eKYC (Electronic Know Your Customer) là hình thức định danh khách hàng điện tử giúp các ngân hàng xác minh danh tính khách hàng online thông qua mã xác thực OTP, username (tên đăng nhập) và mật khẩu, sinh trắc học (biometrics), Face ID, dấu vân tay, trí tuệ nhân tạo (AI) và nhận diện ký tự quang học OCR. Xác thực eKYC đơn giản hóa các thủ tục, giấy tờ, cho phép khách hàng mở tài khoản ngân hàng ngay tại nhà với một chiếc smartphone có kết nối internet. Cùng FPT.AI khám phá chi tiết ưu và nhược điểm của eKYC là gì trong bài viết sau.
eKYC là gì? eKYC có gì nổi trội hơn KYC?
eKYC (Electronic Know Your Customer) là giải pháp xác thực danh tính khách hàng trực tuyến thông qua AI và các công nghệ kỹ thuật số. Công nghệ này tự động thu thập, phân tích dữ liệu sinh trắc học (bao gồm dấu vân tay, hình ảnh chân dung, video khuôn mặt) sau đó đối chiếu thông tin định danh (từ CMND, CCCD, hộ chiếu) với cơ sở dữ liệu để xác thực danh tính.
So với KYC, eKYC rút ngắn thời gian xác minh còn 3-5 phút, cho phép khách hàng hoàn tất từ xa qua thiết bị kết nối Internet, không cần đến quầy giao dịch, không phải xếp hàng, điền đơn hay chờ đợi. Phương thức này giảm thiểu việc điền thông tin thủ công và hạn chế sai sót trong quá trình nhập liệu.

Hiện nay, cung cấp dữ liệu eKYC đã trở thành yêu cầu bắt buộc với các yêu cầu mở tài khoản trực tuyến. Khi hoàn thành xác thực eKYC, khách hàng có thể thực hiện nhiều dịch vụ trực tuyến khác như chuyển khoản, tạo sổ tiết kiệm và thanh toán hóa đơn.
Tuy nhiên, với các giao dịch phức tạp hơn như đăng ký khoản vay, khách hàng phải đến trực tiếp quầy giao dịch để thực hiện thủ tục KYC theo phương thức truyền thống.
>>> ĐỌC THÊM: eKYC có an toàn không? Giải pháp chống giả mạo từ FPT.AI
Lợi ích của eKYC trong ngân hàng
Ngành tài chính – ngân hàng tiên phong ứng dụng công nghệ định danh điện tử, giúp khách hàng xác minh thông tin khi mở tài khoản, đăng ký thẻ và sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến. Ứng dụng eKYC mang lại nhiều lợi ích:
Đối với người dùng
eKYC giúp người dùng giảm thiểu đáng kể thời gian và công sức khi thực hiện các giao dịch, đặc biệt là việc mở tài khoản hoặc thẻ ngân hàng. Thay vì phải đến quầy giao dịch, người dùng giờ đây có thể thực hiện các thủ tục này ngay trên điện thoại di động tuỳ theo lịch trình cá nhân thay vì phải điều chỉnh theo giờ làm việc của ngân hàng, giảm phiền toái về giấy tờ.
Công nghệ eKYC bảo vệ dữ liệu cá nhân bằng các hệ thống mã hóa và bảo mật tiên tiến. Khách hàng ở vùng sâu, vùng xa, hoặc những người không có điều kiện đến ngân hàng vẫn có thể tiếp cận dịch vụ thông qua các thiết bị kết nối Internet. Điều này giúp khách hàng hòa nhập với xu hướng công nghệ hiện đại và tối ưu hóa trải nghiệm sử dụng dịch vụ ngân hàng trong kỷ nguyên số.

