khởi công xây dựng trụ sở với chi phí 2,73 tỷ đồng. Tòa nhà 5 tầng được kiến trúc sư thiết kế theo trường phái pha trộn giữa kiến trúc Pháp cổ và trụ sở cơ quan nhà nước thời bao cấp. Ông Trương Gia Bình quyết định chỉ xây dựng trụ sở trên một phần nhỏ của khu đất (khoảng 350m2). Khu sân vườn rộng bao la còn lại dành để tổ chức các sự kiện, lễ hội của công ty.

Tòa nhà FPT Láng Hạ được xây trong 1 năm. Ngày giáp Tết Bính Tý (1996), toàn bộ lãnh đạo FPT tiến hành cúng thổ công tại trụ sở mới 37 (nay là 89) Láng Hạ.

Ngày 16/02/1996, lễ khai trương tòa nhà diễn ra long trọng tuy chiếc thang máy duy nhất của tòa nhà vẫn chưa được lắp đặt. Các cánh quân FPT từ khắp mọi nơi chuyển về trụ sở mới trong không khí phấn khởi tự hào. Ông Trương Gia Bình hạnh phúc phát biểu rằng, tòa nhà này đủ cho người FPT làm việc trong ít nhất 10 năm nữa.

Đến hết năm 1996, tòa nhà chỉ được lấp đầy đến 4 tầng. Tầng 5 còn lại là nơi hội họp, đào tạo và chơi thể thao. Hội thao Olympic 1996 được tổ chức ngay trong khuôn viên 89 Láng Hạ. Hội làng Xuân Đinh Sửu (1997) được tổ chức tại tầng 5 với gần 200 người FPT khi đó. Các mâm cỗ được bày trên chiếu hoa rải dưới nền nhà.

Vào năm 2000, tòa nhà FPT Láng Hạ không còn đủ chỗ cho người FPT, lúc này đang tăng trưởng quá nhanh. Tháng 02/2000, FPT thành lập dự án “Xây dựng ngôi nhà ấn tượng FPT” do ông Bùi Quang Ngọc làm Giám đốc dự án. Ngôi nhà được dự kiến xây dựng trên diện tích gần 1.000m2, bao bọc quanh tòa nhà cũ với 10 tầng và 8.000m2 diện tích sàn xây dựng. Dự kiến sẽ đưa vào sử dụng tháng 01/2002. Tuy nhiên dự án này đã không được thực hiện.

Năm 2003, công ty xây thêm khối nhà 4 tầng tại khu nhà kho cũ và dành 3 tầng để làm việc. Tầng trên cùng là Nhà Văn hóa FPT và nhà trẻ FPT Small.

Từ tháng 09/2007, toàn bộ CBNV đang làm việc tại 89 Láng Hạ được chuyển sang Tòa nhà FPT Cầu Giấy mới được xây dựng. Người FPT không thể ngờ rằng họ sẽ không bao giờ được quay trở lại vùng đất thiêng này nữa.

Ngày 10/03/2008, tòa nhà FPT 89 Láng Hạ được bắt đầu phá dỡ để xây dựng lại với quy mô 27 tầng và 26.000m2 sàn xây dựng.

Năm 2011, lãnh đạo FPT quyết định chuyển giao dự án cho một nhà đầu tư khác.

Trụ sở FPT 89 Láng Hạ tồn tại gần 12 năm, chứng kiến sự phát triển thần kỳ của FPT.

***

 

CHƯƠNG 12: TRÍ TUỆ VIỆT NAM

***

Mạng Trí Tuệ Việt Nam (TTVN) là mạng máy tính diện rộng nổi tiếng đầu tiên tại Việt Nam do FPT xây dựng và phát triển. Mạng TTVN ra mắt năm 1996 (trước khi Việt Nam kết nối Internet) và gắn liền với tên tuổi của Trương Đình Anh, một cử nhân kinh tế 26 tuổi, gia nhập FPT năm 1993.

Tuy nhiên, ý tưởng phát triển một mạng máy tính đã được nhen nhóm trong những người làm tin học đầu tiên từ những ngày đầu thành lập FPT.

Theo ông Nguyễn Thành Nam kể lại trong bài hồi ký Mềm mãi mà không cứng, ngay từ những năm 1989 – 1990, dưới sự chỉ đạo của ông Nguyễn Chí Công, Giám đốc ISC, ông Võ Mai đã bắt tay vào viết chương trình truyền tin trên UNIX. Tuy nhiên thời đó chưa ai quan tâm đến chương trình này dưới khía cạnh thương mại cũng như kỹ thuật.

Đến năm 1992, khi triển khai chương trình liên hàng cho Ngân hàng Công thương Việt Nam, ông Nguyễn Thành Nam và cộng sự nghĩ đến việc thiết kế một chương trình truyền tin để gắn với các chương trình ứng dụng. Nhưng việc chưa thành vì thời gian thực hiện quá gấp. “Tuy nhiên mong muốn vẫn còn quanh quẩn trong lòng”, ông Nam tâm sự.

Ngày 16/12/1993, nhóm làm phần mềm FPT mới thực sự được xây dựng một chương trình truyền tin thực thụ để áp dụng cho Ngân hàng Công thương Việt Nam. Nhóm FPT bao gồm Nguyễn Thành Nam, Trương Đình Anh, Nguyễn Lâm Phương, Cù Huy Minh Tuấn đã hợp tác với ông Lê Tấn Lộc (người sáng lập Công ty FiBI) viết một chương trình cho phép quản lý tài khoản tiết kiệm của khách hàng tập trung và triển khai tại 20 chi nhánh của Ngân hàng Công thương tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Ông Nam kể: “Chúng tôi chỉ có vẻn vẹn 3 ngày để thiết kế. Client bằng Visual Basic, Host trên Fox, thống nhất được cách chuyển/nhận số liệu từ/đến các chi nhánh lên cuối ngày bằng xe máy Honda và đĩa mềm. Việc đồng bộ hóa số liệu giữa Hà Nội và TP. HCM thống nhất sẽ dùng SmartCom III…”.

Đúng ngày 02/01/1994, ngày khai trương dịch vụ mới của ngân hàng, ông Nguyễn Thành Nam ngồi tại Hội sở Ngân hàng Công thương số 10 Lê Lai (Hà Nội). Trương Đình Anh, Cù Huy Minh Tuấn mỗi người một chi nhánh khác nhau. Ông Nam ngạc nhiên thốt lên: “Thật là kỳ diệu, khách hàng có thể gửi được tiền thật”. Đó là chương trình truyền tin đầu tiên áp dụng vào thương mại của FPT.

Cũng trong năm 1993, ông Nguyễn Thành Nam khi đó đang phụ trách nhóm phần mềm của ISC, được cử đi Hồng Kông học một khóa học 3 tuần về Platform for Banking (PB) – một môi trường client/server của Olivetti. Ông Nam không ngờ rằng bộ công cụ demo và tài liệu về PB ông mang từ Hồng Kông về lại khởi nguồn cho một mạng truyền tin diện rộng đầu tiên của FPT mang tên Trí Tuệ Việt Nam.

Năm 1994, bộ tài liệu của Nguyễn Thành Nam đến tay hai lập trình viên trẻ tuổi mới gia nhập FPT là Trương Đình Anh và Nguyễn Khánh Văn.

Trương Đình Anh kể: “Năm 1994, tôi và anh Khánh Văn tình cờ tranh nhau đọc một cuốn sách bí kíp về lập trình truyền tin bằng giao thức IPX/SPX của Novell do anh Nguyễn Thành Nam đi Hồng Kông mua về. Thời đó mạng Novell Netware là một môn đặc biệt sang trọng ở Việt Nam. Nhiều bậc đàn anh chỉ cần luyện “tít” việc cài đặt mạng Netware mà đã lập nên những sự nghiệp lớn. Đi kèm theo sách có vài đoạn chương trình minh họa, tôi và anh Văn đều cố gõ nhập hết vào máy tính. Ví dụ khá lằng nhằng, cơ bản là mình có hiểu gì đâu, chương trình do anh Văn nhập vào không chạy, về sau tôi phát hiện anh Văn gõ nhầm vài chữ”.

Từ các tài liệu trên, Trương Đình Anh và Nguyễn Khánh Văn đã phát triển thành hai sản phẩm lập trình truyền tin theo hai hướng khác nhau. Nhóm Khánh Văn tập trung phát triển thư tín điện tử làm trên môi trường Windows, viết bằng Visual Basic. Nhóm Đình Anh làm trên môi trường Fox/Novell Netware, viết bằng C dịch ra NLM (Netware Loadable Module).

