Từ năm 2013, FPT đã không ngừng đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), khi nó còn là một khái niệm mới mẻ đối với Việt Nam. Với mục tiêu dẫn đầu thị trường và thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ AI, FPT đã thành lập công ty chuyên về AI mang tên FPT Smart Cloud.
Đồng thời, công ty đã ra mắt nền tảng trí tuệ nhân tạo toàn diện đầu tiên tại Việt Nam, FPT.AI, vào năm 2017 và đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Cùng khám phá cách FPT đầu tư AI để hiểu hành trình thực hiện được giấc mơ “Bứt phá dẫn đầu về AI, hiện thực mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm AI của khu vực và thế giới” của công ty trong bài viết sau.
Những khoản FPT đầu tư AI nghìn tỷ
Tham vọng dẫn đầu về AI, đã xây dựng một đội ngũ hơn 500 chuyên gia và 50 Tiến sĩ/Thạc sĩ, tập trung vào nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI. Đồng thời, FPT cũng đã thiết lập liên kết với các đối tác hàng đầu thế giới về AI như Viện Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo Mila (Canada) và công ty Landing AI tại Silicon Valley (Mỹ), để đào tạo và trao đổi nguồn nhân lực chất lượng.
Năm 2020, FPT quyết định xây dựng Trung tâm trí tuệ nhân tạo tại Quy Nhơn với quy mô khoảng 94 ha và tổng mức đầu tư hơn 4.362 tỷ đồng, bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng 462 tỷ đồng, chi phí thực hiện dự án 3.900 tỷ đồng. Đây là một dự án mang tính cách mạng, được hỗ trợ bởi Viện Mila, nơi FPT tập trung vào nghiên cứu và phát triển công nghệ AI tiên tiến.
Cụ thể, dự án này sẽ hỗ trợ nghiên cứu, đào tạo, sản xuất phần mềm, hỗ trợ chuyển đổi số, cung cấp giải pháp an ninh mạng, an ninh xã hội, trí tuệ nhân tạo phục vụ con người, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị dịch vụ; khu ở, đất công cộng – dịch vụ đô thị, cây xanh mặt nước và hạ tầng kỹ thuật. Các công trình của dự án bao gồm:
- Trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ, chuyên sâu trí tuệ nhân tạo;
- Cơ sở sản xuất sản phẩm phần mềm;
- Khu nhà ở hiện đại, thông minh với khoảng 2.100 căn;
- Các công trình dịch vụ xã hội đô thị chất lượng cao để đảm bảo cung cấp các tiện ích thiết yếu cho cư dân trong và ngoài khu đô thị theo đặc thù khu đô thị trí tuệ nhân tạo.
Dự án đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Định công bố danh mục ngày 28/4/2020 trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, được xây dựng và hoàn thành trong vòng 8 năm kể từ ngày ký hợp đồng và hoạt động trong vòng 50 năm.
>>> XEM THÊM: NLP là gì? Ứng dụng xử lý ngôn ngữ tự nhiên trong tiếng Việt
Ngoài ra, với mục tiêu trở thành một trong những nhà cung cấp dịch vụ Cloud hàng đầu trên thị trường, FPT đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng vào nghiên cứu công nghệ Cloud – công nghệ có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển trí tuệ nhân tạo. Trong đó, tập trung xây dựng hạ tầng thiết bị Cloud (Data Center) đạt tiêu chuẩn Tier III Constructed facility; đồng thời tiếp tục mở rộng hệ sinh thái Cloud với 100 dịch vụ, sản phẩm, giải pháp trong năm 2022.
Về dữ liệu, FPT chi 100 tỷ đồng mỗi năm cho nghiên cứu và phát triển các ứng dụng AI. Từ 2021, tập đoàn công bố đầu tư thêm 300 tỷ đồng cho mảng này trong 5 năm tới.