Đối với ngân hàng
- Mở rộng thị phần: Công nghệ eKYC giúp ngân hàng tiếp cận khách hàng ở vùng xa và quốc tế, không còn giới hạn bởi vị trí địa lý.
- Quản lý khách hàng hiệu quả: Hệ thống giúp nhận diện và nắm bắt thông tin về khu vực sinh sống, công tác của khách hàng, đánh giá mức độ phù hợp với phạm vi phục vụ.
- Tối ưu hiệu suất: Quy trình xác minh tự động cho phép xử lý nhiều khách hàng cùng lúc mà không giảm chất lượng dịch vụ.
- Tiết kiệm chi phí: Quy trình eKYC diễn ra hoàn toàn tự động, không cần nhiều sự can thiệp thủ công, rút ngắn thời gian xác minh xuống còn vài phút.
- Dữ liệu tập trung: eKYC tạo hệ thống CRM tập trung thay vì lưu trữ riêng lẻ tại từng chi nhánh, giúp kiểm tra chéo thông tin dễ dàng và tránh trùng lặp.
- Tăng cường bảo mật: Đảm bảo giao dịch chỉ được thực hiện bởi khách hàng thật, giám sát rủi ro liên tục và truy vết nhanh chóng các hành vi vi phạm.
- Nâng cao trải nghiệm: Quy trình nhanh chóng, không cần chờ đợi tạo ấn tượng tốt, giúp thu hút và giữ chân khách hàng trong thời đại số.

>>> XEM THÊM: Deepfake là gì? Cách nhận dạng và phòng chống các cuộc gọi và video lừa đảo bằng Deepfake
Những công nghệ được tích hợp trong quy trình eKYC là gì?
Công nghệ OCR
Nhận dạng ký tự quang học OCR (Optical Character Recognition) là công nghệ được sử dụng để nhận dạng ký tự trên hình ảnh/ file PDF, sau đó trích xuất thông tin và chuyển các hình ảnh này thành văn bản.
OCR trong eKYC giúp ngân hàng nhận dạng và trích xuất các thông tin từ giấy tờ tùy thân (CCCD, danh thiếp, hộ chiếu,…) như số CMND, họ tên, ngày sinh… để đối chiếu với các cơ sở dữ liệu có sẵn.

Face Matching
Được trang bị công nghệ Học sâu (Deep Learning), công nghệ Facematch AI có thể phân tích và so sánh độ trùng lặp của video/ ảnh chụp chân dung trên các giấy tờ như CCCD/CMDN, Bằng lái xe, Hộ chiếu… với hình ảnh/video mặt thật theo thời gian thực, nâng cao tính chính xác của quy trình eKYC.

Công nghệ Liveness Detection
Mục tiêu chính của Liveness Detection là chứng minh người thực sự (chính chủ) đang thực hiện hoạt động xác nhận sinh trắc học. Công nghệ này được xem là hàng rào phòng bảo vệ cấp 2 trong quy trình định danh trực tuyến eKYC, giúp chống đánh cắp danh tính.
Khách hàng chỉ cần cung cấp 1 ảnh và 1 video selfie được thực hiện trực tiếp bằng hình ảnh của điện thoại thông minh, máy tính bảng hoặc webcam máy tính. Sau đó công nghệ Liveness Check sẽ phân tích dữ liệu, ngăn chặn những video được phát lại, ảnh tĩnh hoặc mặt nạ.
NFC (Near Field Communication)
NFC kết nối không dây tầm ngắn, cho phép các thiết bị điện tử hoặc thiết bị có gắn chip giao tiếp với nhau. Ngân hàng ứng dụng NFC để truy xuất thông tin và xác thực sinh trắc học trên CCCD, nâng cao tính bảo mật và tiện lợi trong quy trình định danh.

E-Signature (Chữ ký điện tử)
E-Signature cho phép khách hàng ký hợp đồng và tài liệu trực tuyến khi mở tài khoản hoặc sử dụng dịch vụ ngân hàng. Công nghệ này thay thế chữ ký tay, giúp xác minh, phê duyệt tài liệu, biểu mẫu từ xa, không giới hạn thời gian hay địa điểm. Điều này giúp ngân hàng tăng tốc độ xử lý giao dịch và nâng cao trải nghiệm người dùng.

Video Call KYC
Video KYC cho phép nhân viên thực hiện giám định trực tuyến, tương tự như nhận dạng và xác minh khuôn mặt trực tiếp. So với các phương thức như OTP hay mã PIN, eKYC qua Video Call có độ tin cậy cao hơn, được sử dụng để thực hiện phỏng vấn trực tiếp, bổ sung cho quá trình xác thực và đảm bảo tính chính xác của thông tin khách hàng.