Chương trình E-mail đầu tiên của Nguyễn Khánh Văn được triển khai nối các trụ sở FPT tại Yết Kiêu, Ngọc Khánh và Nguyễn Bỉnh Khiêm hoạt động khá ổn định. Sau đó, Nguyễn Khánh Văn cùng 2 sinh viên thực tập là Dương Dũng Triều và Lê Hùng Sơn đã nâng cấp chương trình, viết lại toàn bộ cả client và server, trong đó nổi bật nhất là khả năng cung cấp các dịch vụ độc lập với single log-on, liên kết các servers. Chương trình này được viết trên PB, là môi trường có khả năng phân tán và quản lý các dịch vụ tích hợp.

Tháng 04/1995, sản phẩm của Nguyễn Khánh Văn được công bố chính thức với tên gọi là NICS (Network of Integrated Computer Services). Trung tâm FSS (Trung tâm Giải pháp phần mềm mới thành lập cuối năm 1994 do Nguyễn Thành Nam làm Giám đốc) đã tổ chức giới thiệu sản phẩm tại 19 Nguyễn Bỉnh Khiêm với sự có mặt của các ông Trương Gia Bình và Bùi Quang Ngọc. Ngay lập tức NICS nhận được 2 đơn đặt hàng. Một của ông Bùi Quang Ngọc để triển khai hệ thống E-mail áp dụng cho FPT, và một của Viglacera triển khai tại các xí nghiệp thành viên. Nhờ đặt vấn đề một cách rất đơn giản, đề án Viglacera đã nhanh chóng được nghiệm thu. Còn việc triển khai tại FPT đã “thất bại một cách cay đắng” (theo lời ông Nam).

Ông Nguyễn Thành Nam tổng kết thất bại này của nhóm ông Văn là do sự lựa chọn môi trường Windows tỏ ra không thích hợp với vai trò server có workload lớn, và giao diện tỏ ra quá phức tạp với người dùng Việt Nam tại thời điểm đó. Ông Nguyễn Khánh Văn sau đó rời FPT lên đường đi Australia làm tiến sỹ.

Song song với nhóm của Nguyễn Khánh Văn, Trương Đình Anh cùng hai cộng sự là Dương Dũng Triều và Nguyễn Đắc Việt Dũng cũng đã phát triển một chương trình truyền tin IPX/SPX trên nền Novell Netware mang lại kết quả khả quan hơn. Nhóm Trương Đình Anh đặt tên thương hiệu cho sản phẩm của mình là BCS (Business Communication Services). Nhờ khả năng truyền tin và hỏi đáp dữ liệu từ FoxPro, BCS đã được ứng dụng tại nhiều cơ quan.

Khách hàng đầu tiên của BCS là A18 – Bộ Công An với nhu cầu cho phép các công an biên phòng tại các cửa khẩu tra cứu vào dữ liệu xuất nhập cảnh tại Hà Nội. Cuối năm 1994, Kho bạc nhà nước đã triển khai BCS trong chương trình quản lý trái phiếu. Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) sử dụng BCS trong chương trình thanh toán quốc tế tập trung, một trong những chương trình có hiệu quả nhất của VCB. Đầu năm 1995, Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) sử dụng BCS để thay thế cho SmartcomIII trong chương trình liên hàng của mình. Sau đó là Ngân hàng VID-Public triển khai hệ thống chuyển tiền và kiểm tra số dư.

“Nhờ có sự triển khai rộng rãi trong toàn quốc và nhiều môi trường khác nhau, chương trình, nhất là phần truyền tin được kiểm tra khá kỹ lưỡng. Để demo các tính năng của BCS, Đình Anh phải viết một chương trình kiểu e-mail đơn giản. Và đó là chính là version đầu tiên của TTVN”, ông Nguyễn Thành Nam viết trong Mềm mãi mà không cứng.

Dựa trên sự thành công của BCS, cuối năm 1995, ông Nguyễn Thành Nam chính thức đề nghị ông Trương Đình Anh triển khai một chương trình truyền tin nội bộ trong FPT, chương trình này được gọi là FPT-Mail. Đó chính là tiền thân của mạng Trí Tuệ Việt Nam.

Mạng FPT-Mail được sử dụng chính thức trong FPT vào đầu năm 1996 và trở thành công cụ làm việc và giải trí cho hơn 300 người FPT tại các trụ sở Láng Hạ, Yết Kiêu, Nguyễn Bỉnh Khiêm, FPT-HCM.

Ngay khi FPT-Mail ra đời, Tổng Giám đốc FPT Trương Gia Bình yêu cầu ông Nguyễn Thành Nam phát triển một chương trình truyền tin phủ rộng khắp cả nước. Ông Nguyễn Thành Nam kể lại: “Cân nhắc kỹ lưỡng, tôi đã quyết định con đường nhanh nhất để có thể có một uy tín về công nghệ trong công chúng là thiết lập một mạng diện rộng chạy chương trình của FPT. Ý tưởng được người FPT ủng hộ quá nhiệt thành. Một đóng góp không nhỏ thuộc về Nguyễn Quang Anh khi đã đề ra khẩu hiệu “Mang đến cho bạn Trí Tuệ Việt Nam” trong cuộc thi tìm khẩu hiệu để dán quanh Bờ Hồ của Hoàng Nam Tiến. Mặc dù không được treo tại Bờ Hồ, chữ “Trí Tuệ Việt Nam” đã thực sự trở thành biểu tượng không chỉ của riêng FPT”.

Ngày 12/09/1996, FPT-Mail với tên gọi mới là Trí Tuệ Việt Nam (TTVN) chính thức được quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tôn chỉ của TTVN là mong muốn cung cấp cho người sử dụng một phương tiện để trao đổi và khai thác thông tin, trong đó có nhiều loại tin tức mà nhiều mạng dịch vụ thời đó không cung cấp.

Khi TTVN ra đời, người FPT đã nỗ lực phát huy trí tuệ của mình làm cho mạng này trở nên hấp dẫn và thu hút được nhiều thành viên. Ông Lê Quang Tiến, ông Nguyễn Thành Nam đã tâm huyết, bỏ ra nhiều thời gian sưu tầm các chuyện tiếu lâm trong và ngoài nước để đưa lên mạng. Đặc biệt là series truyện Vova nổi tiếng được các cựu du học sinh tại Nga trong FPT đưa ra làm món ăn đặc sản cho TTVN. Một đêm cuối năm 1996, ông Nguyễn Thành Nam nghe được một thông tin quan trọng từ một nguồn tin đáng tin cậy, ông thông báo cho cả cộng đồng mạng TTVN. Lần đầu tiên, nhờ có TTVN, thông tin được lan truyền với một tốc độ khủng khiếp. Sáng sớm hôm sau xuất hiện một số đại diện của các cơ quan chức năng tại trụ sở FPT để làm rõ về thông tin không chính xác này của TTVN.

Cuối năm 1996, TTVN đặt máy chủ tại FPT-HCM và do Nguyễn Hoàng Anh Dũng phụ trách. Mạng TTVN cũng gây nhiều sự cố về thông tin tại TP. Hồ Chí Minh. Ông Trương Đình Anh kể: “Tôi vào Sài Gòn hiếm khi được anh Hoàng Minh Châu, anh Nguyễn Minh Sơn nở nụ cười thân thiện vì suốt ngày các anh phải giải quyết vấn đề TTVN”.

Ngày 31/01/1997, Tổng Giám đốc Trương Gia Bình ký Quyết định thành lập Trung tâm Dịch vụ trực tuyến FPT (FOX) để xây dựng và quản lý một cách chuyên nghiệp và có trách nhiệm mạng Trí Tuệ Việt Nam (TTVN). Ông Trương Đình Anh được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm. Các thành viên đầu tiên của Trung tâm mới thành lập là Chu Thị Thanh Hà, Lã Hồng Nguyên và Nguyễn Thu Huệ.

Quyết định thành lập Trung tâm Dịch vụ trực tuyến FPT (FOX) đã giữ chân Trương Đình Anh ở lại FPT thêm 15 năm nữa. Tháng 10/1996, khi mạng TTVN đang hoạt động rất sôi nổi, Trương Đình Anh nói với Nguyễn Thành Nam: “Em xin nghỉ, mẹ em mới mở công ty, em phải sang giúp cụ, với lại lương bổng ổn định hơn nhiều”. Lúc này, bộ phận TTVN và Trương Đình Anh vẫn nằm trong Xí nghiệp Giải pháp phần mềm FPT (FSS) do ông Nguyễn Thành Nam phụ trách. Ý tưởng tách bộ phận TTVN ra thành một trung tâm độc lập trực thuộc FPT đã đủ để ông Trương Đình Anh thay đổi ý định. Năm 2008, Nguyễn Thành Nam viết trong Sử ký 20 năm FPT: “Vẫn biết không thể đoán trước được tương lai, tôi nghĩ FPT và Đình Anh đã may mắn vẫn còn bên nhau vào thời điểm ấy, để có được FPT Telecom và Đình Anh thành công như hôm nay”.

