Trong thời đại khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, công nghệ OCR được ứng dụng rộng rãi vào nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau và nhanh chóng thể hiện vai trò thiết thực của mình. Ngoài lợi thế hỗ trợ tích cực các công ty, doanh nghiệp số hóa tài liệu, OCR còn góp phần đơn giản hóa nhiều hoạt động hàng ngày của con người.
OCR là gì?
Đầu tiên, OCR là gì?
OCR là viết tắt của cụm từ Optical Character Recognition, đây là phần mềm nhận dạng ký tự quang học, được áp dụng để nhận dạng các ký tự trên một file ảnh chup hoặc pdf, sau đó trích xuất các trường thông tin trên hình ảnh và lưu trữ dưới dạng text nhằm số hóa tài liệu, cụ thể là các thông tin, dữ liệu trên ảnh chụp đó thành văn bản.
Ứng dụng thường gặp nhất của công nghệ này là máy scanner nhiều người đã quen thuộc nơi văn phòng. Nhưng, hiện tại, các máy scan cơ bản chỉ quét được hình ảnh và trả về hình ảnh dạng số hóa.
Dưới đây là một vài ví dụ quan trọng ứng dụng công nghệ nhận dạng kí tự quang học:
1. Hỗ trợ cuộc sống của người già, người khiếm thị
Vào những năm 1970, công ty Kurzweil Computer Products Inc của Mỹ đã cho ra đời hệ thống phông chữ Omni đầu tiên trên thế giới. Phần mềm OCR có khả năng nhận dạng phông chữ này. Ngay lập tức, công nghệ OCR đã được tích hợp với công nghệ tổng hợp giọng nói (giọng máy), giúp máy có khả năng đọc hiểu văn bản.
Nói cách khác, văn bản không chỉ được phần mềm OCR giải mã, mà còn được công cụ tổng hợp giọng nói đọc ra thành tiếng. Giọng nói vi tính hóa đã được ứng dụng vào việc đọc văn bản trong sách, báo, tạp chí cho người cao tuổi, người khiếm thị, giúp cuộc sống của họ trở nên nhẹ nhàng hơn.
2. Sắp xếp tài liệu trong các công ty luật và toà án
Trong mỗi vụ án, các giấy tờ tài liệu pháp lí, hồ sơ rất nhiều và phức tạp. Để đảm bảo không bỏ sót bất kì chi tiết, giấy tờ nào quan trọng, luật sư phải sắp xếp và tìm kiếm mất rất nhiều thời gian.
Nhờ phần mềm OCR, các luật sư có thể số hóa tất cả các văn bản một cách vô cùng nhanh chóng. Khi cần, họ dễ dàng tìm tài liệu theo từ khoá, ngày tháng, tên tệp… một cách đơn giản, tiện lợi và khoa học. Điều này đồng nghĩa với việc, luật sư không phải thuê nhiều trợ lí để thực hiện các nhiệm vụ thủ công, mà vẫn đảm bảo giám sát được công việc.
3. Bảo tồn các văn bản có giá trị
Các thư viện cổ, trung tâm văn hóa lịch sử hay viện bảo tàng… là những nơi lưu trữ rất nhiều các bản thảo, tài liệu, hồi kí… Quá trình cất giữ và bảo quản những tài liệu này không hề đơn giản. Chúng rất dễ bị mối mọt và hư hại theo thời gian. Việc nhập liệu thủ công chính xác và đầy đủ lượng văn bản khổng lồ đấy là điều vô cùng khó khăn và vất vả, có thể mất tới hàng chục năm.
Tuy nhiên, công nghệ OCR ra đời đã giúp nhiều tổ chức giải quyết bài toán đó một cách đơn giản hơn. Các văn bản, tài liệu quan trọng được chuyển đổi từ dạng giấy sang file mềm, giúp việc lưu trữ và bảo tồn nhiều di sản văn học trở nên dễ dàng hơn.