Fraud Detection (Phát hiện gian lận)
Fraud Detection nhận diện và ngăn chặn các hành vi gian lận như sử dụng ảnh giả, ảnh in, ảnh ghép để đánh lừa hệ thống xác minh danh tính. Nhờ đó, ngân hàng có thể giảm thiểu rủi ro lừa đảo, nâng cao mức độ an toàn trong quản lý thông tin và giao dịch.

>>> XEM THÊM: Computer Vision là gì? Bật mí sức mạnh của thị giác máy tính
Các hình thức bảo mật của eKYC
Một số phương thức bảo mật giúp eKYC bảo vệ thông tin và dữ liệu khách hàng bao gồm:
- Tên đăng nhập (Username) và mật khẩu: Đây là hình thức bảo mật cơ bản và phổ biến nhất hiện nay. Để đảm bảo tài khoản được bảo mật tốt nhất, nên đặt mật khẩu mạnh (ít nhất 8 ký tự, kết hợp chữ hoa, chữ thường, số và ký hiệu đặc biệt), khó đoán và thay đổi định kỳ 6 tháng/lần, tránh sử dụng các thông tin dễ đoán như số điện thoại, ngày tháng năm sinh.

- Sử dụng sinh trắc học (Biometrics): Công nghệ xác minh danh tính qua dấu vân tay, nhận diện khuôn mặt (Face ID) hay giọng nói (Voice Biometrics) đã trở nên quen thuộc với nhiều người khi đăng nhập, thực hiện giao dịch và xác nhận giao dịch. Do khó bị giả mạo, xác minh danh tính nhanh và hiệu quả, sinh trắc học được nhiều khách hàng thiết lập ngay từ đầu khi mở tài khoản trực tuyến.

- Mã xác thực OTP (One-Time Password): Đây là cách hình thức xác minh danh tính có tính bảo mật cao nhất, gồm 4 hoặc 6 chữ số, được tạo ra một lần duy nhất và chỉ dùng cho một giao dịch cụ thể. Khi người dùng thực hiện giao dịch, hệ thống sẽ tự động tạo mã và gửi đến người dùng thông qua tin nhắn điện thoại. Mã OTP có hiệu lực ngắn hạn, chỉ từ 30 giây đến 1 phút, sau đó sẽ tự động hủy bỏ, giúp đảm bảo tính bảo mật cao hơn, chính xác và an toàn.
Ngoài ba hình thức chính trên, eKYC còn tích hợp các hệ thống cảnh báo rủi ro dựa trên AI và công nghệ mã hóa dữ liệu đầu cuối (End-to-End Encryption) để phát hiện và ngăn chặn các giao dịch bất thường trong thời gian thực. Các lớp bảo mật đa dạng này không chỉ bảo vệ thông tin khỏi bị xâm phạm mà còn củng cố niềm tin vào các dịch vụ kỹ thuật số trong thời đại số hóa.

>>> XEM THÊM: Vì sao sinh trắc học khuôn mặt là yêu cầu xác thực bắt buộc sau ngày 1/7/2024?
Hướng dẫn thực hiện xác minh eKYC trong ngân hàng
Căn cứ theo khoản 1 Điều 14a Thông tư 23/2014/TT-NHNN, được bổ sung bởi khoản 6 Điều 1 Thông tư 16/2020/TT-NHNN, ngân hàng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài, khi thực hiện mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử, có trách nhiệm xây dựng, ban hành và công khai quy trình cũng như thủ tục mở tài khoản thanh toán. Quy trình này phải tuân thủ quy định tại Điều 14a nêu trên, các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, giao dịch điện tử, đồng thời bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin khách hàng và an toàn hoạt động của ngân hàng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Quy trình eKYC trong việc mở tài khoản thanh toán cá nhân bằng phương thức điện tử bao gồm ít nhất các bước:
- Thu thập thông tin về hồ sơ của khách hàng muốn mở tài khoản thanh toán theo quy định tại khoản 1, khoản 4, khoản 5 Điều 12 và khoản 1 Điều 13 Thông tư này.
- Đối chiếu, xác minh thông tin để nhận biết khách hàng một cách chính xác.
- Thông báo những hành vi bị cấm hoặc không được phép trong quá trình mở và sử dụng tài khoản thanh toán được mở bằng phương thức điện tử.
- Cung cấp nội dung thỏa thuận mở và sử dụng tài khoản thanh toán theo khoản 1 Điều 13a Thông tư này, đồng thời tiến hành ký kết thỏa thuận với khách hàng.
- Sau khi hoàn tất, ngân hàng cần gửi thông báo cho khách hàng về số tài khoản, tên tài khoản, hạn mức giao dịch cùng ngày tài khoản bắt đầu hoạt động.
Xem ngay quá trình xác thực eKYC trên FPT AI eKYC ở video sau:
Dưới đây là mô tả các bước thực hiện trong video mà bạn có thể xem lại:
- Chụp ảnh giấy tờ tùy thân: Người dùng cần chụp cả hai mặt của giấy tờ tùy thân, chẳng hạn như Căn cước công dân (CMND/CCCD), Giấy phép lái xe, Hộ chiếu,… Khi chụp ảnh cần đặt giấy tờ trong vùng chụp trên màn hình, giữ giấy tờ cố định, không bị lóa sáng hoặc mờ nhòe để đảm bảo hình ảnh rõ ràng, không bị mất góc hoặc che khuất thông tin.