Cũng như ông Trương Gia Bình nhiều năm về trước khi đi tìm cái tên FPT, ông Trương Đình Anh cũng ôm từ điển tiếng Anh suốt cả tuần để tìm ra tên cho bộ phận mới của mình. Ông và ông Trương Gia Bình thống nhất với cái tên tiếng Anh: FPT Online eXchange – FOX, tức là con cáo. Theo Trương Đình Anh: “Cáo không phải là một loài khỏe như Trâu hay Hổ, Báo hoặc oách và sang như Rồng nhưng lại rất khôn ngoan khéo léo. Điều này rất phù hợp với FOX vì trong hoạt động kinh doanh Internet và viễn thông, FOX không phải là người hùng cơ bắp để có thể dàn trận vồ mồi đánh đồn đẽo lô cốt như các anh hùng khác trong FPT thường tự hào”.

Tại Hội chợ EXPO 97 được tổ chức tại Trung tâm triển lãm Giãng Võ mùa xuân năm 1997, FOX tham dự hội chợ với chủ đề “TTVN – mạng thông tin miễn phí duy nhất” đã thu hút rất nhiều người xem. Ông Trương Đình Anh trực tiếp đứng tại gian hàng của mình giới thiệu và phát tờ rơi. Nhiều người đã đăng ký sử dụng mạng TTVN. Năm đó FPT nhận được Huy chương Vàng của Hội chợ.

Tại Chi nhánh FPT-HCM, ông Hoàng Minh Châu bổ nhiệm ông Mai Sung phụ trách FOX HCM và ông Trần Nam Dũng trong ban quản trị mạng TTVN.

Thời gian này, các cán bộ của FOX trên cả 2 miền đã lăn lộn khắp các tỉnh thành để cài đặt TTVN cho các khách hàng. Một cán bộ FOX kể, có lần ông đi xe máy vào Ninh Bình mất 2,5 tiếng đồng hồ. Đến nơi, khi cài đặt thì 2 chiếc đĩa chứa phần mềm cài đặt bị lỗi, ông này lại phải phi xe máy về Hà Nội để copy lại và quay lại cài cho khách hàng ngay trong ngày hôm đó.

Đầu năm 1997, mạng TTVN đã rất nổi tiếng. Nhiều thông tin nói rằng số lượng thành viên đã lên đến trên 10.000 người. Theo ông Nguyễn Thành Nam viết trên báo Chúng ta khi đó là: “Có thể kể vô số nguyên nhân làm nên kỳ tích của TTVN. Nh­ưng theo tôi, lý do đơn giản và chủ yếu nhất nằm ngay trong tên gọi của mạng Trí tuệ Việt Nam… TTVN là một môi tr­ường thật sự bình đẳng. Ở đó không có ai độc quyền về thông tin. Cũng không có ai áp đặt thông tin cho ai. Tất cả cùng tham gia và tất cả cùng có lợi. Tôi nghĩ đó là bí quyết của sự lớn mạnh của TTVN”.

Tối ngày 14/06/1997, FPT tổ chức “Đêm hội Trí Tuệ Việt Nam” tại sân trụ sở 89 Láng Hạ. Lần đầu tiên, các cư dân mạng TTVN được gặp mặt nhau. Ai nấy đều rất háo hức được gặp các nhà thơ, nhà tiếu lâm học, nhà triết lý học, nhà cãi vã học,… mà họ thường xuyên gặp trên mạng. Đúng 19h00 khai mạc đêm hội, Ban Quản trị mạng TTVN tính có đến 1.600 người đến tham dự. Toàn bộ ngã tư Láng Hạ – Thái Hà tắc nghẽn. Công an phải đến giải tỏa. Ông Trương Gia Bình đã phải giúp ca sỹ Mỹ Linh trèo tường ra về vì không len được ra cổng. FPT bị nhắc nhở vì tổ chức sự kiện làm ảnh hưởng đến trật tự giao thông.

Con số 10.000 thành viên của TTVN đến nay vẫn chưa được kiểm chứng, nhưng là cơ sở để nhà nước cấp giấy phép cho FPT trở thành nhà cung cấp dịch vụ Internet cuối năm 1997.

Ngày 15/12/2000, mạng TTVN chính thức thông báo chấm dứt cung cấp dịch vụ từ 00:00:00 ngày 01/01/2001, sau 4 năm ra mắt.

Ông Trương Đình Anh sinh ngày 14/11/1970, tại Hà Nội, tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế du lịch trường Đại học Kinh tế quốc dân năm 1992 và công tác tại Ngân hàng Công thương Việt Nam. Ông gia nhập FPT ngày 30/11/1993 và trải qua các vị trí: Giám đốc Trung tâm Dịch vụ trực tuyến FPT; Giám đốc Trung tâm FPT Internet; Tổng Giám đốc Công ty truyền thông FPT; Tổng Giám đốc Công ty CP Viễn thông FPT; Chủ tịch Công ty CP Viễn thông FPT; Ủy viên HĐQT Tập đoàn FPT; Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT từ tháng 03/2011 đến tháng 09/2012.

***

CHƯƠNG 13: INTERNET

***

Tiến sỹ Mai Liêm Trực, người có công lớn trong công cuộc đưa Internet vào Việt Nam, từng nói: “Internet là công trình nhân tạo vĩ đại nhất của nhân loại”.

Năm 1991, mạng World Wide Web ra đời tại Mỹ đánh dấu kỷ nguyên Internet của loài người.

Năm 1992, với sự giúp đỡ của giáo sư người Úc Rob Hurle – Đại học Quốc gia Australia, kỹ sư Trần Bá Thái thuộc Viện Công nghệ thông tin (Viện Khoa học Việt Nam) đã tiến hành thử nghiệm kết nối các máy tính ở Úc và Việt Nam thông qua đường dây điện thoại. Cuộc thử nghiệm thành công và năm 1992, Viện CNTT có hộp thư điện tử riêng với “đuôi” của nước Úc (.au) để trao đổi e-mail. Đó là lần đầu tiên một người ở Việt Nam gửi được e-mail ra nước ngoài. 

Sau 2 năm thử nghiệm cung cấp dịch vụ e-mail, vào năm 1994, Công ty NetNam, một công ty do Viện Công nghệ thông tin thành lập, trở thành nhà cung cấp dịch vụ Internet đầu tiên tại Việt Nam, với dịch vụ thư điện tử dưới tên miền quốc gia .vn

Năm 1996, Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC) thuộc Tổng công ty Bưu chính Viễn thông (VNPT) cũng thử nghiệm kết nối Internet tại hai địa điểm Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thông qua hai cổng quốc tế 64 Kb/giây kết nối Internet Sprintlink (Mỹ).

Năm 1997, công cuộc vận động để Việt Nam kết nối Internet toàn cầu diễn ra rất khẩn trương ở các bộ, ngành, và đặc biệt là cấp lãnh đạo cao nhất của nhà nước. Cùng với sự kiện đó, các công ty tin học cũng trong cuộc đua xin giấy phép để trở thành nhà cung cấp thông tin (ICP) và nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam. Kinh doanh dịch vụ Internet hứa hẹn một sự bùng nổ vĩ đại tại quốc gia đông dân thứ 14 trên thế giới.

Sau khi thành lập Trung tâm Dịch vụ trực tuyến FPT (FOX) và quản lý 10.000 thành viên của mạng TTVN, ông Trương Đình Anh tập trung toàn bộ sức lực và trí tuệ vào việc xin giấy phép ICP, ISP. Ông nói: “Lịch trình hàng ngày của tôi là đeo bám Tổng cục Bưu điện”.

Tháng 08/1997, Trương Đình Anh dự đoán việc nhà nước cho phép kết nối Internet và cấp phép cho FPT là nhà cung cấp dịch vụ chỉ còn tính từng ngày. Ông trình ban Tổng Giám đốc FPT đề án xin đầu tư thiết bị để chuẩn bị cung cấp dịch vụ Internet với số tiền “rất khiêm tốn” – 70.000 USD. Sau nhiều vòng thẩm định, Tổng Giám đốc Trương Gia Bình vẫn chưa hài lòng. Trương Đình Anh rất sốt ruột: “Tôi cảm giác cơ hội đang đến rất gần rồi”.

Là con người hành động, ông Trương Đình Anh đi đến một quyết định đầy cá tính. Ông nộp đơn xin nghỉ phép 4 tuần. Ông Đình Anh viết: “Tôi đi đến quyết định, sẽ rời khỏi FPT để tìm cơ hội mới cho mình. Trong 4 năm làm việc tại FPT, tôi chưa từng nghỉ phép. Tôi nộp đơn xin nghỉ phép gộp 4 tuần, dự định sau khi đi chơi sẽ chính thức xin nghỉ việc – ở đây có còn gì để làm đâu?”. Đúng 1 tiếng đồng hồ sau khi nhận lá đơn xin nghỉ phép của Trương Đình Anh, ông Trương Gia Bình đồng ý đầu tư số tiền 70.000 USD. Trương Đình Anh lập tức rút lại đơn. Lá đơn đã hoàn thành sứ mệnh của nó. Đây là lá đơn xin nghỉ phép lần thứ nhất của ông Trương Đình Anh.