4. Nhận dạng cá nhân
Khi đăng kí mở tài khoản ngân hàng, mở thẻ thành viên hay bất kì một hành động nào cần phải xác minh danh tính, bạn đều phải cung cấp thông tin cá nhân đúng và đầy đủ với các bên đối tác. Quá trình kê tờ khai mất kha khá thời gian của bạn và bên làm dịch vụ. Đôi khi, nhập liệu sai dẫn đến những rắc rối không đáng có về sau.
Với phần mềm OCR, các tài liệu pháp lí như chứng minh nhân dân, hộ chiếu, bằng lái xe và nhiều loại giấy tờ khác đều có thể được quét nhanh chóng bởi các văn phòng công chứng, phòng cảnh sát, sân bay và nhiều tổ chức, dịch vụ cần xử lí thông tin cá nhân. Đối với các giấy tờ tùy thân không quá nhiều kí tự, công nghệ OCR có khả năng nhận dạng chính xác gần như tuyệt đối, giảm thiếu tối đa lỗi nhập liệu. Hơn thế nữa, việc nhận dạng và trích xuất thông tin bằng máy giúp các cơ quan, đơn vị, tổ chức dễ dàng lưu trữ thông tin và có thể truy xuất thông tin người dùng bất cứ lúc nào.
5. Xử lí hóa đơn và nhiều loại chứng từ
Tất cả các cơ quan, tổ chức đều có hàng nghìn các loại giấy tờ, tài liệu, với nhiều định dạng khác nhau như các văn bản in/viết tay trên giấy, file PDF, JPG… Các nhân viên khó có thể nhập tất cả các dữ liệu đó vào hệ thống, hoặc phải tốn rất nhiều thời gian để xử lí khối lượng giấy tờ không hồi kết đó. Hơn thế, xác suất sai sót trong nhập liệu khá lớn.
Nhiều cơ quan, tổ chức chọn giải pháp chuyển đổi các hợp đồng, hóa đơn, chứng từ và nhiều loại giấy tờ khác thành văn bản dưới dạng kĩ thuật số, để tiện sử dụng dữ liệu đó cho các báo cáo tài chính, lưu trữ hay trao đổi tài liệu. Và phần mềm OCR là sự lựa chọn tuyệt vời.
Hiện nay, hơn 60% các công ty lớn trên toàn thế giới đã sử dụng OCR để nhập dữ liệu cho nhiều bước trong quy trình hoạt động của doanh nghiệp. Công nghệ OCR cho phép các công ty tự động lưu trữ dữ liệu vào hệ thống, dễ dàng tích hợp, chuyển đổi hay liên kết đến một nền tảng khác như qua email, fax hoặc EDI truyền thống.
Công nghệ OCR ngày càng trở nên phổ biến bởi những tiện ích mà nó mang lại cho cả các cơ quan tổ chức cũng như người dùng. Trong tương lai không xa, OCR sẽ được tích hợp với rất nhiều công nghệ tiên tiến khác, để tạo ra những sản phẩm đột phá phục vụ nhiều hoạt động của con người.
Ở Việt Nam, một trong những sản phẩm được tích hợp phần mềm OCR tiếng việt có tính chính xác cao nhất trên thị trường đó là FPT.AI Reader, được phát triển bởi Ban công nghệ, thuộc tập đoàn FPT. Đây là giải pháp nhận dạng và trích xuất thông tin trên các giấy tờ tùy nhân như chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe, hộ chiếu… có độ chính xác lên đến 98%, dẫn đầu thị trường về chất lượng nhận diện.
Ngoài ra, công nghệ OCR của FPT.AI còn có khả năng nhận dạng và trích xuất thông tin trên các loại giấy tờ như hóa đơn, hợp đồng và nhiều yêu cầu riêng tùy nhu cầu của từng đối tác. FPT.AI Reader giúp các doanh nghiệp số hóa giấy tờ và nhận diện thông tin khách hàng nhanh chóng. Nhờ có OCR, thời gian nhập liệu được rút ngắn, thông tin có độ chính xác cao, giúp tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí hoạt động.
_____________________________
? Trải nghiệm các sản phẩm khác của #FPT_AI tại: https://fpt.ai/vi
? Địa chỉ: Tầng 7, tháp FPT, số 10 Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Tp. Hà Nội
☎ Hotline: 1900 638 399
? Email: [email protected]