- Quét NFC (Áp dụng với CCCD gắn chip): Nếu sử dụng CCCD gắn chip, khách hàng cần giữ ổn định thẻ căn cước ở vị trí quét NFC trên điện thoại. Hệ thống sẽ tiến hành đọc dữ liệu trên chip và xác thực thông tin trên CCCD với dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia. Khi quét hoàn tất, màn hình hiển thị thông báo “Hoàn thành đọc thẻ”.

- Xác thực khuôn mặt (Liveness Detection): Khách hàng thực hiện chụp ảnh khuôn mặt để xác thực danh tính. Khi thực hiện, cần nhìn thẳng vào camera, thực hiện quay đầu nhẹ sang trái, phải (30-45 độ), đảm bảo khuôn mặt phải nằm rõ ràng trong khung hình, không đeo kính, khẩu trang, mũ hoặc các vật che mặt. Ngoài ra, cần đảm bảo ánh sáng đủ, không quá tối hoặc bị loá sáng. Hệ thống sẽ so khớp khuôn mặt chụp với ảnh trên giấy tờ tùy thân, đảm bảo người thực hiện là người thật, không phải ảnh chụp hay video phát lại.


- Kiểm tra và đối chiếu thông tin: Hệ thống sẽ hiển thị kết quả xác thực bao gồm: Thông tin trên giấy tờ (họ tên, ngày sinh, giới tính, quốc tịch, địa chỉ, đặc điểm nhận dạng, ngày cấp, nơi cấp), Thông tin trích xuất từ chip (đối với CCCD gắn chip), Kết quả xác thực sinh trắc học (Face Match, Liveness Check). Nếu các thông tin trùng khớp, người dùng chọn “Tiếp theo” để hoàn tất quy trình eKYC.

- Hoàn tất quá trình eKYC: Khi toàn bộ thông tin được xác thực thành công, khách hàng có thể tiếp tục hoàn tất các bước đăng ký tài khoản hoặc sử dụng dịch vụ. Thời gian trung bình để hoàn thành quá trình eKYC chỉ khoảng 35 giây.

>>> XEM THÊM: TOP 7 ứng dụng AI trong tài chính – ngân hàng nổi bật nhất
Nhược điểm của eKYC là gì?
- Rủi ro mạo danh và bảo mật thông tin: Khả năng bị giả mạo thông qua giấy tờ giả hoặc thông tin cá nhân (tên tài khoản, mật khẩu, số điện thoại, số CMND/CCCD) bị rò rỉ do truy cập vào trang web đen hoặc đường link chứa mã độc, tạo điều kiện cho giao dịch trái phép trên tài khoản Internet Banking .
- Phụ thuộc công nghệ: Cần kết nối internet ổn định và thiết bị thông minh, gây khó khăn cho người dùng khi truy cập, tải dữ liệu khi xác minh danh tính.
- Đầu tư cơ sở hạ tầng: Doanh nghiệp phải chi phí lớn cho hệ thống lưu trữ và xử lý dữ liệu.
- Sai sót nhận diện: Có thể xảy ra lỗi trong quá trình nhận diện, ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng.
- Giới hạn giao dịch: Một số trường hợp vẫn yêu cầu đến chi nhánh trực tiếp:
- Đăng ký khoản vay
- Xung đột dữ liệu cá nhân (trùng số điện thoại, thông tin không khớp)
- Tăng hạn mức giao dịch vượt mức cho phép
- Kích hoạt tính năng cao cấp không hỗ trợ qua eKYC