Ngày 13/09/1997, FPT tổ chức Hội thao Olympic kỷ niệm 9 năm ngày thành lập. Đang trên sân vận động Quán Thánh, ông Trương Đình Anh nhận một tin quan trọng qua điện thoại, Bộ Văn hóa và Thông tin đã ký giấy phép ICP (Nhà cung cấp thông tin) cho FPT.

Đúng ngày sinh nhật lần thứ 27 của mình, ngày 14/11/1997, ông Trương Đình Anh lại nhận được một cú điện thoại mà ông gọi là “cú điện thoại định mệnh”, Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Mai Liêm Trực đã ký quyết định số 1522/1997/GP-TCBDD cho phép FPT trở thành Nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP). Như vậy, FPT cùng với VDC, NetNam và Saigon Postel trở thành 4 nhà cung cấp dịch vụ Internet đầu tiên tại Việt Nam.

Ngày 19/11/1997, tại trụ sở Tổng cục Bưu điện 18 Nguyễn Du (Hà Nội), lễ kết nối Internet toàn cầu được long trọng tổ chức trước sự chứng kiến của nhiều lãnh đạo nhà nước. Việt Nam đã bước vào thời đại Internet.

Tháng 12/1997, Trung tâm Dịch vụ trực tuyến FPT đổi tên thành Trung tâm FPT Internet. Giám đốc Trương Đình Anh quyết định vẫn giữ tên viết tắt là FOX – Con cáo.

Cũng trong tháng 12/1997, FOX bắt đầu cung cấp dịch vụ Internet. Ông Trương Đình Anh kể lại trong Sử ký 20 năm FPT: “Hệ thống cung cấp dịch vụ Internet của chúng tôi gồm Router chủ là một chiếc Cisco 2501, kênh kết nối Internet 64 Kbps, 32 port Dial-up và 4 chiếc máy chủ Compaq Proliant 2500, một chiếc máy chủ Proliant 1500. Sau này tôi mới biết chiếc Proliant 1500 có giá trên sổ tài sản những 8 ngàn USD – một trong các máy chủ ế từ lâu và bị anh Bùi Quang Ngọc gán cho chúng tôi. Cisco 2501 là Router FIS mua thử nghiệm để trong kho được anh Phạm Thế Hùng cho mượn còn kênh Internet 64Kbps thuê của VDC mỗi tháng ngốn hết 45 triệu đồng”.

Tháng đầu tiên FOX thu được 97 triệu đồng hóa đơn tiền cước của khách hàng.

Tháng 02/1998, FOX kết nối thành công kênh Bắc – Nam tốc độ 128Kbps qua công ty Viễn thông điện lực với giá thuê là 36 triệu đồng/tháng. FPT Internet Chi nhánh TP. Hồ Chí Mình bắt đầu cung cấp dịch vụ Internet cho khách hàng phía Nam.

Một ân hận đối với ông Trương Đình Anh, do quá áp lực về doanh số, ông đã không mạnh dạn chuyển đổi miễn phí hòa mạng (450.000 đồng) cho số khách hàng TTVN sang sử dụng Internet của FPT. Ông đã bỏ lỡ cơ hội bám sát VDC về thị phần Internet ở Việt Nam trong những năm đầu tiên cung cấp dịch vụ.

Cả năm 1998, ông Trương Đình Anh và đồng sự dùng nhiều biện pháp để đẩy nhanh số lượng khách hàng. FOX đã gửi “hàng tấn bom thư đến khắp nơi khách hàng dùng e-mail” (theo lời ông Đình Anh). Các nhân viên FOX đi rải hàng chục ngàn tờ rơi khắp nơi. Đợt khuyến mại tặng modem cho khách hàng là sự kiện gây chấn động thị trường Internet năm 1998. Đỉnh cao trong các biện pháp chiếm lĩnh khách hàng là ông quyết định đánh thẳng vào đối thủ khi gửi trực tiếp e-mail cho các khách hàng của NetNam và Saigon Postel, cam kết nếu họ chuyển sang sử dụng Internet của FPT sẽ không bị thu phí hòa mạng. Thị trường dậy sóng. Trương Đình Anh trở thành mục tiêu công kích của các đối thủ và giới truyền thông. FPT Internet nhận được nhiều cảnh báo của các cơ quan quản lý.

Năm 1998, Trương Đình Anh được Báo Thanh niên đề cử và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh bầu chọn là 1 trong 10 thanh niên Việt Nam xuất sắc nhất. Cũng trong năm này, ông được nhận bằng khen của Thủ tướng Phan Văn Khải. Ông thường xuyên xuất hiện trên báo chí và truyền hình quốc gia. Trong không khí hào hùng của giới truyền thông khi đó, ông tuyên bố: “ước mơ sẽ trở thành tỷ phú năm 35 tuổi và trở thành Thủ tướng năm 40 tuổi”.

Năm đó Trương Đình Anh 27 tuổi.

Kết thúc năm 1998, năm kinh doanh đầu tiên, FPT Inernet đạt doanh số đạt 540.000 USD và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường với 31% thị phần, là nhà cung cấp dịch vụ Internet lớn thứ hai tại Việt Nam lúc đó.

***

CHƯƠNG 14: ĐOÀN THANH NIÊN FPT

***

Nhắc đến các hoạt động của Đoàn Thanh niên FPT thì những người gia nhập FPT trước năm 2003 đều nhắc đến cái tên Nguyễn Duy Hưng, tức Hưng Đỉnh. Anh nguyên là Giám đốc Trung tâm Dịch vụ vận chuyển FPT (FCS) và được người FPT trao danh hiệu “Nghệ sỹ Dân tộc” STC ngay sau khi anh cho ra mắt bản Hit nổi tiếng “Ôi! Cargo”.

Nguyễn Duy Hưng được Tổng Giám đốc FPT Trương Gia Bình nhắm vào vị trí thủ lĩnh thanh niên FPT sau năm đầu tiên hoạt động khá trầm lắng của Đoàn FPT. Anh Hưng kể trong Sử ký 20 năm FPT: “Vào một ngày đẹp trời năm 1998, anh Bình (Trương Gia Bình) gọi tôi vào phòng và bảo: “Em nhận công tác phát triển tinh thần anh em nhé”. Tôi bản chất thích vui vẻ, ăn chơi, tụ tập nên nhận lời”.

Trước đó, vào tháng 05/1997, Trợ lý Tổ chức cán bộ của Tổng Giám đốc FPT thống kê rằng, FPT Hà Nội có khoảng 170 nhân viên còn trong độ tuổi đoàn viên, chiếm 2/3 số CBNV trong công ty. Con số này khiến Tổng Giám đốc Trương Gia Bình phải suy nghĩ về một tổ chức chính thống cho giới trẻ FPT. Đảng uỷ công ty xin ý kiến Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ KH-CN và MT). Ngày 06/05/1997, Chi đoàn TNCS HCM FPT được thành lập theo Quyết định số 7 QĐ/TN-KCM của Ban chấp hành Đoàn TNCS HCM Bộ KH-CN và MT.

Tiếp đó, ngày 16/05/1997, tại trụ sở FPT 89 Láng Hạ, Hà Nội, Chi đoàn FPT đã tổ chức Đại hội lần thứ nhất. Tham dự đại hội có 71 đoàn viên đại diện cho 113 đoàn viên trong FPT. Đến dự đại hội còn có đại diện Đảng ủy, Bí thư Đoàn Bộ KH-CN và MT, ông Trương Gia Bình – Bí thư Chi bộ Công ty FPT, ông Đỗ Cao Bảo – Thư ký Công đoàn FPT… Đại hội đã nhất trí bầu Ban Chấp hành Chi đoàn FPT gồm có các anh chị: Bùi Trí Hùng (FSS), Tô Minh Tiến (FCD), Vũ Thanh Hải (báo Chúng ta), Nguyễn Trung Vũ (FIS), Hoàng Mai Lan (Phòng vé), Nguyễn Thu Huệ (FOX) và Trần Thanh Hà (FET). Anh Bùi Trí Hùng được bầu là bí thư Đoàn Thanh niên đầu tiên của FPT.

Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ đầu tiên, hoạt động của Đoàn khá trầm lắng. Anh Tô Minh Tiến, Ủy viên Ban Chấp hành Chi đoàn FPT, tâm sự trên báo Chúng ta: “Chi đoàn Thanh niên FPT đã chào đời một cách rầm rộ. Nhưng xem ra anh em thanh niên trong công ty vẫn chưa thực sự quan tâm tới Đoàn. Đây chính là điều làm cho Ban Chấp hành Đoàn rất băn khoăn. Nếu Đoàn không có những hoạt động thiết thực, bổ ích thì sẽ khó lôi cuốn được mọi người”.

