Ngày 31/1/2020, WHO tuyên bố dịch bệnh do virus corona đang xảy ra tại Trung Quốc và nhiều quốc gia khác thế giới là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế. Bộ Y tế Việt Nam ngay lập tức đã xây dựng nhiều phương án để ứng phó với tình hình dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Một trong những việc vô cùng quan trọng đó là cập nhật tình hình nhanh chóng, chính xác đến người dân, không để tin giả gây hoang mang dư luận. Và trong cuộc chiến chống dịch trên mọi mặt trận ấy, Tập đoàn FPT vinh dự được đồng hành cùng Cục công nghệ thông tin – Bộ Y tế, xây dựng Trợ lý ảo phòng dịch Covid-19. Chỉ sau 2 ngày, Trợ lý ảo phòng dịch Covid-19 đã hoàn thành 90%.
Vậy, Trợ lý ảo phòng dịch Covid-19 đã ra đời thần tốc như thế nào?
1. Xác định vấn đề, mục tiêu tạo bot
Ngày 01/02, sau khi nhận được đề bài từ Cục công nghệ thông tin – Bộ Y tế, đội ngũ FPT.AI đã bắt tay ngay vào thảo luận và lên kế hoạch xây dựng một chatbot – Trợ lý ảo phòng dịch Covid-19. Chatbot Trợ lý ảo phòng dịch Covid-19 sẽ đảm nhận nhiệm vụ tự động giải đáp thắc mắc, cung cấp thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh. Ngoài các phương tiện truyền thông đại chúng quen thuộc, Trợ lý ảo phòng dịch Covid-19 là một trong những kênh đưa tin tức chính thống, nhanh và liên tục được cập nhật theo thời gian thực của Bộ Y tế. Những thông tin chatbot cung cấp đến người dân được xây dựng bởi các chuyên gia, bác sĩ của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Do đó, người dân hoàn toàn có thể yên tâm về tính chính xác về các phương pháp phòng tránh lây nhiễm, hướng dẫn chuẩn đoán bệnh…
2. Chuẩn bị tài liệu, các ý định, câu trả lời, câu mẫu
Để có được những thông tin chính xác nhất làm tư liệu tạo bot, đội ngũ FPT.AI phải tổng hợp tài liệu từ nhiều các bên liên quan. Bộ Y tế cung cấp những công văn, những khuyến cáo, những ý kiến chỉ đạo và số liệu về người đã mắc bệnh, đã khỏi bệnh, đã tử vong trong nước và thế giới. Các thông tin về virus, triệu chứng nhiễm bệnh, biện pháp phòng ngừa… được các bác sĩ, các chuyên gia tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương biên tập một cách cẩn thận và chi tiết. Đặc biệt, danh sách các bệnh viện sẵn sàng ứng cứu khi có trường hợp nghi nhiễm tại từng địa phương, hay cách ly tại nhà phải tuân thủ những yêu cầu như thế nào… đều được Bộ Y tế cung cấp chi tiết.
3. Xác định các chủ đề chính mà người dùng quan tâm
Sau khi đã có đầy đủ thông tin về dịch Covid-19, để có thể cung cấp và đưa ra những thông tin hữu ích đến người dân, Đội ngũ xây dựng Trợ lý ảo phòng dịch Covid-19 phải xác định được các vấn đề mà người dùng quan tâm là gì? Từ nhiệm vụ của bot, đội ngũ tạo chatbot phải đưa ra được các chủ đề chính (main topic) liên quan đến dịch Covid-19.
Ví dụ, đối với chatbot hỏi đáp về tình hình dịch covid-19, những vấn đề mà người dân quan tâm là gì? Người dân có thể quan tâm đến các thông tin về virus như covid-19 là virus gì, nó có nguồn gốc như thế nào, cơ chế lây lan của virus này là gì, virus có đặc điểm gì…; các thông tin về bệnh như cách kiểm tra có bị nhiễm bệnh hay không, những người nghi nhiễm bệnh phải xử lí thế nào, chi phí khám chữa bệnh như nào…; hoặc các triệu chứng nhiễm bệnh; biện pháp phòng ngừa, thông tin tình hình dịch covid-19 trên giới và Việt Nam…
Để chatbot có thể cung cấp thông tin đầy đủ và toàn diện nhất, đội ngũ tạo bot phải liệt kê càng nhiều vấn đề mà người dùng quan tâm càng tốt. Cách làm khoa học nhất là sơ đồ hóa các vấn đề chính của cuộc hội thoại, sắp xếp thông tin dưới dạng sơ đồ cây, từ tổng quát đến chi tiết. Điều đó sẽ giúp chatbot có được lượng thông tin lớn, chi tiết, kĩ càng và không bị sót vấn đề.