>>> XEM THÊM: Hướng dẫn sử dụng FPT AI eKYC Portal: Giải Pháp Quản Lý eKYC Toàn Diện
Đâu là giải pháp eKYC hàng đầu dành cho doanh nghiệp?
Từ đầu tháng 7/2020, Ngân hàng nhà nước đã cho phép khoảng 10 ngân hàng được thí điểm eKYC. Chỉ sau 2 tháng VPBank ra mắt giải pháp eKYC được phát triển bởi FPT.AI, ngân hàng đã có khoảng hơn 15.000 tài khoản đăng ký mới.
Nhờ FPT AI eKYC, khách hàng của VPBank có thể trải nghiệm đa dạng tính năng: chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, kết nối với ví điện tử, nạp tiền dịch vụ với hạn mức nạp tiền lên đến 10 triệu đồng mỗi ngày (tổng giới hạn 300 triệu đồng). Quá trình đăng ký và xác thực sinh trắc học chỉ diễn ra trong vài phút, cung cấp ngay quyền truy cập vào tài khoản thanh toán và Internet Banking mà không yêu cầu đến văn phòng giao dịch.
FPT AI eKYC có thể kết nối với cơ sở dữ liệu RAR (C06 – Bộ Công an), đảm bảo xác minh đúng 100% và toàn vẹn của thẻ CCCD gắn chip, đáp ứng nhu cầu về mặt nghiệp vụ doanh nghiệp và tuân thủ pháp lý. Người dùng có thể rút tiền miễn phí tại hơn 17.000 máy ATM trên toàn quốc, không yêu cầu số dư tối thiểu, thanh toán bằng mã QR và nhận SMS Banking miễn phí.

Cần lưu ý là dịch vụ eKYC của VPBank áp dụng cho công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên và người nước ngoài cư trú dài hạn, yêu cầu CMND/CCCD còn hiệu lực, số điện thoại và email. Tài khoản eKYC sẽ có hạn mức giao dịch 50 triệu đồng/lần và 50 triệu đồng/ngày. Khách hàng đăng ký trực tuyến sẽ không nhận được thẻ vật lý, và người có nợ xấu vẫn có thể mở tài khoản nhưng không được tiếp cận các khoản vay trên ứng dụng.
Đặc biệt, FPT AI eKYC còn đạt chứng nhận ISO/IEC 30107-3, tiêu chuẩn quốc tế uy tín, xác nhận khả năng phát hiện và ngăn chặn các hình thức giả mạo tinh vi như sử dụng hình ảnh tĩnh, video phát lại hay công cụ mô phỏng khuôn mặt. Thành tích này khẳng định FPT AI eKYC đã vượt qua bài kiểm định Presentation Attack Detection (PAD) của iBeta – thành viên Hiệp hội FIDO và đơn vị kiểm định công nghệ hàng đầu thế giới.

Tích hợp AI tạo sinh (Generative AI), công nghệ nhận diện khuôn mặt (Face-Matching), phát hiện thực thể sống (Liveness Detection) và kiểm tra gian lận (Fraud Check), FPT AI eKYC không chỉ phát hiện kịp thời các tấn công giả mạo mà còn giảm thời gian định danh khách hàng đến 70%, trung bình chỉ từ 35-40 giây để hoàn tất một quy trình với độ chính xác lên đến 98%.
Chứng nhận ISO/IEC 30107-3 không chỉ đánh dấu bước tiến lớn về công nghệ mà còn thể hiện cam kết của FPT Smart Cloud trong việc cung cấp giải pháp bảo mật thông tin hàng đầu, phục vụ hiệu quả cho các tổ chức tài chính, ngân hàng, chứng khoán hàng đầu tại Việt Nam. Sự đổi mới liên tục của FPT AI eKYC đảm bảo mang lại trải nghiệm tối ưu và an tâm tuyệt đối cho hàng triệu khách hàng, góp phần đẩy mạnh xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính.
Các câu hỏi thường gặp khác về eKYC
Điều kiện để ngân hàng triển khai công nghệ eKYC trong mở tài khoản thanh toán cá nhân bằng phương thức điện tử
Theo quy định tại khoản 2 Điều 14a Thông tư 23/2014/TT-NHNN, được bổ sung bởi khoản 6 Điều 1 Thông tư 16/2020/TT-NHNN, ngân hàng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép ứng dụng eKYC khi đáp ứng các yêu cầu:
(1) Có công nghệ và biện pháp phù hợp để thu thập, kiểm tra, đối chiếu và bảo đảm khớp đúng giữa thông tin nhận biết, dữ liệu sinh trắc học của khách hàng với thông tin trên giấy tờ tùy thân (quy định tại khoản 1 Điều 12 Thông tư này) hoặc dữ liệu định danh cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác thực, hoặc được tổ chức tín dụng khác hoặc tổ chức cung cấp dịch vụ định danh và xác thực điện tử xác minh.
Trong đó, dữ liệu sinh trắc học là các đặc điểm sinh học khó làm giả và có tỷ lệ trùng lặp thấp, ví dụ như vân tay, khuôn mặt, mống mắt, giọng nói và các yếu tố sinh trắc học khác.