>>> XEM THÊM: ChatGPT là gì? Cách tạo tài khoản Chat GPT free
Những “quả ngọt” đầu tiên sau khi FPT đầu tư AI
Cùng các công nghệ số khác như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, công nghệ IoT, công nghệ không dây.., trí tuệ nhân tạo đang dần được áp dụng rộng rãi trong quá trình chuyển đổi số trên khắp thế giới, giúp hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trở nên linh hoạt, tự động và điều khiển thông minh.
Ông Lê Hồng Việt, Tổng giám đốc FPT Smart Cloud, cho biết, trong mảng dịch vụ chăm sóc khách hàng, ứng dụng AI của công ty giúp hỗ trợ gần 10 triệu khách hàng/tháng với độ chính xác từ 96-98%. “Trong tương lai công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ tiếp tục được ứng dụng thay đổi hoàn toàn cách vận hành, quản trị doanh nghiệp và cách doanh nghiệp tương tác với khách hàng ở mọi điểm chạm, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp có quy mô khách hàng lớn”, ông Việt thông tin thêm.
Sau 10 năm FPT đầu tư AI, công ty đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, với hơn 20 triệu người dùng cuối tại 15 quốc gia. Doanh nghiệp cũng đang nỗ lực “lấn sân” thị trường công nghệ tại khu vực Đông Nam Á cũng như Châu Á Thái Bình Dương.
>>> XEM NGAY: eKYC là gì? Phân biệt KYC và eKYC trong banking
Năm 2022 ghi nhận điểm sáng nhất trong lịch sử phát triển của FPT: doanh số dịch vụ IT ký mới với các thị trường nước ngoài cán mốc 1 tỷ USD, tăng gần 40% so với năm trước. Doanh thu dịch vụ chuyển đổi số cả năm 2022 đạt 7.349 tỷ đồng, tăng 33%. FPT hướng tới 1 triệu khách hàng trong nước và hưởng lợi từ việc Chính phủ giải ngân đầu tư chuyển đổi số các dự án công.
Bước sang năm 2023, chỉ trong 6 tháng đầu năm, doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin tại nước ngoài của FPT đạt 11.227 tỷ đồng, tăng 30,2%, lợi nhuận trước thuế đạt 1.834 tỷ đồng, tăng 34,6% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường trọng điểm đều giữ được đà tăng trưởng cao, đặc biệt tại thị trường Nhật Bản, bất chấp sự mất giá của đồng Yên, vẫn giữ được đà tăng trưởng cao.
Doanh thu chuyển đổi số của FPT tính riêng thị trường nước ngoài trong nửa đầu năm 2023 đã đạt 4.886 tỷ đồng, tăng trưởng 40% so với cùng kỳ, tập trung vào các công nghệ mới như Cloud, AI/Data Analytics,… Công ty cũng ghi nhận nhiều đơn hàng lớn từ thị trường nước ngoài, với doanh thu ký mới đạt 15.017 tỷ đồng, tăng trưởng 28,6% so với cùng kỳ. Trong đó có 13 dự án với quy mô trên 5 triệu USD.
Nguyên nhân sự tăng trưởng này, theo FPT, chủ yếu xuất phát từ nhu cầu chi tiêu lớn cho công nghệ thông tin, đặc biệt là chi tiêu cho chuyển đổi số tại thị trường Nhật Bản.
Trong bối cảnh xu hướng Chuyển đổi số vẫn đang tiếp tục diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam và trên thế giới, xu hướng Generative AI (AI tạo sinh) đang thay đổi hoàn toàn cách cung cấp cũng như cách khách hàng sử dụng dịch vụ, thì tiềm năng đầu tư vào AI cũng như các công nghệ số vẫn là rất lớn, hứa hẹn sẽ còn mang lại nhiều “quả ngọt” trong thời gian tới.
>>> KHÁM PHÁ:
- Sentiment Analysis là gì? Cơ chế hoạt động & 10 lợi ích nổi bật
- Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế – Trợ lý ảo công nghệ AI hỗ trợ đắc lực ngành Y tế thế giới
- Khám phá AI tạo sinh hình ảnh: Cơ chế và công nghệ lõi