Một năm sau, ngày 13/05/1998, Đại hội Chi đoàn công ty FPT lần thứ hai, nhiệm kỳ 1998-1999 được tổ chức tại Hội trường Tổng công ty Thép. Đại hội lần này đã bầu ra Ban Chấp hành chi đoàn mới gồm 7 đồng chí: Nguyễn Duy Hưng (FCS), Hoàng Việt Anh (FSS), Trần Thế Hiển (FIS), Nguyễn Văn Lộc (Tài vụ), Nguyễn Trung Vũ (FSI), Nguyễn Lâm Thanh (FIS) và Hồng Thanh Thoại Nhi (thư ký). Anh Nguyễn Duy Hưng được bầu làm Bí thư Đoàn Thanh niên FPT.

Ngày 15/07/1998, Chi đoàn TNCS HCM của Chi nhánh FPT – HCM được thành lập. Bí thư là anh Nguyễn Thái Sơn.

Ngày 29/05/1999, Đại hội Chi đoàn FPT lần thứ ba nhiệm kỳ 1999 – 2000 được tổ chức tại Hội trường Tổng công ty Thép. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành chi đoàn FPT gồm 13 ủy viên. Đó là: Nguyễn Duy Hưng, Nguyễn Thành Nam, Nguyễn Điệp Tùng, Tô Minh Tuấn, Lê Mạnh Thắng, Trần Thị Thu Hà, Võ Hương Lan, Phạm Thế Minh, Chu Thị Thanh Hà, Nguyễn Quang Minh, Phạm Minh Tuấn, Trần Thế Hiển và Nguyễn Mạnh Hùng. Anh Nguyễn Duy Hưng tái đắc cử Bí thư Chi đoàn FPT.

Có thể thấy, khác hẳn nhiệm kỳ trước, Ban Chấp hành nhiệm kỳ thứ ba đa số là các lãnh đạo quyền nhiều, lương cao. Hoạt động Đoàn Thanh niên đã được lãnh đạo FPT chú trọng một cách đặc biệt. Để hỗ trợ hoạt động cho Đoàn Thanh niên, một ban cố vấn và đội tình nguyện được thiết lập. Tất cả những thành viên FPT trên 30 tuổi đều được kết nạp vào Ban cố vấn. Đội quân tình nguyện cũng thu hút được 30 người.

Tại Đại hội, các Đoàn viên đã lắng nghe tâm sự khá dài của Tổng Giám đốc Trương Gia Bình. Ông nói về sự nghiệp của FPT, đó là con đường để giải phóng khỏi nô lệ của nghèo nàn và dốt nát. Ông nói về con người và tinh thần FPT. Ông nói: “Giá trị cuộc sống không phải là kết quả ta đạt được mà là thu nhận được của từng giờ, từng ngày chúng ta làm một việc nào đó có ý nghĩa trường tồn”. Nói về Đoàn Thanh niên FPT, Tổng Giám đốc chỉ rõ: “Đoàn FPT là tổ chức tư tưởng, tập hợp, vận động, cổ vũ, lôi kéo những người đi theo chia sẻ những giá trị mà chúng ta tin tưởng, hoàn thành các mục đích, kế hoạch đặt ra”. Ông kết luận: “Cái quý nhất của tất cả chúng ta, cái mà để mỗi cá nhân chúng ta hăng say hy sinh mình làm chính là cái sự nghiệp và tinh thần FPT. Và thách thức của chúng ta, thành bại của chúng ta trên thương trường không phải phụ thuộc vào cơ hội may rủi và những kỹ năng kinh doanh của công ty FPT mà phụ thuộc vào sự bảo tồn phát triển tinh thần, tư tưởng đó”.

Ngày 04/04/2000, Đoàn Thanh niên FPT chính thức nhận được quyết định thành lập Đoàn cơ sở Công ty FPT trực thuộc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường. Theo quyết định này, Ban Chấp hành Đoàn cơ sở Công ty FPT có con dấu đoàn cấp cơ sở và có các chi đoàn trực thuộc.

Ngày 25/05/2000, Ban Chấp hành Đoàn TNCS HCM công ty FPT ra quyết định thành lập Chi đoàn tại các bộ phận. Theo quyết định này, các phân đoàn FIS, FSU1, FSU3, FSM, FDR, FPS, FOX, FSI, FAT, FTT, FMB, FBP, FAF, FAD và Phân đoàn Sáu được nâng cấp thành chi đoàn. Ban Chấp hành đoàn cũng bổ nhiệm các đồng chí có tên sau làm bí thư lâm thời của các chi đoàn: Trần Thế Hiển (FIS), Phan Phương Đạt (FSU1), Nguyễn Quang Anh (FSU3), Lê Thanh Hải (FSM), Hoàng Thị Vân Khánh (FDR), Hàn Quốc Ân (FPS), Nguyễn Minh Hồi (FOX), Nguyễn Quang Minh (FSI), Mai Thanh Long (FAT), Nguyễn Mạnh Hùng (FTT), Trần Quốc Hoài (FMB), Phạm Thế Minh (FBP), Đặng Lệ Thuỷ (FAD), Trần Thị Thu Hà (Chi đoàn Sáu). Các Chi đoàn có trách nhiệm tổ chức đại hội chi đoàn trong thời gian sớm nhất và xây dựng sơ đồ tổ chức, kế hoạch hoạt động trình Ban Chấp hành Đoàn thanh niên công ty FPT.

Từ ngày 12/05 đến ngày 19/05/2000, chi đoàn các bộ phận đồng loạt tổ chức đại hội và tiến hành bầu ban chấp hành. Các bí thư lâm thời đều trúng cử làm bí thư chính thức các chi đoàn bộ phận.

Ngày 17/06/2000, Đại hội Đoàn Thanh niên nhiệm kỳ 2000-2001 với chủ đề “Cất cánh 2000” diễn ra tại Hội trường lớn của Trung tâm điện ảnh Quốc gia. Đại hội đã vinh danh các cá nhân xuất sắc là: Hoa hậu Vũ Thanh Hải (Chi đoàn Sáu), Á hậu 1 Nguyễn Quang Anh (FSU3) và Á hậu 2 Trần Thế Hiển (FIS). Đại hội cũng đã bầu ra Ban chấp hành chi đoàn nhiệm kỳ mới là các đồng chí: Nguyễn Duy Hưng, Trần Thị Thu Hà, Vũ Thanh Hải, Phan Phương Đạt, Hoàng Thị Vân Khánh, Hàn Quốc Ân, Nguyễn Minh Hồi. Tổng Giám đốc Trương Gia Bình phát biểu chỉ đạo: “Đoàn thanh niên FPT trong năm 2000 – 2001 sẽ là một động lực to lớn để chúng ta cất cánh trong năm 2000 và chúng ta sẽ thực hiện được toàn cầu hoá trong vòng 5 năm đến 7 năm”.

Trong thư ngỏ gửi Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên FPT – HCM tháng 06/2000 với tiêu đề “Nâng cao vai trò Đoàn Thanh niên trong giai đoạn mới”, Giám đốc FPT – HCM Hoàng Minh Châu cho rằng cán bộ Đoàn chưa thật chủ động, chưa tận dụng hết những khả năng và quyền hạn mà công ty đã tin cậy trao cho. Trong thư, ông Châu hướng dẫn các đoàn viên FPT biết về quyền hạn của Đoàn. Đó là, Đoàn có tiếng nói chính thức trong Công ty, được tham gia họp giao ban để nắm mọi tình hình hoạt động của công ty và có quyền đề xuất các vấn đề của đoàn viên… Đoàn có quyền chủ động đề nghị các đoàn viên tham gia các hoạt động Đoàn. Các trưởng bộ phận phải có trách nhiệm hợp tác và tạo điều kiện cho các đoàn viên tham gia công tác đoàn đầy đủ. Đoàn có quyền đề xuất kinh phí cho tất cả các hoạt động Đoàn theo các nhiệm vụ đã được công ty quy định. Đoàn có quyền tham gia vào việc đánh giá cán bộ nhân viên là đoàn viên. Đánh giá của Đoàn được xem xét độc lập với đánh giá của các trưởng bộ phận và ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả đánh giá cuối cùng. Cuối thư, ông Châu viết: “Công ty chúng ta đã đi qua một chặng đường khó khăn rất vẻ vang. Chặng đường trước mắt còn nhiều chông gai hơn nữa. Hơn bất cứ lúc nào, vai trò của Đoàn càng phải khẳng định và nâng cao. Những thành công đã qua cho phép chúng ta tạo ra môi trường làm việc tốt nhất trong các công ty tin học cho nhân viên. Chúng ta đang tập trung đầu tư cho hướng chiến lược phần mềm xuất khẩu. Chi phí hàng tháng của chúng ta rất cao đòi hỏi các bộ phận kinh doanh phải đạt doanh số tháng từ 16 – 18 tỷ/tháng mới có khả năng trang trải, trong khi hiện thời, doanh số của chúng ta mới chỉ đạt trung bình 13 tỷ/tháng. Chúng ta chỉ có một lối thoát: đẩy mạnh doanh số cao hơn nữa, tiết kiệm nhiều hơn nữa”.

Thay cho hoạt động du kích kiểu STC, từ ngày ra đời, Đoàn Thanh niên FPT đã tổ chức bài bản, chuyên nghiệp tất cả các sự kiện của công ty như Lễ hội 13/09, Hội Làng, Nghỉ mát, ngày 08/03, ngày 01/06, các giải bóng đá, cờ Xuân, quần vợt, thi tiếng hát, thi hoa hậu… Đoàn Thanh niên FPT cũng kiêm nhiệm phụ trách tổ chức sự kiện cho các tổ chức khác trong FPT như Phụ nữ, Công đoàn, Cựu chiến binh… Bí thư Đoàn Nguyễn Duy Hưng tuyên bố: “Đoàn FPT là sân chơi rộng lớn nhất cho tất cả cán bộ, nhân viên FPT. Đoàn FPT giúp các bạn thu hẹp khoảng cách với nhau về tuổi tác, địa vị, thu nhập, giới tính và tính cách”.

Một vinh dự lớn cho Chi đoàn FPT là anh Hoàng Việt Anh (Chi đoàn FSOFT) được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2004 – 2006. Hoàng Việt Anh được phân công phụ trách khối khoa học kỹ thuật và là đại diện cho giới khoa học được cơ cấu trong Ban chấp hành T.Ư Đoàn TNCS HCM. Tuy chỉ đi họp 4 lần trong suốt nhiệm kỳ nhưng anh Hoàng Việt Anh đã góp phần nâng cao vị thế chính trị của Đoàn Thanh niên FPT.

Anh Nguyễn Duy Hưng làm Bí thư Chi đoàn FPT được gần 5 năm. Tháng 09/2003, anh chuyển sang làm Phó Giám đốc Trung tâm phân phối điện thoại Nokia (F9) của Công ty Phân phối FPT (FDC) và chuyển giao sự nghiệp lãnh đạo hoạt động phong trào FPT cho nhạc sỹ Trương Quý Hải.

Anh Nguyễn Duy Hưng (tức Hưng Đỉnh) sinh ngày 14/09/1966, tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế tại trường Đại học Mỏ – Địa chất. Gia nhập FPT tháng 05/1991 và trải qua các vị trí: Giám đốc Trung tâm Dịch vụ XNK và vận tải FPT (FCS); Trợ lý Tổng Giám đốc FPT; Bí thư Đoàn Thanh niên FPT; Phó Tổng Giám đốc Công ty Phân phối công nghệ viễn thông FPT.

***

CHƯƠNG 15: TUỔI LÊN 10

***

Năm 1998, Công ty Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT tròn 10 tuổi.

Tháng 10/1997, Tổng Giám đốc FPT Trương Gia Bình ký quyết định thành lập Ban Tổ chức Đại lễ hội kỷ niệm 10 năm thành lập FPT (13/09/1988 – 13/09/1998). Trưởng ban là Tổng Giám đốc Trương Gia Bình. Các Phó trưởng ban là các Phó Tổng Giám đốc: Hoàng Minh Châu, Bùi Quang Ngọc, Lê Quang Tiến và Phan Ngô Tống Hưng.

Các tiểu ban:

  • Tiểu ban Thể thao do ông Hoàng Nam Tiến phụ trách;
  • Tiểu ban Văn nghệ do ông Nguyễn Thành Nam phụ trách;
  • Tiểu ban Thi đua do ông Đào Vinh phụ trách;
  • Tiểu ban Hậu cần do bà Lại Thị Hương Huyền phụ trách;
  • Tiểu ban Nhân lực do ông Bùi Trí Hùng phụ trách;
  • Tiểu ban Thông tin văn hoá do ông Đỗ Cao Bảo phụ trách;
  • Tiểu ban Lễ tân do bà Trần Thị Thu Hà phụ trách.

Theo chỉ đạo của Trưởng Ban Tổ chức, tất cả các hoạt động kinh doanh, thể thao, văn hoá từ tháng 10/1997 đến hết năm 1998 đều được coi là hoạt động chào mừng 10 năm thành lập FPT. Năm 1998 được gọi là Năm Đại lễ.

***

Ngày 17/11/1997, Tổng Giám đốc Trương Gia Bình ký Quyết định thành lập Dàn giao hưởng hợp xướng FPT (GHHX). Cũng theo quyết định này, ông Nguyễn Thành Nam được chính thức bổ nhiệm làm Chủ nhiệm của Dàn GHHX. Quy chế hoạt động của Dàn GHHX FPT ghi rõ: “Là tổ chức phi lợi nhuận và phi chính trị, được thành lập trên nguyên tắc tự nguyện với mục đích nâng cao đời sống tinh thần cho các thành viên… Thành viên Dàn GHHX FPT có nghĩa vụ đi tập đầy đủ, đúng giờ, tham gia biểu diễn khi có lệnh triệu tập và chấp nhận trừ lương/thưởng theo quyết định của Ban chủ nhiệm Dàn GHHS nếu không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ trên”.

Đầu năm 1998, Tiểu ban Thi đua lập đội kiêu binh làm công việc thay số trên biển đếm ngược tới ngày 13/09 trong tiếng nhạc hào hùng vào lúc 11h45 hàng ngày. Vào những thời điểm chẵn 200 ngày và 100 ngày trước khi FPT tròn 10 tuổi, lãnh đạo các bộ phận (managers) duyệt binh và thay số (hoàn toàn thủ công). Vào ngày cuối cùng (còn 0 ngày) công ty tròn 10 tuổi, toàn bộ Ban Tổng Giám đốc đi duyệt binh thay biển.

Ngày 22/04/1998, Đội Văn nghệ FPT chính thức được thành lập theo Quyết định số 65 QĐ/FPT của Tổng Giám đốc. Theo Quyết định này, các thành viên của Đội Văn nghệ có trách nhiệm đi tập đầy đủ và đúng giờ theo thông báo của đội trưởng. Các trưởng bộ phận tạo điều kiện về thời gian để các thành viên có tên trong đội thực hiện tốt việc luyện tập. Thành viên nào không đi tập sẽ chịu xử lý theo nội quy của công ty.

Cũng trong tháng 04/1998, FPT đã vinh dự được bạn đọc tạp chí PC World Vietnam bình chọn là Công ty tin học được khách hàng tín nhiệm nhất.

Từ tháng 05/2013 đến 13/09/98, Tiểu ban Thông tin – Văn hóa mở cuộc thi “Người FPT viết về FPT”. Đây là cuộc thi sáng tác về các đề tài lịch sử, nhân vật, sự kiện, văn hoá… của FPT. Đánh giá về chất lượng cuộc thi, nhà thơ Vũ Quần Phương, thành viên Ban giám khảo nhận xét: “Tự mình viết về mình là một sáng kiến, nó tạo được hai hiệu quả: thứ nhất là nhìn lại được mình và thứ hai đây là một hình thức sinh hoạt văn học nghệ thuật. Các bài viết đợt này đều có nội dung khá sâu, có ý tưởng, đặc biệt loạt bài về các nhân vật với bút pháp vui, linh hoạt, quan sát tinh và đáng quý là bộc lộ một tình bạn thân ái, bình đẳng trong toàn cơ quan, kể cả cán bộ lãnh đạo”.

Ngày 20/07/1998, Tổng Giám đốc FPT phát động tất cả các thành viên FPT viết sử ký, ký sự về FPT 10 năm. Đúng ngày 13/09/1998, Cuốn sử ký 10 năm FPT (1988 – 1998) được phát hành.

Tiểu ban Thông tin – Văn hóa đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam làm phóng sự 15 phút mang tên “Lời giải từ một mô hình sử dụng chất xám” nhân dịp FPT 10 năm. Phóng sự nêu tình trạng chảy máu chất xám tại chỗ và ra nước ngoài từ nhiều năm nay vẫn luôn là vấn đề nhức nhối của Việt Nam. Mô hình FPT – một công ty kiểu mới quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, tạo điều kiện cho họ có thể sống được bằng chất xám của mình, động viên họ hết lòng vì khoa học, vì công ty và vì sự nghiệp chung đưa khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ thông tin phục vụ sự phát triển của đất nước. Từ đó nhằm rút ra kinh nghiệm quản lý, sử dụng chất xám một cách có hiệu quả cho các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, hạn chế nạn chảy máy chất xám. Phóng sự này được phát trên sóng Đài Truyền hình Trung ương ngày 13/09/1998, đúng ngày FPT tròn 10 tuổi.

Triển lãm “10 năm Công nghệ FPT” được tổ chức trong 3 ngày 12,13 và 14/09/1998 tại đại sảnh Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô. Các đơn vị trong FPT đều có gian hàng riêng trưng bày và giới thiệu các sản phẩm công nghệ, các thành tựu hoạt động và giới thiệu các đối tác của mình. Đây là lần duy nhất FPT tổ chức Hội chợ triễn lãm cho riêng mình. Triển lãm đã vinh dự được Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và nhiều lãnh đạo Bộ, ngành đến tham quan.

Giải bóng đá “FPT 10 năm” được tổ chức vào tháng 08/1998 và kéo dài đến đầu tháng 09/1998. Tham gia có các đội: FHO, Môi-Dịch-Chuyển MDC (TT Môi trường, TT Dịch vụ Vận chuyển và TT Đề án và Chuyển giao công nghệ), FSS, FIS, ZODIAC, FCO. Giải này ghi nhận sự lóe sáng của lão tướng Bùi Quang Ngọc khi ông lập được hat-trick trong trận gặp FIS. Cảm xúc về giải này, bình luận viên thể thao báo Chúng ta viết: “Giải bóng đá 10 năm FPT có thể coi là kết thúc bằng một nghịch cảnh và người ta lại chờ đến mùa giải sau. 15 năm, 20 năm hay là lâu hơn nữa lúc nào cũng có thắng có bại, chỉ có niềm khát khao chiến thắng mãnh liệt, dám chơi, dám cống hiến hết mình, dám buồn, dám vui hãy sáng mãi, sống mãi, lung linh những lễ hội FPT”.

Tháng 10/1998, cuộc đua xe đạp vĩ đại nhất trong lịch sử FPT mang tên “Thử thách ‘98” được tổ chức. Hầu như tất cả nhân viên FPT đều tham dự. Đường đua xuất phát từ 89 Láng Hạ được chia làm nhiều chặng: Láng Hạ – Cầu Mai Lĩnh – Chùa Trầm. Sau khi nghỉ ăn trưa, vào chùa thắp hương, trèo núi ngắm mây trời, đoàn đua lại tiếp tục chặng về Chùa Trầm – Cầu Mai Lĩnh – Láng Hạ. Cuộc đua thực sự là một thử thách lớn đối với người FPT. Có những đoạn đường đang sửa phải dắt bộ. Nhiều xe hư hỏng dọc đường. Có người vượt đèn đỏ bị cảnh sát giao thông chặn và xử phạt. Tuy nhiều người không về đích được nhưng tất cả đều rất quyết tâm thi đấu. Cua-rơ Trần Quốc Thịnh (FSI) tâm sự trên Chúng ta: “Tôi cảm thấy rất tự hào về những gì mình đã vượt qua. Tôi nghĩ đây không chỉ là cuộc thử thách của riêng tôi mà còn là cuộc thử thách của nhiều người khác nữa, và mỗi người lại có những mục tiêu đặt ra khác nhau cho mình. Riêng đối với tôi, tôi thực sự hạnh phúc vì tôi đã vượt qua được những gì tôi tưởng mình sẽ không bao giờ làm được”.

***

Đúng 6h30 sáng ngày 13/09/1998, gần một chục chiếc xe ca hiệu Hải Âu xuất phát từ 89 Láng Hạ chở gần 400 người FPT, trong đó có gần 200 vận động viên, hướng về Trường Đại học Thể dục thể thao Từ Sơn (Bắc Ninh).

Olympic ‘98 được bắt đầu bằng lễ diễu binh hào hùng phô diễn sức mạnh của FPT. Ông Bùi Quang Ngọc, Chủ tịch Olympic FPT kiêm Trưởng ban Tổ chức Hội thao, trong trang phục truyền thống quần soóc, áo phông, giày adidas, oai nghiêm duyệt đội danh dự trên chiếc xe Citroën đời ’59, 120 mã lực. Trong tiếng nhạc hùng tráng, các đoàn thể thao của FPT hiên ngang đi đều bước. Trên lễ đài, các nhà lãnh đao cao cấp FPT cùng các khách mời vẫy tay chào mừng các vận động viên. Quân nhạc cử quốc ca. Hàng trăm người FPT nghiêm trang hòa giọng hát dưới cờ Tổ quốc. Vận động viên tuyên thệ “thi đấu hết mình theo chỉ đạo của Ban Tổ chức”. Trọng tài tuyên thệ “làm việc công tâm, chỉ cần dứt khoát, không cần chính xác”.

Mở màn cho các cuộc thi đấu Olympic là trận đấu lịch sử, nhiều duyên nợ giữa 2 đội tuyển FPT Hà Nội và FPT – HCM. Trước trận đấu đã có một tuyên bố: “Nếu FPT – HCM mà thắng FPT – HN thì Hà Nội sẽ bao toàn bộ vé máy bay lượt về cho toàn đội bóng đá FPT – HCM “. Tuyên bố này mang lại quyết tâm cao cho người phương nam và FPT – HCM đã thắng FPT – HN với tỷ số sát nút 1-0. Mặc dù đã chiến thắng, nhưng các cầu thủ FPT – HCM vẫn phải đi tàu hỏa về và hầu như không ai dám nhắc đến tuyên bố trên.

Ở môn thi 4 môn phối hợp, FOX về nhất, FSS và FPT – HCM đồng về nhì. Tuy nhiên tổ trọng tài quyết định xử phạt FOX phạm quy. Đội FOX uất nghẹn trong niềm vui sướng vô hạn của đội FSS và FPT – HCM.

Ở môn thi thể hình, cặp đôi Hoàng Nam Tiến và Thái Thanh Sơn của đội HO được nhiều cổ động viên ngưỡng mộ nhất tuy không được giải do “bị trọng tài xử ép”.

Trận đấu đáng xem nhất ở môn Sumo là cặp đấu giữa Trương Gia Bình và một vận động viên mới vào nghề của FIS. Tuy nhiên sau vài chục giây ngắn ngủi, vận động viên Trương Gia Bình đã ngã lấm lưng và bị loại.

Môn bóng rổ diễn ra theo đúng luật nhà nghề. Tuy nhiên, thi đấu được một thời gian, các trọng tài cảm thấy sẽ không có vận động viên nào đưa bóng được vào rổ. Do đó, tổ trọng tài đã hội ý và quyết định đổi luật, bóng chỉ cần ném trúng bảng gỗ, hoặc cột, hoặc mép rổ đều được tính điểm. Sau khi đổi luật, các trọng tài đã mỏi miệng tính điểm.

Hội thao còn nhiều môn thi như: chạy tiếp sức, nấu ăn, kéo co, bắt trạch và bơi.

Hội thao kết thúc lúc 15h00 chiều. Tất cả các vận động viên cũng như khán giả mệt nhoài leo lên xe ngủ vùi trên đường về lại Hà Nội.

***

Hội diễn STC kỷ niệm 10 năm FPT được tổ chức vào tối 13/09/1998 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô.

Theo đánh giá chung của giới chuyên môn, chất lượng Hội diễn STC năm 1998 không cao, thiếu những tiết mục gây ấn tượng. Những đội mạnh truyền thống, như FPT – HCM, FITIN, FSS, không còn giữ được phong độ như trước.

Nghệ sỹ gây được nhiều ấn tượng nhất phải kể đến Nguyễn Đức Quỳnh trong vai Thuý Kiều trong tiết mục “Kể chuyện cổ tích” của FSS. Theo lời kể một nhân chứng có mặt, khi Thuý Kiều bỏ quạt che mặt xuống, một em bé trong rạp đã khóc thét lên vì nhan sắc của nhân vật chính.

Nhóm phóng viên báo Chúng ta nhận xét tiết mục của nghệ sỹ gạo cội Hoàng Minh Châu là quá lê thê. Tuy nhiên anh vẫn được trao giải diễn viên xuất sắc nhất (?).

Nhiều khán giả cho rằng tiết mục của đội FITIN đã thành công nhờ âm nhạc và tiếng động tuyệt vời của nhà ghép nhạc Lê Đình Lộc. Báo Chúng ta viết: “Khán giả như lặng đi, tâm hồn bay bổng mơ màng, mắt nhắm, mồm há, như nuốt, như nhai ngấu nghiến khi nghe tiếng nhạc khi hùng tráng, lúc du dương chờ đợi màn trình diễn đầy huyền bí”. Nhưng Ban Giám khảo chấm đội FITIN đứng áp chót trong bảng xếp hạng.

Sau Hội diễn, một số khán giả quá khích đã đề nghị Chánh thanh tra Đào Vinh lập đoàn thanh tra Ban Giám khảo.

Giải Nhất Hội diễn STC 10 năm FPT được trao cho vở diễn Bao Công hí Thuý Kiều (FSS).

***

Sáng ngày 14/09/1998, tại Hội trường Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô, Ban Tổng Giám đốc FPT vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Hai do Nhà nước Việt Nam trao tặng. Tại buổi lễ, Dàn nhạc Giao hưởng hợp xướng FPT đã có dịp ra mắt và trình diễn 3 tác phẩm liên tục.

Chiều ngày 14/09/1998, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu đã đến thăm triển lãm “Mười năm công nghệ FPT”. Tổng Bí thư đã có cuộc nói chuyện với các cán bộ và nhân viên FPT. Tại buổi gặp gỡ, Tổng bí thư đã nói: “Tôi tin là các đồng chí có đủ điều kiện để giữ vững vị trí số một bằng cách duy nhất là chỉ có tiến lên tiếp cận trình độ khoa học ngày càng cao hơn, trí tuệ ngày càng phát triển mạnh hơn. Đó cũng chính là lợi ích của Quốc gia chúng ta”.

***

Tuổi trẻ với những ước mơ

Là người được chứng kiến sự thai nghén của những ý tưởng xây dựng một công ty mạnh hàng đầu của Việt Nam về tin học ứng dụng, gắn khoa học với thực tiễn, vươn lên ngang tầm với các công ty của nước ngoài, là người được chứng kiến những bước thăm trầm của FPT và sự thành đạt của công ty ngày nay, tôi thực sự vui mừng và hãnh diện về FPT.

Tôi không muốn nói về hiệu quả kinh tế mà FPT đã đạt tới từ hai bàn tay trắng, từ cái thủa “ra đi, ra đi áo quần không có” với quyết tâm cao “ra đi, ra đi sạch bách mới thôi” trong cuộc chiến giành giật quyết liệt trên thương trường “thằng Tây nó tiến thì mình giật lùi, thằng Tây nó lúi thì mình giật tiền”, bởi vì mọi người đều đã rõ. Điều gây ấn tượng nhất sâu sắc nhất đối với tôi chính là lớp cán bộ trẻ, giỏi, rất năng động luôn luôn ấp ủ trong mình những ước mơ lớn của FPT, những con người sinh ra và lớn lên trong khói lửa chiến tranh, được rèn luyện trong các nhà trường của chế độ ta. Họ có những suy nghĩ, việc làm đáng nể trọng. Những bài học về họ tôi tin tưởng rằng rất bổ ích cho thanh niên ta trong lúc này.

Những năm giữa của thập niên 80 là lúc nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn nhất. Nước ta đang ở đỉnh điểm của cuộc sống khủng hoảng kinh tế triền miên sau những năm chiến tranh. Các viện nghiên cứu khoa học, các trường đại học của ta không còn điều kiện hoạt động bình thường. Hàng loạt cán bộ khoa học, thầy, cô giáo đại học tìm đường ra nước ngoài kiếm sống. Những “đội du kích đường sắt” hoạt động ở Đông Âu. Cảnh những người Việt chen chúc đi mua hàng ở thủ đô các nước: nồi hầm, bàn là, quạt máy, xoong chậu… để gửi về gia đình. Cảnh chen lấn xô đẩy ở các sân bay quốc tế về Việt Nam. Người người tay bế, tay xách, gặp ai cũng sợ: công an, hải quan, người cân hàng… người Việt Nam không được phép vào sân bay đưa đón người thân…

Trong bối cảnh đó những người sáng lập ra FPT cảm nhận sâu sắc nỗi niềm tủi nhục của một nước nghèo, người nghèo. Nghèo là hèn. Hàng triệu đồng bào mình đã chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập của dân tộc mình, mà cũng vì loài người bị áp bức. Vậy mà đến nay chúng ta vẫn nghèo, vẫn không ngẩng cao đầu được sao? Vị thơm ngon của một cái chân của muối trong chiếc vại đầy dòi do chị con bà chủ nhà tốt bụng cho anh Trương Gia Bình trong những ngày sơ tán thời chiến tranh, đồng thời cũng là vị cay đắng của cái nghèo.

Nỗi trăn trở, dằn vặt quanh cái sự nghèo, niềm quyết tâm và ý chí vượt khó được rèn luyện bao lâu nay của thế hệ trẻ FPT mười năm về trước đã dẫn tới sự ra đời tất yếu của FPT. Chiến thắng cái nghèo cũng là bổn phận của toàn dân ta lúc này và đòi hỏi sự gian khổ phấn đấu của mọi người, nhất là thanh niên.

Thời nào cũng vậy, con người ta ai cũng phải mưu sinh, ai cũng phải có trách nhiệm nuôi dưỡng gia đình. Tiền là quan trọng, nhưng tiền không phải là tất cả theo quy luật của tạo hóa, ai rồi cũng phải trở về với cát bụi. Song sự bất tử của các vĩ nhân là ở ý tưởng cao đẹp của họ và cống hiến, hy sinh hết mình cho lý tưởng đó. Ở những con người bình thường như chúng ta mà có được những ước mơ tốt đẹp và dám vượt qua muôn vàn khó khăn, nhiều khi tưởng chừng như không vượt nổi, để biến những ước mơ đó thành hiện thực là điều đáng nể trọng. FPT là một trường hợp như vậy. Điều quan trọng mà tôi muốn nhấn mạnh là trước hết phải có ý tưởng cao cả, những ước mơ tốt đẹp, rồi lại phải có ý chí, nghị lực và khả năng biến ý tưởng đó thành hiện thực.

Nhân đây tôi muốn nhắc lại câu chuyện của ông Chủ tịch tập đoàn Daewoo, ngài Kim Woo Chung. Từ một đứa trẻ nghèo, kiếm ăn bằng nghề bán báo, nay ông là Chủ tịch của một tập đoàn công nghiệp hàng đầu Hàn Quốc. Ông Kim nói “Lịch sử thuộc về những người biết ước mơ. Quốc gia nào có những người biết ước mơ, dám biến ước mơ thành hiện thực và có những người cùng chia sẻ ước mơ ấy, quốc gia đó mới có thể đi tiên phong trong lịch sử nhân loại… và những ước mơ đó phải là những ước mơ lớn… Các bạn phải mang cả vũ trụ vào trong trái tim và ước mơ của các bạn cũng phải mênh mông như vũ trụ.

Ông kể “…Chúng tôi bắt đầu trong một căn phòng nhỏ xíu, xám xịt thuê được trong một góc tòa nhà, nhưng tôi có một ước mơ: có một tòa nhà lớn nhất Hàn Quốc (ước mơ này đã đạt được). Và bây giờ, tôi có một ước mơ khác, đó là chế tạo được một sản phẩm chất lượng tốt nhất thế giới mang tên Daewoo”.

Sau những ước mơ làm giàu cho đất nước, xóa bỏ nỗi tủi nhục của một dân nghèo, làm cho người Việt Nam có thể ngẩng cao đầu trước thế giới, chúng ta lại có một ước mơ mới: xây dựng một trường đại học kiểu mới, một khu công nghệ cao tiên tiến, ngang tầm với các trường đại học lớn và khu ông nghệ cao của các nước, xứng đáng với tầm vóc của dân tộc ta. Ai cũng biết đến trường Đại học Havard, thung lũng Silicon ở Mỹ, Sorbone ở Pháp, Cambrigde, Oxford ở Anh, Lomonosop ở Nga, Bắc Đại ở Trung Quốc. Còn trường đại học gì, khu công nghệ gì của Việt Nam?

Những người sáng lập ra FPT đã có những ước mơ lớn và đang từng bước biến ước mơ ấy thành hiện thực. Chúng ta thành tâm chia sẻ niềm vui và hãnh diện về FPT.

Trong hồi ký của mình, anh Trương Gia Bình đã đánh giá cao những đóng góp của chúng tôi cho sự hình thành và phát triển của FPT. Thực ra, chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ của một bà đỡ mát tay cho những ý tưởng tốt đẹp và mạnh dạn được thai nghén từ thế hệ trẻ mà thôi. Chính sự nghiệp đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam khởi đầu từ Đại hội IV mới là bệ phóng cho các ước mơ cao đẹp của các bạn.

Xin chúc các bạn tiếp tục bền bỉ phấn đấu để đạt được những thành công ngày càng to lớn hơn.

(Phát biểu của Giáo sư Nguyễn Văn Đạo – Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập FPT ngày 14/09/1998).

***

Bài viết liên quan

Cập nhật mọi tin tức mới nhất về công nghệ AI

Đăng ký nhận bản tin của FPT.AI để được phủ sóng mọi xu hướng công nghệ, câu chuyện thành công và phân tích của chuyên gia.