(2) Có giải pháp kỹ thuật để khẳng định khách hàng, sau khi được định danh, đã chấp thuận nội dung thỏa thuận mở và sử dụng tài khoản thanh toán.
(3) Xây dựng quy trình quản lý, đánh giá rủi ro, có biện pháp ngăn chặn các hành vi mạo danh, can thiệp, chỉnh sửa, làm sai lệch thông tin nhận biết khách hàng trước, trong và sau khi mở tài khoản. Đồng thời, có biện pháp kiểm tra, xác minh nhằm bảo đảm người giao dịch trên tài khoản điện tử chính là chủ tài khoản.
Nếu phát hiện rủi ro, sai lệch hoặc giao dịch bất thường liên quan đến thông tin nhận biết khách hàng, hoặc giao dịch đáng ngờ (theo quy định pháp luật phòng, chống rửa tiền), ngân hàng phải kịp thời từ chối hoặc dừng giao dịch, tạm khóa hoặc phong tỏa tài khoản, và tiến hành xác minh lại thông tin.
Quy trình quản lý, kiểm soát rủi ro cần được rà soát, hoàn thiện thường xuyên trên cơ sở thông tin, dữ liệu cập nhật trong quá trình cung ứng dịch vụ.
(4) Lưu trữ đầy đủ, chi tiết và theo thời gian tất cả thông tin nhận biết khách hàng, dữ liệu sinh trắc học, âm thanh, hình ảnh, bản ghi hình, ghi âm, số điện thoại thực hiện giao dịch, nhật ký giao dịch.
Các thông tin, dữ liệu cần được bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin, có phương án sao lưu dự phòng, bảo đảm tính đầy đủ, toàn vẹn, phục vụ công tác kiểm tra, đối chiếu, giải quyết tra soát, khiếu nại, tranh chấp và cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu. Thời gian lưu trữ thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.

Việc mở tài khoản thanh toán bằng eKYC có áp dụng với tài khoản chung và người nước ngoài không?
Căn cứ vào khoản 2 Điều 14a Thông tư 23/2014/TT-NHNN, được bổ sung bởi khoản 6 Điều 1 Thông tư 16/2020/TT-NHNN:
“Việc mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử quy định tại Điều này không áp dụng đối với tài khoản thanh toán chung, khách hàng cá nhân là người nước ngoài và các đối tượng quy định tại điểm b, c, d khoản 1 Điều 11 Thông tư này.”
Như vậy, mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử không áp dụng đối với trường hợp tài khoản thanh toán chung, khách hàng cá nhân là người nước ngoài và một số đối tượng khác được quy định cụ thể tại điểm b, c, d khoản 1 Điều 11 Thông tư 23/2014/TT-NHNN (được sửa đổi, bổ sung).
———————————-
? Trải nghiệm các sản phẩm khác của #FPT_AI tại: https://fpt.ai/vi
? Địa chỉ: Tầng 7, tháp FPT, số 10 Phạm Văn Bạch, Quận Cầu Giấy, Tp. Hà Nội
☎Đường dây nóng: 1900 638 399
? Email: support@fpt.ai
Xem thêm: